Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Khi dân công sở không làm giờ hành chính

Trường Giang làm việc từ 13h đến 21h, đôi khi từ 21h đến rạng sáng hôm sau. Nhân viên biên dựng video này được tự chọn giờ làm, chỉ cần đảm bảo tiến độ sản phẩm.

linh dong lam viec anh 1

Trường Giang (26 tuổi, TP.HCM) không có giờ làm việc cố định. Công việc biên dựng video thiên về sáng tạo, chỉ cần nộp sản phẩm đúng deadline, anh tự do làm theo tâm trạng và lịch trình cá nhân.

"Tôi thường đến công sở lúc 13h hàng ngày và ở lại cho đến 21h. Có những ngày khác, vì đi tìm ý tưởng và gặp gỡ vài đối tác, tôi bắt đầu làm việc từ 21h và kết thúc vào rạng sáng hôm sau", anh chia sẻ với Zing.

Giang duy trì lối sinh hoạt này suốt 2 năm qua, từ khi chuyển sang vị trí hiện tại. Chính sách giờ làm linh hoạt của công ty giúp anh tự phân chia thời gian biểu, chỉ cần đảm bảo hiệu suất và kết quả sản phẩm.

"Khi có năng lượng và ý tưởng, tôi chọn ngồi vào bàn làm việc. Còn buổi sáng, nếu cảm thấy mệt, thiếu tỉnh táo, tôi cho phép mình ngủ thêm. Tôi chỉ cần đảm bảo deadline, trả đủ task cho sếp là được", anh giải thích.

Deadline cố định, giờ làm linh hoạt

Lịch làm việc không cố định giúp nhân viên cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn, theo khảo sát của Deloitte vào năm 2022.

Số liệu thống kê cho thấy gần 50% người lao động yêu thích công việc có giờ làm linh động. Trong đó, 43% cho biết cảm thấy giảm căng thẳng, mệt mỏi, làm việc kém hiệu quả nếu phải đối mặt với giờ làm cố định tại văn phòng.

linh dong lam viec anh 2

Thiện Hiếu làm việc từ 9h đến 23h hàng ngày.

Tại Việt Nam, các năm qua, nhiều nhân sự trẻ không còn chấp nhận giờ làm việc hành chính (từ 8h đến 17h).

Họ được tạo điều kiện để chọn giờ làm theo ý muốn, miễn sao đảm bảo thời hạn và khối lượng công việc.

Thiện Hiếu (23 tuổi, TP.HCM) là chuyên viên công nghệ thông tin (IT) cho một start-up. Hàng ngày, anh bắt đầu ngồi vào bàn làm việc từ 9h, thường kết thúc mọi nhiệm vụ lúc 23h.

Quá trình làm việc tưởng chừng kéo dài, nhưng xen kẽ đó, anh tự chọn nhiều khoảng nghỉ để giải quyết việc cá nhân như tập thể thao, nấu ăn hoặc gặp gỡ bạn bè.

"Khung giờ làm việc tự do giúp tôi phân chia thời gian cho công việc và cuộc sống hợp lý hơn. Ngoài ra, tôi có thể cân đối để nhận thêm các dự án khác ngoài công ty. Điều này khiến thu nhập của tôi tăng lên đáng kể", anh tâm sự.

Cũng theo Hiếu, công ty anh không chỉ cho phép làm việc linh động mà còn có quy định thưởng thêm ngày nghỉ nếu hoàn thành dự án sớm hơn deadline. Đây chính là động lực để anh sắp xếp thời gian nghỉ ngơi nhưng vẫn không bỏ bê công việc.

"Chính sách này là một trong những lý do khiến tôi cảm thấy muốn gắn bó với công ty lâu dài", anh tâm sự.

Tương tự, Như Phụng (24 tuổi, TP.HCM) tỏ ra hài lòng với công việc cho phép cô có thời gian làm việc linh hoạt.

"Cấp trên chỉ có một yêu cầu duy là hoàn thành công việc đúng tiến độ. Tôi được thoải mái sắp xếp thời gian cá nhân, đưa ra những lịch trình, công việc cụ thể trong ngày", cô nói.

linh dong lam viec anh 3

Như Phụng muốn gắn bó với công việc hiện tại vì được phép linh động thời gian.

Như Phụng cho biết thời gian buổi tối giúp cô tập trung và sáng tạo hơn so với ban ngày.

Vì vậy, cô thường ngồi vào bàn làm việc sau bữa cơm tối, dành ban ngày cho việc kết nối, gặp gỡ, lên ý tưởng, đôi khi là nghỉ ngơi.

"Tôi không áp lực về việc phải chấm công vào 9h. Đôi khi, một ngày mới của tôi bắt đầu vào buổi trưa", cô bày tỏ.

Phụng chia sẻ thêm cô sẽ duy trì công việc hiện tại trong một thời gian dài vì được phép sắp xếp thời gian theo ý muốn.

"Thật khó để tưởng tượng một ngày tôi quay lại công việc giờ hành chính, ngủ gật gù ở công ty và tan ca vào chiều tối", Phụng kết luận.

Tác động sức khỏe

Làm việc với thời gian linh động là yếu tố được nhiều người lao động cân nhắc khi lựa chọn gắn bó với công việc. Tuy nhiên, "đặc quyền" này cũng đòi hỏi nhân sự phải có tính kỷ luật cao, biết sắp xếp thời gian khoa học để không gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống cá nhân và sức khỏe.

Khảo sát của Airtasker cho thấy những người có thời gian làm việc linh hoạt lại làm nhiều hơn trung bình 1,4 ngày/tháng, tương đương 16,8 ngày/năm, so với nhân viên văn phòng truyền thống.

Một phần nguyên nhân do họ tự kéo dài thời gian làm việc của bản thân, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Như Trường Giang, mặc dù yêu thích giờ làm việc tự do, nhưng anh phải thừa nhận mình gặp một số vấn đề sức khỏe vì chưa biết cân bằng.

"Tôi thức khuya, ngủ ngày, hầu như giờ giấc sinh hoạt đều khác với mọi người trong gia đình. Việc ăn uống của tôi cũng vì thế mà ảnh hưởng. Tôi bỏ ăn sáng, ăn nhiều vào ban đêm", Giang nói.

linh dong lam viec anh 4

"Đặc quyền" giờ giấc đòi hỏi nhân sự phải có tính kỷ luật cao. Ảnh: LauraChouette/ Unsplash.

Một số lần thăm khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ yêu cầu anh cần thay đổi chế độ sinh hoạt và làm việc. Anh làm theo bằng cách cố thức dậy vào 9h, nhưng chỉ cần ngồi vào bàn làm việc là cơ thể lại uể oải vì thiếu ngủ.

"Tôi vẫn chưa học được cách ngủ sớm, nên dậy sớm trở thành vấn đề khó khăn", anh thở dài.

Giờ làm linh động cũng khiến Như Phụng "ôm" công việc từ công ty về nhà. Cô đôi lúc rơi vào nhịp độ làm việc chậm chạp do tâm lý chủ quan có nhiều thời gian.

Kết quả, Phụng ngồi trên bàn làm việc đến 12-13 tiếng/ngày mà chưa xong việc. Cô xuất hiện tình trạng đau cổ vai gáy và đốt sống lưng.

"Chưa biết sắp xếp lịch trình, tôi nhiều lần quá tải công việc, phải giải quyết trong thời gian gấp gáp", cô tâm sự.

Còn với Thiện Hiếu, tính kỷ luật và khả năng quản lý thời gian là những kỹ năng cần thiết nhất nếu nhân sự trẻ muốn theo đuổi công việc có thời gian linh hoạt. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, anh vạch cho mình kế hoạch làm việc chi tiết và khá rõ ràng.

"Còn nhiều dự án nhận bên ngoài nên tôi cần tập trung cân bằng công việc ở công ty một cách tốt nhất, đảm bảo thu nhập như mong muốn. Tôi cũng tranh thủ đi tập gym, chạy bộ nhẹ gần nhà vào buổi tối. Đồng thời, tôi luôn cố đảm bảo số giờ ngủ ít nhất 6 tiếng một ngày", anh tâm sự.

Giới trẻ làm việc ở quán cà phê, chứ không phải thư viện

Ở một số quốc gia, mô hình thư viện, không gian làm việc chung, phòng học được dùng làm nơi học tập, làm việc. Còn ở Việt Nam, giới trẻ chủ yếu tìm đến quán cà phê.

Mỹ Trinh - Uyên Vũ

Bạn có thể quan tâm