Augmentin loại gói 250 mg dành cho trẻ em là một trong những thuốc đang khan hiếm hàng trên thị trường. Ảnh: DS Uông Phương Dung. |
Mới đây, phản ánh trên mạng xã hội, Lê Lan (28 tuổi, Thanh Hóa) thể hiện sự bức xúc khi phải đi 5 nhà thuốc mới mua được thuốc kháng sinh Augmentin loại gói 250 mg (dành cho trẻ em).
Nhiều nhà thuốc khan hàng kháng sinh cho trẻ
Chị Lan cho biết sau một hồi tìm kiếm đã mua được 10 gói thuốc này với giá 180.000 đồng. Trong khi đó, trước đây, chị từng mua với giá 11.000-12.000 đồng/gói.
"Nhiều nhà thuốc báo hết hàng hoặc nơi có thì báo giá đã tăng. Khi tôi vô tình về mua tại một hiệu thuốc ngay cạnh nhà, họ lại bán với giá 11.500 đồng/gói thuốc Augmentin 250 mg. Tôi không hiểu tại sao các nhà thuốc lại có sự chênh lệch giá lớn như vậy", chị Lan nói.
Hóa đơn L.T.L. mua thuốc Augmentin 250 mg tại một hiệu thuốc gần nhà. Ảnh: NVCC. |
Dưới bài viết của chị Lan, nhiều người cũng đồng quan điểm về việc khó mua được loại thuốc này.
"Tôi vừa mua 24.000 đồng/gói. Người bán nói do thời gian này tăng giá. Một nhà thuốc khác lại bán với giá 18.000 đồng", chị Nguyễn Lê bình luận.
Một số người khác cho rằng những nhà thuốc bán giá rẻ hơn là do còn thuốc từ đợt nhập hàng cũ.
Dược sĩ Nguyễn Thị Liên, chủ hiệu thuốc trên phố Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), cho hay thời gian gần đây, một số loại thuốc kháng sinh như Zithromax (siro), Augmentin 250 mg (gói), Ceclor (siro)... thường "cháy hàng".
"Nếu có thuốc, giá các thuốc này cũng tăng hơn so với trước đây. Vì giá nhập vào cao, nhà thuốc bắt buộc phải bán ra với giá cao hơn", dược sĩ Liên cho hay.
Theo khảo sát của Zing, một số nhà thuốc trên đường Trung Kính, Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thông báo hết hoặc còn số lượng ít thuốc kháng sinh cho trẻ, điển hình là thuốc Augmentin 250 mg (gói). Bên cạnh đó, các loại xịt và nhỏ mũi cho trẻ như Otrivin, Sterimax bebe... cũng khan hiếm.
Nhân viên tại một hệ thống nhà thuốc lớn tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay cửa hàng vẫn còn thuốc Augmentin loại cho trẻ em nhưng số lượng không nhiều. Giá bán tại đây cũng được niêm yết và không tăng so với trước đây.
Nhà thuốc trên đường Trung Kính (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) thông báo không còn hàng thuốc Augmentin 250 mg. Ảnh: Phương Anh. |
Theo người bán này, hiện là thời điểm thời tiết giá lạnh, khô hanh, có nhiều loại dịch bệnh, trẻ em có sức đề kháng kém dễ mắc bệnh, dẫn đến nhu cầu mua thuốc cho trẻ tăng cao.
Các bệnh trẻ thường mắc mùa này là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, dẫn đến viêm hô hấp trên (như viêm mũi, họng, viêm tai giữa và cúm) và hô hấp dưới (viêm phế quản ở trẻ nhỏ hơn 24 tháng tuổi, viêm phổi và viêm thanh khí quản).
Nguy cơ khi tự ý cho trẻ dùng kháng sinh
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), khi trẻ ho, sổ mũi, việc đầu tiên cha mẹ cần quan sát là con có thở nhanh hơn bình thường hay không. Hãy vén áo con lên xem ngực trẻ có bị rút lõm hay không, có sốt, tiêu chảy, tím tái hay xuất hiện dấu hiệu bất thường nào khác.
Nếu trẻ hoàn toàn bình thường, chơi tốt, chỉ sổ mũi và ho vài tiếng, cha mẹ có thể cho trẻ dùng siro ho hỗ trợ, xịt hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, uống mật ong... đợi con qua đợt bệnh.
Theo vị chuyên gia này, nếu trẻ chỉ sổ mũi, không sốt, không thở nhanh, không mệt... thường là triệu chứng của viêm hô hấp trên, chưa có bằng chứng nhiễm trùng. Vì vậy, việc dùng kháng sinh là chưa cần thiết.
"Thứ nhất, kháng sinh phải được chỉ định bởi bác sĩ. Thứ hai, người dân cần dùng đúng và đủ. Đúng là đúng loại kháng sinh, đúng chỉ định kháng sinh. Vì một số bệnh không cần kháng sinh (ví dụ sốt siêu vi, cảm thông thường…). Đủ là đủ liều thuốc theo cân nặng và đủ số ngày điều trị. Cha mẹ không tự ý ngưng sớm hơn hay dùng kéo dài hơn đơn bác sĩ vì tăng nguy cơ kháng thuốc", bác sĩ Sang nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến cáo việc một số bé dùng kháng sinh quá liều sẽ gây suy gan, suy thận… Vì vậy, trước khi cho con sử dụng, phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ lý do vì sao dùng kháng sinh.
"Một số cha mẹ hiện tự tìm thuốc, thấy đơn có kháng sinh là bỏ ra mà không nói với bác sĩ. Điều này cũng rất nguy hiểm. Kháng sinh là cần thiết cho bệnh nhiễm trùng nhưng không được lạm dụng. Người dân cũng không được uống bừa bãi hay tự ngưng thuốc. Kháng sinh là con dao 2 lưỡi, cần có sự phối hợp giữa bác sĩ và cha mẹ để tối ưu lợi ích của kháng sinh mà vẫn đảm bảo tác dụng phụ tối thiểu", vị chuyên gia này khuyến cáo.
Cùng quan điểm, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tự ý uống thuốc, kháng sinh từ trước và gây khó khăn trong việc xây dựng phác đồ cũng như điều trị của bác sĩ.
“Việc lựa chọn kháng sinh điều trị cho những bệnh nhân này tại bệnh viện khi đó sẽ rất khó khăn do nhiều loại thuốc không còn hiệu quả”, vị chuyên gia nói.
Theo ông, nguyên tắc sử dụng kháng sinh, bên cạnh chọn đúng thuốc, còn là chọn được liệu trình phù hợp, liều lượng hợp lý với từng thể trạng. Nhờ đó, việc điều trị mới đảm bảo hiệu quả, tính an toàn cũng như tránh tình trạng kháng kháng sinh.
“Nhiều người dân hay một số cơ sở kinh doanh thuốc đôi khi có suy nghĩ quá đơn giản. Đó là cứ kê thuốc cho bệnh nhân hoặc người nhà ở thời điểm này đã, ít nhất là thoát được đợt bệnh này với giá thành khá rẻ. Tuy nhiên, câu chuyện không dễ dàng như vậy”, BS Cấp nhận định.
Thực tế, việc sử dụng kháng sinh không đúng thời gian, không đủ liều sẽ không đem lại hiệu quả, đồng thời khiến tình trạng kháng thuốc trầm trọng hơn.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.