Khi con nhà giàu học giỏi
“Ôi! Nói làm gì mấy đứa nó! Con nhà giàu mà!” - Oanh (năm 3, ĐH Kinh tế), phẩy tay khi tôi buột miệng khen một bạn vừa trúng tuyển part-time ở công ty kiểm toán nước ngoài.
>> Sinh viên 'con nhà giàu' đi bán máu
Không gay gắt như Oanh, nhưng Huyền - cô bạn vốn trầm tính trong nhóm khẽ giọng: "Tại nhà bạn ấy có điều kiện hơn mọi người”. Tôi ậm ừ rồi cho qua chuyện, vì biết mình không dễ tìm được “đồng minh’’, bởi lẽ, xưa nay người ta hay khen tặng “con nhà nghèo học giỏi”, chứ mấy ai khen tặng sự cố gắng của con “nhà giàu học giỏi” đâu!
Nếu như ai đó dành sự ngưỡng mộ, khâm phục cho những bạn biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn để đạt được thành công thì điều đó là xứng đáng. Tôi biết phải vật lộn như thế nào trong hòan cảnh thiếu thốn để có thể tồn tại, chưa nói gì đến thành công.
Các bạn sinh viên trong chương trình "Xuân tình nguyện" đang chuẩn bị về các bản làng ở vùng xa vùng sâu giúp bà con đón tết. |
Vì gia đình tôi cũng từng có quãng thời gian khốn khó, đến mức chị em tôi tưởng chừng phải nghỉ học giữa chừng. Tôi cũng thấm thía cảnh sinh viên nghèo, một mình lên thành phố ở trọ, sáng sáng lên giảng đường với cái bụng đói meo, cái xe đạp xẹp lốp… Và thật đáng quý biết bao, khi họ có thể vượt lên hoàn cảnh mà ghi dấu thành công. Con nhà nghèo, học giỏi họ dạy ta biết chấp nhận, biết đương đầu và cả nỗ lực phi thường.
Nhưng bên cạnh đó, nếu bạn biết dành những lời tán thưởng cho những người được sinh ra trong một gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ và cũng đạt được thành công bằng chính đôi tay của mình, thì khi đó bạn mới thật sự học được nhiều hơn từ thành công của người khác.
Tôi không phủ nhận, những bạn “con nhà giàu” sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, vì các bạn sẽ không phải lo cuộc sống thường ngày. Như cô bạn tôi kể ở trên, bạn không phải chịu cảnh ngược xuôi tìm nhà trọ, không phải bần thần ngoài chợ thời bão giá, cũng chưa biết cảnh cuối tháng sinh viên “vét thùng gạo, tráo thùng mì”.
Nhưng đó đâu phải lỗi của bạn, chẳng lẽ phải giả vờ có cuộc sống khó khăn, từ chối sự chăm lo của gia đình để tự mình bươn trải hay sao? Ai mà không muốn mình sinh ra trong một gia đình có đủ điều kiện cơ chứ? Nhưng, đâu phải cứ ai có điều kiện đầy đủ là sẽ học giỏi, sẽ thành đạt.
Công tác xã hội giúp các bạn trưởng thành. |
Cô bạn tôi tuy được cho học ngoại ngữ bài bản từ nhỏ - đó cũng là một phần giải thích khả năng “bắn” tiếng Anh siêu đẳng của bạn. Nhưng nếu không nhờ những năm tháng làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế ở Việt Nam thì có lẽ bạn không thể giao tiếp thành thạo như thế.
Rồi còn những chuyến đi, những kinh nghiệm bạn tích lũy được khi tham gia hoạt động Đoàn - hội không lẽ là nhờ bạn nhà giàu mà có sao? Nói đi phải nói lại, gia cảnh khá giả tuy là lợi thế cho nhiều người, nhưng cũng không thiếu phần thử thách. Có biết bao bạn từ nhỏ đã được nuông chiều, được chăm sóc bảo bọc quá kỹ đến mức mất đi khả năng độc lập, không biết cách tự chăm sóc cho bản thân, kỹ năng mà không có trường lớp nào có thể dạy bạn, cũng là thứ mà hoàn cảnh khó khăn thường hun đúc nên.
Khi bước vào đại học, bạn đã phải cố gắng rất nhiều để thoát khỏi cái bóng tiểu thư “con nhà giàu”, bạn tự học cách đi trên đôi chân của mình, không dựa dẫm vào bố mẹ, và bạn đã từng vấp ngã, từng thất vong. Rồi bạn lao vào công tác xã hội, từ đó bạn trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Đại kiện tướng cờ vua thế giới Lê Quang Liêm trong chuyến thăm và tặng quà cho trẻ em tại Bệnh viện Ung Bứu. TP.HCM. |
Nói như thế mới thấy, tại sao con nhà giàu thường hay bị cám dỗ, dễ hư hỏng hơn nếu như bản thân họ không đủ bản lĩnh. Vậy mới biết, các bạn “con nhà giàu” nhưng vẫn chăm chỉ lên giảng đường, vẫn thức trắng đêm trong những ngày thi, sẵn sàng xông pha trong hoạt động xã hội và còn đi dạy kèm mỗi tối, có khác gì những sinh viên bình thường, hay thậm chí còn hơn thế nữa.
Vậy có lý do gì để ta tiếc lời khen ngợi giành cho những bạn hay được gán ghép “nhà giàu, học giỏi”? Có chăng nên tách biệt giữa “nhà giàu” và “học giỏi”, điều kiện gia đình chỉ góp một phần thôi và sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu như họ không tự mình cố gắng.
Bạn đừng chủ quan cho rằng có cần câu thì ắt sẽ câu được cá! Cũng như cứ gia đình khá giả mà con cái học giỏi là điều đương nhiên. Tại sao khi con nhà giàu hư hỏng thì ta lên tiếng chê trách họ không biết tận dụng sự ưu ái của số phận, thế mà khi “con nhà giàu học giỏi” thì ai đó lại xuề xòa “Là do nhà nó giàu mà thôi”.
Con “nhà nghèo, học giỏi” họ dạy ta biết chấp nhận, biết đương đầu và cả nỗ lực phi thường. Còn “nhà giàu và học giỏi” - bạn hãy học ở họ bản lĩnh vững vàng và ước mơ khẳng định mình!
Theo Mực Tím