Chỉ sau 48 giờ, Bình Thuận có thêm 8 ca nhiễm mới đều có liên quan đến nữ doanh nhân D.T.L.T. (bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 ở tỉnh này và ca thứ 34 trên toàn quốc). Đến sáng nay, Bộ Y tế công bố thêm bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 48 là người ngồi chung ôtô với bà T.
Theo cơ quan chức năng địa phương, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn do bệnh nhân số 34 có biểu hiện khai báo không trung thực về hành trình. Công an sở tại đã vào cuộc điều tra để làm rõ những người trong diện tiếp xúc.
'Hành vi thiếu ý thức, vô trách nhiệm'
Ngày 22/2, bà T. từ sân bay Tân Sơn Nhất sang New York (Mỹ) và đã quá cảnh ở sân bay Incheon (Hàn Quốc) khoảng 3 giờ. Ngày 29/2, người này bay từ Washington D.C bay về Tân Sơn Nhất.
Theo khai báo ban đầu, nữ doanh nhân được xe riêng chở về nhà tại TP Phan Thiết. Đến lúc nhập viện ngày 9/3, bà T. chỉ ở nhà và đến công ty và tiếp xúc với 17 người.
Đến trưa 14/3, đã có 10 người nhiễm Covid-19 liên quan đến bệnh nhân thứ 34. Cơ quan chức năng xác định có khoảng 100 người tiếp xúc gián tiếp nhưng bệnh nhân T. không chủ động khai báo thông tin cụ thể khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn.
Đến nay, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh xác định có 203 người thuộc diện tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh (F1) và hơn 700 người thuộc diện F2. Trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ ra bức xúc trước hành vi khai báo "nhỏ giọt" thể hiện sự thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh của nữ doanh nhân kinh doanh vật liệu xây dựng.
Trong vòng 3 ngày, Bình Thuận trở thành điểm nóng về dịch Covid-19 của cả nước khi liên tiếp ghi nhận 9 ca nhiễm bệnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Bà này trốn khai báo y tế, trốn cách ly, lại còn thiếu hợp tác trong điều tra dịch tễ để lây lan ra nhiều người nên xứng đáng phải xử lý hình sự", bạn đọc Tôm Giang bày tỏ.
Độc giả Phan Dương nhấn mạnh hành vi của bà T. "đi qua vùng dịch về nhưng không khai báo y tế, cần lên án, xử lý". Nhiều ý kiến cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng phải "xử lý hình sự sau khi hồi phục sức khỏe bởi bệnh nhân gây hậu quả quá nghiêm trọng".
Cùng thể hiện sự bức xúc, tài khoản Duy Tan cho rằng dịch bệnh đã bùng phát nhưng bệnh nhân thứ 34 vẫn đi gặp gỡ rất nhiều người, lại còn khai báo gian dối khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc khoanh vùng người tiếp xúc gần. "Đề nghị pháp luật có biện pháp trừng trị với bệnh nhân 34", người này nói.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu công an toàn quốc phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly y tế.
Trong cuộc họp ngày 8/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đã phát động toàn dân khai báo y tế để lọc các trường hợp có tiền sử dịch bệnh. Đối với người khai báo gian dối, đặc biệt cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố theo Luật Truyền nhiễm nhóm A và những quy định của pháp luật.
Làm dịch lây lan có thể bị phạt 12 năm tù
Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích tại Việt Nam, đến nay đã xảy ra 2 trường hợp "lọt" cửa kiểm tra an ninh và sau đó được xác định dương tính với Covid-19.
Pháp luật hiện hành đã có những quy định và chế tài cho các hành vi vi phạm nêu trên. Do đó, cần xử lý nghiêm khắc các hành vi khai báo gian dối, trốn tránh kiểm tra, cách ly y tế của những người vi phạm để răn đe.
Theo luật sư, hành vi cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc chủ động khai báo, cách ly sẽ giúp việc kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn. Ảnh: Trung Phong. |
Về chế tài phạt tiền, người vi phạm sẽ bị xử phạt 5-10 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 176/2013.
Nghiêm trọng hơn, nếu người nào có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, cố tình khai báo gian dối, trốn tránh các biện pháp cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác, có thể bị truy cứu theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Theo Điều 240, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-12 năm tùy vào hậu quả gây ra.
Luật sư Tùng khuyến cáo người dân, đặc biệt là các cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, khi được cơ quan chức năng kiểm tra phải trung thực cung cấp lộ trình và tình trạng sức khỏe của bản thân.
Một luật sư khác nhấn mạnh đối với những người thân biết bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng che giấu, không khai báo với cơ quan chức năng cũng có thể bị xem xét xử lý.
Đặc biệt, nếu bệnh nhân được xác định cố tình làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (làm chết từ 2 người trở lên) thì người thân che giấu tình trạng bệnh nhân có thể bị truy cứu về tội Che giấu tội phạm, theo Điều 18 Bộ luật Hình sự.