Du lịch
Kinh nghiệm du lịch
Khách Tây chia sẻ bí quyết sang đường ở Việt Nam
- Thứ ba, 10/3/2015 13:10 (GMT+7)
- 13:10 10/3/2015
Nếu bạn qua đường chậm nhưng thật đều bước, xe máy sẽ tránh bạn. Nếu dừng lại hoặc tăng tốc đột ngột, bạn sẽ dễ bị gương chiếu hậu quệt phải, Lonely Planet viết.
|
Rome (Italy): Người Rome chỉ dừng xe vì hai lý do: khi có các bà xơ, và khi phải trả lời điện thoại của mẹ. Bởi vậy, lúc qua đường, bạn chỉ cần bước khỏi lề đường, bước chậm nhưng thật đều, và dòng xe đang chạy sẽ tự động điều chỉnh theo bạn. Lúc đầu bạn có thể phát hoảng, nhưng rồi sẽ quen dần. Còn nếu vẫn chần chừ, tốt nhất bạn nên đi theo một người bản địa đang qua đường. |
|
Việt Nam: Qua đường ở Việt Nam cũng giống ở Rome, nhưng có phần khó khăn hơn. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều ngồi xe máy đang chạy. Giao thông như một cơn lũ quét không có điểm dừng. Bởi vậy nếu không muốn ở khách sạn cả ngày, bạn phải đối mặt. Bạn nên qua đường chậm nhưng thật đều bước, các xe máy sẽ tránh bạn. Nếu bạn bất chợt dừng lại hoặc tăng tốc đột ngột, bạn sẽ dễ bị gương chiếu hậu quệt phải khi xe đang chạy với vận tốc khoảng 40 km/h. |
|
New York (Mỹ): Người New York ra phố thường không quá để mắt đến đường xá, có vạch qua đường hay không. Các lái xe giờ đây cũng thích nghi với thói quen này. Tuy nhiên, du khách đến đây nên cẩn thận một chút, không qua đường ngay trước mũi một chiếc xe tải đang phóng nhanh. Nhưng nếu bạn dừng lại lâu, thậm chí còn nhìn vào tài xế thì họ sẽ mặc định là bạn sẽ không vượt trước mũi họ. Bởi vậy, qua đường lúc này cực kỳ nguy hiểm. |
|
Anh: Khi mọi thứ suôn sẻ, việc qua đường ở đây rất an toàn và quy củ. Tài xế lịch sự, còn khách bộ hành luôn miệng xin lỗi. Tuy nhiên, biển báo “Look right” (Nhìn bên phải) không đủ đảm bảo an toàn cho bạn. Xe đạp phóng ở mọi nơi, vì vậy bạn nên quan sát cả trái lẫn phải trước khi qua đường, bất luận biển báo viết gì. |
|
Bangkok (Thái Lan): Nếu muốn qua đường, bạn phải hành động như cảnh sát giao thông. Khi đặt chân xuống lòng đường, bạn nên giơ tay lên để ra hiệu cho các tài xế nhường đường cho bạn. |
|
Ấn Độ: Đường phố Ấn Độ thường rất hỗn loạn, giao thông nháo nhào, xe vượt cả hai bên, còi xe ầm ĩ. Điều này làm cho việc qua đường khó khăn tới mức không tưởng. Tuy nhiên, các tài xế thường quan sát người đi bộ và sẽ dừng lại khi bạn bước xuống đường. Ngoài ra, bạn có thể chờ một chú bò qua đường để đi cùng, vì các lái xe chắc chắn sẽ cẩn thận nhường đường. |
|
Đức/ Vienna (Áo)/ Seattle (Mỹ): Ở các thành phố này, người ta chỉ qua đường ở các vạch dành cho người đi bộ và không bao giờ vượt đèn đỏ. Thói quen tôn trọng luật lệ giao thông này có lẽ xuất phát từ hai nguyên nhân: một là cách giáo dục từ khi trẻ sinh ra, hai là cảnh sát luôn sẵn sàng ghi vé phạt. |
|
Los Angeles (Mỹ): Luật bất thành văn ở đây là ưu tiên cho ô tô, và lái xe thuộc lòng điều này. Người ta chỉ đi bộ khi đến trạm xăng với một chiếc can trên tay khi xe bị hết xăng cách đó khá xa. Cảnh sát cũng luôn sẵn sàng phạt người đi bộ bất cứ lúc nào nếu đi ẩu. |
|
Nga: Giao thông ở Nga rất không an toàn, lái xe bất cẩn và gây ra những tai nạn không đáng có. Bởi vậy nếu qua đường ở Nga, tốt nhất nên đi bằng trực thăng. |
|
Lebanon: Người qua đường ở đây thường vượt từng làn xe một, rồi dừng lại giữa đường để chờ qua làn tiếp theo. Cảm giác này được cho là vừa sợ hãi, vừa thú vị. |
|
Cairo (Ai Cập): Ở Cairo rất hiếm khi có vạch qua đường cho người đi bộ hoặc đèn giao thông, nếu có thì người ta cũng lờ đi. Bởi vậy bạn phải lựa tình hình mà có quyết định phù hợp. |
du lịch
giao thông