Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khai gian để nhận tiền hỗ trợ Covid-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

Trường hợp khai gian để nhận tiền hỗ trợ hoặc chi sai tiền hỗ trợ, tùy vào tính chất sự việc, cá nhân và tổ chức sẽ bị xem xét trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.

Vụ việc Bình Dương chi nhầm tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang khiến nhiều người quan tâm. Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh, tình trạng trên xảy ra do một số người đã kê khai thêm bạn bè vào danh sách nhận tiền hỗ trợ vào thời điểm tỉnh đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho người lao động. Tỉnh sẽ tiến hành rà soát và thu hồi lại.

Liên quan đến hành vi khai gian để nhận tiền hỗ trợ Covid-19, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp quy định “Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách” hay “không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia”.

Luật sư Hà Hải dẫn chứng tại Điều 45 Quyết định 23 và Điều 7 Quyết định 28 thực hiện, hướng dẫn Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

tien ho tro Covid-19,  khai gian de nhan tien anh 1

TP Thuận An phát gạo cho người ở trọ. Ảnh: Thuận An.

Do đó, người khai gian để nhận tiền hỗ trợ thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 45. Với quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH), nếu cá nhân kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật nội dung liên quan đến việc hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.

Việc này được xử lý theo Điểm a, Khoản 1, Điều 39 Nghị định 28 về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nếu người sử dụng lao động lập và gửi danh sách cho cơ quan có thẩm quyền, kê khai không đúng người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo Khoản 2, Điều 39 Nghị định 28.

Cụ thể, khoản này quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người vi phạm cũng phải nộp lại cho BHXH số tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định theo Khoản 3, Điều 39 Nghị định 28.

Ngoài ra, luật sư Hà Hải cho rằng cần xem xét trách nhiệm đơn vị các cấp trong vụ chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 tại Bình Dương vì việc lập danh sách nhận trợ cấp phải được thông qua tổ trưởng dân phố nơi mình sinh sống, sau đó tổ trường nộp danh sách lên phường mới tiến hành chi hỗ trợ theo quy định.

Cá nhân, tổ chức chi sai tiền hỗ trợ sẽ bị xử lý theo Khoản 1, Điều 6 Nghị định 112 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể: "Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật".

Ngoài ra, tùy theo mức độ hành vi vi phạm mà người chi sai tiền hỗ trợ sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh như người lợi dụng quyền hạn, dùng các thủ thuật để "ăn chặn" tiền hỗ trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Người lợi dụng chức vụ quyền hạn nhằm trục lợi trong quá trình chi trả hỗ trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Người có chức vụ, quyền hạn vì không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong quá trình chi hỗ trợ, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 22/10, trao đổi với Zing, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương xác nhận các địa phương trên địa bàn đã chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho người lao động.

Cụ thể, tổng số tiền mà tỉnh chi nhầm cho người dân bao gồm tiền hỗ trợ người ở trọ 800.000 đồng/người (300.000 đồng tiền thuê trọ và 500.000 đồng tiền nhu yếu phẩm) trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 1,5 triệu đồng/người tiền chi cho đối tượng lao động tự do.

Bình Dương chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19

Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương cho biết có thể người lao động đã khai thêm bạn bè vào danh sách để nhận hỗ trợ. Tỉnh đang rà soát để thu hồi.

Bình Dương chi gần 1.500 tỷ hỗ trợ người lao động

Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương phối hợp với các địa phương lập danh sách duyệt chi cho gần 3 triệu lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, với tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng.

Bình Dương hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thế nào?

Ngoài lương thực, thực phẩm cho người lao động, Bình Dương hỗ trợ tiền ăn theo tháp điều trị và chi phí cho tổ Covid-19 cộng đồng.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm