Nhiều công ty đưa ra thông báo sa thải trước vài tháng để nhân sự chuẩn bị tinh thần và tìm kiếm việc mới. Ảnh minh họa: ANTONI SHKRABA production/Pexels. |
Chris Pinner, kỹ thuật viên ở Cleveland (Mỹ), biết trước rằng ngày làm việc cuối cùng của anh là 29/12. Đó là nhờ công ty đã thông báo sa thải trước 1 tháng.
Ban đầu, thông báo lay-off khiến Pinner thấy bối rối vì anh sẽ sớm trở thành người thất nghiệp. Tuy nhiên, do công ty đã đề cập chuyện này thẳng thắn và sớm trước hẳn một tháng, anh có thời gian để tìm kiếm một vị trí mới. Đây là điều Pinner đánh giá rất cao.
Pinner và nhiều người lao động khác phải đối mặt với làn sóng sa thải đang diễn ra diện rộng tại nhiều công ty ở Mỹ.
Sa thải "nhân từ" trở thành xu hướng mới. Ảnh minh họa: ANTONI SHKRABA production/Pexels. |
Ngân hàng Wells Fargo cùng tập đoàn giải trí đa quốc gia Disney là một trong số những công ty lớn đã thực hiện những đợt “sa thải” từ tốn, thay vì những thông báo kiểu truyền thống, đột ngột như trước đây.
Với cách làm truyền thống, người lao động thường nhận được thông tin mình bị mất việc và phải rời đi ngay trong cùng một ngày. Điều này có thể để lại sang chấn tâm lý đối với họ.
Cách làm cũ có thể bảo vệ công ty khỏi các vấn đề an ninh như mất trộm, mất dữ liệu, hoặc mất khách hàng. Nhưng giờ đây, các nhà lãnh đạo ưu tiên sự minh bạch và nhân ái nhất khi thực hiện cắt giảm.
Đó là lý do họ thông báo trước cho người lao động 1-3 tháng để nhân sự chủ động sắp xếp công việc mới, theo The Wall Street Journal.
Tránh phản ứng dữ dội
Các công ty thừa nhận đã tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch, gây ra tình trạng dư thừa vị trí công việc khi trở lại bình thường.
Thị trường việc làm đang ngày càng siết chặt, đồng nghĩa rằng việc tuyển dụng sẽ ngày càng khắt khe và được chọn lọc kỹ hơn.
George Penn, Phó chủ tịch điều hành tại Gartner, công ty tư vấn cho các doanh nghiệp về tái cơ cấu nhân sự, cho biết việc sa thải đang trở thành một cơn ác mộng đối với nhiều tổ chức, vì điều này ảnh hưởng đến danh tiếng của họ và những rắc rối về mặt pháp lý.
Do đó, sa thải khéo léo là một trong những cách giúp doanh nghiệp tránh những phản ứng dữ dội.
Thông báo thời gian dài trước khi sa thải là cách doanh nghiệp tránh phán ứng dữ dội. Ảnh minh họa: @rdne_stock_project/Pexels. |
Từ tháng 8, James Ridgway Jr, nhân viên tại một công ty hóa chất, đã biết mình sẽ bị sa thải vào cuối năm. Thông báo trước vài tháng này giúp người cha của 3 đứa trẻ chuẩn bị tinh thần và có thời gian thắt chặt tài chính gia đình.
“Sa thải chưa bao giờ là điều tôi muốn đón nhận, nhưng tôi đánh giá cao cách họ đề cập đến chuyện đó. Tôi có thời gian củng cố về mặt tài chính, đồng thời bàn giao công việc cho đồng nghiệp", anh nói thêm.
Wade Rogers, Phó chủ tịch cấp cao về nhân sự toàn cầu của Huntsman, một nền tảng tìm kiếm việc làm, cho biết việc gửi thông báo sớm tới những người nằm trong danh sách layoff sẽ khiến những nhân sự còn ở lại cảm thấy tin tưởng vào công ty. Cách tiếp cận này có thể giúp công ty tuyển dụng và giữ chân những nhân viên giỏi trong tương lai.
Nhiều bất cập
Trên thực tế, không phải ai cũng chăm chỉ làm việc tiếp suốt vài tháng tiếp theo sau khi đã nhận được thông báo thôi việc.
Một nhân viên của ngân hàng Wells Fargo cho biết thật khó để duy trì động lực làm việc khi biết mình bị sa thải. Những cụm từ mơ hồ như “vài tháng tới”, “cuối năm nay" trong thông báo, không có mốc thời gian cụ thể khiến cô khó lên kế hoach tìm kiếm công việc mới.
Một nhân viên từng làm việc tại Disney cũng cảm thấy tương tự khi biết chỉ vài tháng nữa, cô phải nghỉ việc.
Không phải nhân viên nào cũng còn động lực làm việc sau khi nhận tin sa thải. Ảnh minh họa: @vlada_karpovich/Pexels |
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có thể thực hiện “sa thải” một cách chậm rãi.
Tashia Mallette, Giám đốc nhân sự tại Therabody, một tổ chức chăm sóc sức khỏe, cho biết sẽ thật khó để một số doanh nghiệp đặc thù làm điều này, như các công ty có bằng sáng chế bí mật, hay nhân sự nằm trong nhóm nắm dữ liệu mật, tài liệu kinh doanh...
“Đôi khi các công ty không thể mềm lòng. Nếu bị sa thải, nhân viên buộc phải rời khỏi hệ thống ngay lập tức", bà khẳng định.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.