Ngoài “cuộc đối đầu kinh điển” giữa diễn viên hài Rob Schneider với nhà phê bình điện ảnh huyền thoại Roger Ebert và cơn “làm mình làm mẩy” gây xôn xao của vợ đạo diễn The Light Between the Oceans Derek Cianfrance, Hollywood từng chứng kiến hàng loạt màn cãi vã nảy lửa khác giữa giới làm phim và báo chí.
Một số nhà làm phim chọn phương án “phản công” là chê bai nhà phê bình là lũ “ngu dốt”, “chẳng biết gì về điện ảnh”, “chưa từng đi học hoặc làm phim nhưng dám nhận xét về phim”.
Sau khi phim thần thoại Gods of Egypt (Các vị thần Ai Cập) bị báo chí “dội bom” và thất bại thảm hại ở phòng vé, đạo diễn Alex Proyas đã nổi cơn thịnh nộ không thể kiềm chế.
Gods of Egypt bị chê là thảm họa khiến đạo diễn Alex Proyas cay cú. Ảnh: Independent. |
Những cuộc 'báo thù'
Trên Facebook, Proyas viết: “Không gì khẳng định sự ngu dốt tràn lan của loài người bằng việc đọc các bài phê bình phim của tôi”. Ông cho rằng các nhà phê bình “không có quan điểm hay khẩu vị cá nhân… do đó cả lũ còn thấp kém hơn cả sự vô giá trị”. “Bọn họ giống như một lũ kền kền bệnh hoạn rỉa thịt xác thối”, Proyas cay cú.
Tương tự, khi tác phẩm The Immigrant (được đề cử giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2013) bị nhà phê bình Peter Bradshaw chỉ trích, đạo diễn James Gray phản pháo rằng cây bút của tờ The Guardian “là kẻ thất bại”. Ông đánh giá những bài bình The Immigrant trên báo chí Anh, đặc biệt là sản phẩm của Bradshaw, là “ngu ngốc đến mức gây khó chịu”.
Còn khi A.O. Scott coi thường bom tấn The Avengers (2012), nam diễn viên Samuel L. Jackson không nhịn nổi, lên Twitter viết rằng cây bút nổi tiếng sắc bén của báo New York Times không biết làm nghề phê bình. “Các khán giả hâm mộ Avengers, nhà phê bình New York Times A.O. Scott cần một công việc mới. Hãy tìm hộ ông ta đi. Một công việc mà ông ta biết làm”, Jackson dè bỉu.
Không công khai chửi bới, đạo diễn Roland Emmerich có cách “báo thù” thông minh hơn đối với nhà phê bình Roger Ebert, người thường xuyên đánh giá thấp các bom tấn của ông. Trong phim Godzilla (1998), Emmerich chọn diễn viên Michael Lerner, người có gương mặt khá giống ông Ebert, vào vai thị trưởng New York Ebert.
Và thị trưởng Ebert trong phim là một kẻ khó chịu, dốt nát, kém cỏi, chỉ biết to mồm. Điều đáng mỉa mai là Godzilla dù có lãi nhưng bị coi là thảm họa điện ảnh, là sự sỉ nhục đối với loạt phim nổi tiếng của điện ảnh Nhật. Tác phẩm của đạo diễn Emmerich sau đó “giành” giải Mâm xôi vàng hạng mục nữ diễn viên phụ kém cỏi nhất và phim làm lại/phần kế tiếp tệ hại nhất.
Đạo diễn Roland Emmerich diễu nhà phê bình Roger Ebert khi đưa vào phim Godzilla nhân vật thị trưởng Ebert kém cỏi. Ảnh: TriStar. |
Cũng không thể không nhắc đến Uwe Boll, đạo diễn thường chuyển thể trò chơi điện tử thành phim. Một số sản phẩm của Boll như Alone in the Dark bị liệt vào dạng “phim tồi tệ nhất trong lịch sử điện ảnh”. Quá cay cú, Boll thách thức nhiều nhà phê bình so găng trên sàn đấu quyền Anh và đấm gục vài người.
Cái tát thẳng mặt
Tất nhiên việc các nhà làm phim “xù lông nhím” trước những bài phê bình tiêu cực là chuyện dễ hiểu, bởi ai có thể chịu nổi khi đứa con tinh thần của họ bị chê bai tơi tả. Không như báo chí Việt Nam bình phim còn khá nhẹ nhàng, các nhà phê bình Mỹ luôn không hề nương tay, sẵn sàng “tát thẳng mặt” những bộ phim mà họ đánh giá là tệ hại.
Một lần nữa chúng ta phải nhắc đến Roger Ebert, người luôn “khẩu nghiệp” với những bài phê bình mang tính chất “tàn sát”. Ví dụ, khi đánh giá thảm họa điện ảnh North (1994), ông viết: “Tôi căm ghét bộ phim này. Tôi căm ghét căm ghét căm ghét căm ghét nó. Tôi căm ghét từng khoảnh khắc ngu xuẩn, xỉ nhục khán giả của nó. Tôi căm ghét cái cảm giác rằng sẽ có ai đó thích nó”.
Bom tấn Transformers: Revenge of the Fallen (Bại binh phục hận) của Michael Bay bị ông Ebert dành tặng những lời không hề dễ chịu: “Bộ phim này là một trải nghiệm khủng khiếp với độ dài không sao chịu nổi, xen được ba hay bốn khoảnh khắc hài hước. Một trong số đó là cảnh con robot chó thậm thụt cái chân của nữ chính. Niềm vui đó quả thật là nhỏ nhoi”.
Về bộ phim sử thi Caligula (1979) có nhiều cảnh làm tình sống sượng, ông Ebert không kiềm chế: “Caligula là một mớ rác rưởi bệnh hoạn, vô giá trị, đáng xấu hổ. Nó không phải là nghệ thuật tử tế, không phải là phim ảnh đàng hoàng, thậm chí còn không phải là phim khiêu dâm ra hồn”.
Với Roger Ebert, bom tấn Transformers: Revenge of the Fallen là một trải nghiệm khủng khiếp. Ảnh: Paramount. |
Nhưng nào chỉ có Roger Ebert, sự dữ dội như thế là điều thường thấy ở các nhà phê bình điện ảnh Âu - Mỹ. Như sau khi xem Suicide Squad, nhà phê bình Richard Lawson của tờ Vanity Fair nhận định: “Suicide Squad rất tệ. Không phải tệ theo kiểu vui vẻ hay có thể cứu vãn. Không phải tệ theo kiểu là kết quả không may từ việc nghệ sĩ nỗ lực thực hiện tham vọng bất thành. Nó chỉ hoàn toàn tệ hại. Nó xấu xí và buồn tẻ”.
Nhà báo có cần học điện ảnh?
Rốt cuộc thì nhà phê bình phim có quyền gì mà dám chê bai phim đến mức “tuyệt đường” như vậy? Liệu họ có cần phải học điện ảnh, đi làm phim thì mới có đủ kiến thức, mới xứng đáng được quyền bàn luận về phim? Đây là một thắc mắc đúng đắn, cần câu trả lời.
Trên thực tế, đa số nhà phê bình nổi tiếng ở Mỹ và châu Âu chưa từng đi học điện ảnh một ngày nào. Roger Ebert từng từ bỏ trường Đại học Chicago để thực hiện giấc mơ trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp. A.O. Scott tốt nghiệp trường Đại học Harvard năm 1988 với tấm bằng cử nhân văn chương. Andrew Sarris học tại trường Teachers College (chuyên ngành giáo dục, y tế và tâm lý) trước khi theo đuổi nghiệp bình phim.
Chuyên gia người Pháp Andre Bazin được đánh giá là nhà phê bình vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh, là người “cách mạng hóa lĩnh vực phê bình phim”, “nâng tầm phê bình phim thành một dạng nghệ thuật”. Thời trẻ, ông theo học trường Ecole Normale Supérieure với mục tiêu trở thành giáo viên. Nhưng Thế chiến II phá vỡ giấc mơ đó và đẩy ông đến với nghiệp bình phim.
Hồi năm 2014, nhà phê bình âm nhạc Ted Gioia chỉ trích việc bình nhạc đã bị giáng cấp thành “đưa thông tin về lối sống” do phần lớn nhà phê bình âm nhạc thiếu kiến thức nền. Nhân dịp đó, trang IndieWire đã mở cuộc thăm dò với chủ đề “Các nhà phê bình phim có cần là người làm phim?” và phỏng vấn rất nhiều nhà phê bình điện ảnh có tiếng tăm tại Mỹ.
Và phần lớn, từ Matt Zoller Seitz của trang RogerEbert.com, Adam Nayman của The Globe and Mail, Richard Brody của The New Yorker cho đến Neil Young của Hollywood Reporter đều khẳng định kiến thức nền về điện ảnh là yêu cầu tối quan trọng đối với nhà phê bình. Bởi phải hiểu sâu về một đề tài thì mới có thể viết chính xác và thuyết phục về nó.
Tuy nhiên, nhà phê bình không cần phải đi học điện ảnh hoặc làm phim để có kiến thức đó. Cách tiếp thu kiến thức có thể rất đa dạng, từ xem nhiều phim, đọc sách chuyên ngành cho đến ra phim trường, trực tiếp quan sát các công đoạn làm phim.
Không học điện ảnh, Roger Ebert vẫn là nhà phê bình hàng đầu nước Mỹ. Ảnh: The Daily Beast. |
“Kiến thức điện ảnh là công cụ quan trọng… Nhưng nhà phê bình chúng tôi còn là con người có phản ứng cảm xúc với sự vật. Xét cho cùng thì phim luôn nhắm mục tiêu tạo ra phản ứng có cảm xúc từ chúng ta… Là con người, chúng tôi hoàn toàn có quyền nhận xét một bộ phim có tạo ra cảm xúc ở mình hay không”, nhà phê bình Piers Marchant của Philadelphia Magazine khẳng định.