Các tình huống thường ngày ở công sở đang thành những video viral trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: The Office/NBC. |
Không khó để bắt gặp các tài khoản biến cuộc sống tại văn phòng của họ thành những tiểu phẩm hài nhằm chế nhạo các công ty.
Nhiều trong số đó đã lên xu hướng, bởi tình huống trong clip quá quen thuộc với những người làm việc trong môi trường công sở, theo WorkLife.
Tiểu phẩm hài 'chân thực'
Trên ứng dụng này, từ khóa #WorkLife có 30,6 tỷ lượt xem, nội dung dàn trải từ mô tả cuộc sống hàng ngày, đồng nghiệp hài hước, cho đến những bi kịch trong công việc.
Bên cạnh đó, hashtag #WorkTok cũng có đến 2,4 tỷ lượt xem và #CorporateTikTok có 4,9 tỷ lượt xem.
Các nhà sáng tạo nội dung đang tận dụng các chủ đề liên quan đến công việc. Đó đều là những đề tài quen thuộc, dễ liên tưởng tới nhiều trải nghiệm cá nhân của người dùng tại nơi làm việc.
"Những nội dung này lồng ghép nhiều thông điệp phổ quát mà đôi khi chúng ta khó diễn đạt ra bằng lời. Người xem dễ cảm thấy đã trải qua điều tương tự, từ đó tạo ra sự đồng cảm và tăng sự kết nối”, Malene Hold, trưởng bộ phận phụ trách TikTok của công ty tiếp thị truyền thông xã hội Kubbco, nói.
Nhiều người đang biến cuộc sống công sở của họ thành những nội dung trên TikTok. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Nhà sáng tạo nội dung Lisa Beasley sở hữu một tài khoản hơn 300.000 lượt theo dõi, nơi cô thủ vai trưởng phòng nhân sự Corporate Erin. Các tình huống cô tạo ra được đánh giá gần sát với những gì các nhà quản lý nhân sự đang làm.
“Đúng là giọng văn của các doanh nghiệp, nói luyên thuyên suốt 30 phút mà không truyền đạt được thông điệp gì”, một người dùng bình luận dưới clip.
Chưa dừng lại, Beasley còn cộng tác với những nhà sáng tạo khác trong cùng lĩnh vực, như Corporate Brian, tài khoản hơn 100.000 lượt theo dõi.
Nhà sáng tạo đứng sau tài khoản này là Brian Kearney, một nhân viên văn phòng. Anh mô tả nhân vật Corporate Brian là “lạnh lùng, chẳng bao giờ làm đúng, không đạt mục tiêu”, khá giống với cách anh từng làm việc tại công ty.
Kearney cho biết trong các video ngắn của mình, anh thể hiện góc nhìn mệt mỏi và chán nản về thế giới "cổ cồn trắng".
“Sau khi bị sa thải, tôi đã tự do hơn một chút với những gì mình đăng. Tôi nghĩ điều đó đã thật sự gây ấn tượng với mọi người", anh nói.
Tại sao nội dung này gây tiếng vang?
Giải thích về độ viral của các clip liên quan đến đời sống công sở, Kearney cho rằng đó là nhờ nội dung vừa gần gũi, dễ đồng cảm, vừa mang tính giải trí thuần túy, tựa như xem series The Office (2005-2013) phiên bản hiện đại.
Natalie Marshall, người đứng sau nhân vật Corporate Natalie có hơn nửa triệu lượt theo dõi trên nền tảng, cho biết cô làm nội dung dựa trên những trải nghiệm cá nhân, thông qua cuộc trò chuyện với bạn bè hoặc từ bình luận của những người theo dõi.
Những nội dung công sở dễ viral vì có khả năng khiến nhiều "cổ cồn trắng" đồng cảm. Ảnh minh họa: Jason Henry/New York Times. |
Tài khoản của cô lần đầu tiên được chú ý trong thời kỳ đại dịch, khi Marshall chia sẻ những trải nghiệm khi làm việc tại nhà. Dưới phần bình luận, nhiều tài khoản bày tỏ rằng họ cũng chung cảm giác tương tự.
Kể từ đó, Marshall cho biết mình luôn cố gắng làm các video đồng cảm với người xem, đảm bảo họ có thể có chung cảm giác hoặc biết một ai đó đang trải qua điều tương tự.
Cô cũng mong rằng nội dung clip có thể mang đến góc nhìn hài hước trong môi trường công sở thường xuyên căng thẳng.
“Thật thú vị khi nhìn thấy các tình huống diễn ra trong công ty được mô tả lại một cách hài hước trên mạng xã hội", Marshall nói.
Đương nhiên, sẽ có những thắc mắc rằng liệu các công ty và lãnh đạo doanh nghiệp có nhận thức được làn sóng nội dung này trên mạng xã hội hay không, và điều này sẽ ảnh hưởng tới môi trường công sở như thế nào.
Nhà sáng tạo nội dung Kearney cũng chưa có câu trả lời, nhưng ở thời điểm hiện tại, anh hoàn toàn ủng hộ những điều đang diễn ra.
"Tôi chưa nghĩ về việc khả năng thay đổi văn hóa công ty của những đoạn clip này. Nhưng tôi cho rằng sau một thời gian nữa, khi thế hệ cũ dần phai nhạt và Gen Z xuất hiện mạnh mẽ hơn, môi trường làm việc có thể thay đổi so với những kịch bản nội dung chúng ta đang tạo ra bây giờ", anh chia sẻ.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.