Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khí độc khiến 50 công nhân ngất xỉu có trong nước tiểu

50 người đang làm vệc tại Công ty Asia Garment Manufacturer (Khu công nghiệp AMATA, TP Biên Hòa) phải nhập viện vì nghi ngờ nhiễm độc NH3. Vậy khí này gây nguy hiểm ra sao?

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khoa Công nghệ Sinh học (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho hay NH3 thực chất là amoniac. Đây là một hóa chất thường gặp trong đời sống (có trong nước tiểu).

Ở nước ta, NH3 đã được sử dụng khá lâu trong công nghiệp làm lạnh, đặc biệt là sản xuất phân bón và một số chất tẩy rửa hàng ngày.

Người làm việc và sử dụng hóa chất này phải đối mặt với những rủi ro như tính độc, khả năng gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn do áp suất cao (khi sử dụng amoniac lỏng) và một số nguy cơ khác.

PGS Thịnh cho biết trong máu NH3 chuyển thành các amino axit hoặc bị thải ra dưới dạng nước tiểu.

Ở ngoài tự nhiên, chất này có đặc tính dễ khuếch tán trong không khí và hòa tan ở môi trường nước. Do đó chúng ta bị tiếp xúc với amoniac đa phần do hít, nuốt hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da.

Về mức độ nguy hại, ông Thịnh cho biết điều này phụ thuộc vào liều lượng và con đường, thời gian tiếp xúc. Amoniac nồng độ cao có thể ngay lập tức gây bỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp và có thể dẫn đến mù, tổn thương phổi hoặc tử vong. Khí này xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp ở nồng độ thấp hơn có thể gây ho, kích ứng mũi, họng. Nếu nuốt amoniac, bạn có thể bỏng miệng, họng và dạ dày.

Tại Việt Nam, nồng độ NH3 cho phép trong không khí xung quanh theo TCVN 5938-2005 là 0,2 mg/m3.

“Ngộ độc amoniac là tai nạn có thể gặp trong lao động, sinh hoạt hàng ngày. Nhiều nhà máy sử dụng chất này nhưng chủ quan, thiếu cẩn thận khi bảo quản dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Nếu xử trí không kịp thời, chất này sẽ để lại di chứng nặng nề về sức khỏe, thậm chí gây tử vong”, ông Thịnh nói.

Xử trí nhanh khi bị ngộ độc amoniac

Trong trường hợp hít phải amoniac có nồng độ cao, chúng ta cần nhanh chóng đưa nạn nhân khỏi khu vực bị ô nhiễm, hô hấp nhân tạo hoặc cho thở oxy.  Nạn nhân cần được nằm ấm và yên tĩnh. Lưu ý các vết thương ở phổi có thể còn tiến triển sau 18-24h. Vì vậy, nếu có dấu hiệu ngất, chúng ta cần tiến hành cần xoa bóp lồng ngực và nhanh chóng đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Nếu nuốt phải NH3, chúng ta cần phải cho nạn nhân súc miệng nhiều lần bằng nước lạnh, sau đó cho nạn nhân uống 1-2 chén sữa. Khi sơ cứu, chúng ta không gây nôn và không cho nạn nhân uống các loại dầu với mục đích trung hòa axit.

Nếu nạn nhân bị bỏng do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất này cần nhanh chóng rửa bằng nước sạch và đưa đến bệnh viện gần nhất.

 

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm