Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Mất cơ hội lên chức, tăng lương vì lười lên văn phòng

Theo các báo cáo, những nhân viên làm từ xa thường ít được đề bạt thăng chức, tăng lương thưởng hơn dân công sở trực tiếp đến văn phòng.

Các báo cáo chỉ ra những nhân sự chọn làm việc tại nhà thường ít có cơ hội thăng tiến. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.

Trong một thời gian, những người làm việc từ xa dường như có tất cả. Họ không phải đi lại, luôn được mặc quần áo thoải mái, có khả năng tập trung tốt hơn, thậm chí có thể vừa giặt đồ vừa họp online.

Tuy nhiên, một báo cáo mới cho thấy những người lao động làm việc tại nhà đang bị tụt lại khi bàn đến khía cạnh quan trọng và được quan tâm nhất trong sự nghiệp, đó là lên chức, theo Wall Street Journal.

Những người không được thăng chức

Theo kết quả phân tích 2 triệu "cổ cồn trắng" của Live Data Technologies, trong năm qua, những người làm việc từ xa ít được thăng chức hơn. Con số này lên đến 31% so với những người làm việc trực tiếp tại văn phòng.

Bên cạnh đó, những người làm việc tại nhà cũng ít nhận được sự quan tâm, hướng dẫn hơn từ sếp hay đồng nghiệp. Khoảng cách này cũng đặc biệt rõ ràng đối với người lao động là nữ giới.

thang chuc,  tang luong,  nhan vien van phong,  dan cong so,  thuong Tet anh 1

Những người làm việc tại nhà nhận được ít sự chú ý và cơ hội thăng tiến hơn so với những đồng nghiệp làm việc toàn thời gian tại công ty. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Cũng theo Live Data Technologies, 5,6% nhân viên làm việc toàn thời gian tại văn phòng hoặc theo mô hình hybrid đã được thăng chức trong doanh nghiệp vào năm 2023, so với 3,9% những người làm việc từ xa.

“Có một sự thiên vị dành cho những người đang làm việc tại văn phòng. Tôi thậm chí có thể gọi nó là đối xử kỳ thị", Nick Bloom, nhà kinh tế tại Đại học Stanford (Mỹ), người nghiên cứu về các phương pháp quản lý và làm việc từ xa, mô tả về những thách thức mà những người lao động work from home đang phải đối mặt.

Trong 4 năm kể từ đại dịch, cách làm việc của người Mỹ đã thay đổi, buộc các công ty phải thích ứng. Từ cấp lãnh đạo đến nhân viên phải tham gia vào cuộc chiến về việc có quay trở lại làm việc tại văn phòng hay không.

thang chuc,  tang luong,  nhan vien van phong,  dan cong so,  thuong Tet anh 2

Người lao động tại nhà thường bị mất kết nối với đồng nghiệp vì hiếm khi có mặt tại văn phòng. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Theo dữ liệu tháng 12/2023 từ Cơ quan Tổng cục Dân số và Thống kê Lao động Mỹ, trong khi nhiều nơi làm việc đã áp dụng mô hình làm việc kết hợp hoặc quay lại mô hình làm việc toàn thời gian tại văn phòng, gần 20% trong số các nhân viên có bằng cử nhân trở lên vẫn chọn làm việc hoàn toàn từ xa.

Thế nhưng, 90% giám đốc điều hành cho biết khi đến thời điểm xét tăng lương hoặc thăng chức, họ thường sẽ ưu tiên dành cho những nhân viên nỗ lực đến văn phòng.

Năm ngoái, công ty dịch vụ KPMG đã tổ chức một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.325 CEO của các công ty lớn trên 11 quốc gia. Kết quả, 2/3 số người tham gia mong đợi hầu hết nhân sự sẽ quay lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng trong vòng 3 năm tới.

Làm từ xa chưa chắc sướng

Erin Villela (26 tuổi) chuyển đến Tampa (bang Florida, Mỹ) vào năm ngoái để gần gia đình hơn. Cô làm việc theo mô hình work from home cho một công ty cung ứng nhân sự ở Charlotte (bang North Carolina, Mỹ).

Erin cho biết cô gặp nhiều khó khăn khi không được CC trong nhiều email, cũng như chật vật để theo dõi và tiếp cận các thông tin nội bộ. Gần đây, cô được đề cử thăng chức, song bị từ chối vì công ty muốn có những lãnh đạo làm việc tại văn phòng.

Đôi khi cô ấy có những cuộc gọi khó khăn với khách hàng. Nhưng tất nhiên, cô không có đồng nghiệp bên cạnh để hướng dẫn trong những tình huống như thế.

“Tôi phải thừa nhận rằng mình đã không nhận ra những tác động của việc sự nghiệp không thể phát triển nếu cứ làm việc tại nhà", cô nói thêm.

thang chuc,  tang luong,  nhan vien van phong,  dan cong so,  thuong Tet anh 3

Nhiều nhân sự cho biết họ gặp vấn đề trong trao đổi, giao tiếp khi làm việc từ xa. Ảnh minh họa: Vlada Karpovich/Pexels.

Emma Harrington, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Virginia (Mỹ), cho biết làm việc từ xa có thể tạo ra những khó khăn đặc biệt đối với phụ nữ trẻ, những người đang cố gắng phát triển và xây dựng kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, dù không bắt buộc, một số nhân viên vẫn chọn đến văn phòng mỗi ngày, bởi họ ý thức được tầm ảnh hưởng của hành động này với việc phát triển sự nghiệp.

Dù sống cách công ty 209 km, Marylynn Rodriguez (30 tuổi), sống tại Sacramento (bang California, Mỹ), vẫn đều đặn lên văn phòng ít nhất 2 lần/tuần. Nhân viên tại công ty phần mềm Egnyte thường rời nhà vào khoảng 4h để tránh kẹt xe và đến văn phòng khi đồng hồ điểm 6h30.

“Tôi vẫn còn khá mới trong công việc, nên việc xuất hiện tại công ty đem đến nhiều lợi ích cho tôi. Tôi cũng có nhiều thời gian gặp gỡ với lãnh đạo hơn", cô nói thêm.

thang chuc,  tang luong,  nhan vien van phong,  dan cong so,  thuong Tet anh 4

Tần suất xuất hiện trên văn phòng có thể ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến của một người lao động. Ảnh minh họa: Polina Zimmerman/Pexels.

Khi thị trường việc làm "cổ cồn trắng" đang trở nên cạnh tranh hơn, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo công ty lên tiếng về sự cần thiết của việc xuất hiện tại văn phòng.

Với các nhà tuyển dụng như Meta và Google, họ yêu cầu nhân viên phải có mặt tại công ty vào một số ngày trong tuần.

Về phía Egnyte, họ cũng đang sử dụng thẻ để theo dõi sự có mặt của nhân sự tại một số văn phòng của mình. Bên cạnh đó, công ty đưa ra yêu cầu những nhân viên ở trong bán kính 80 km từ văn phòng phải có mặt làm việc 3 ngày mỗi tuần.

Công ty này cho biết 46% trong số hơn 1.000 nhân viên của họ được phân công làm việc tại văn phòng, phần còn lại làm việc từ xa.

“Nhiều nhân viên có thể không thích điều này. Nhưng nếu bạn không xuất hiện và làm việc cùng đồng nghiệp, đó là sự thiếu kết nối và thiếu trách nhiệm”, Vineet Jain, Giám đốc điều hành Egnyte, chia sẻ.

Dù vậy, Dean Chabrier, Giám đốc nhân sự của Egnyte, cho biết công ty đang nỗ lực để đảm bảo nhân viên làm việc từ xa hoàn toàn vẫn có cơ hội thăng tiến như những người sống gần văn phòng.

Việc có mặt hay không sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng sự nghiệp hoặc phát triển của nhân viên.

Nếu chọn lại, vẫn chọn làm từ xa

Mặt khác, nghiên cứu của nhà kinh tế Bloom phát hiện ra những người làm việc từ xa hoàn toàn có hiệu suất cao hơn so với đồng nghiệp làm việc tại văn phòng.

Tuy nhiên, họ thường bỏ lỡ các cuộc trò chuyện với mọi người trong văn phòng. Điều này có thể khiến mối quan hệ và triển vọng thăng tiến của họ bị ảnh hưởng.

Theo chuyên gia, công việc từ xa thường phù hợp hơn với những người đã có vị thế vững chắc trong sự nghiệp, có kỹ năng và mối quan hệ giúp họ thăng tiến.

"Như vậy, chỉ cần lên văn phòng 3 ngày mỗi tuần là đủ, khi đó bạn sẽ không bị lãng quên”, ông nói thêm.

thang chuc,  tang luong,  nhan vien van phong,  dan cong so,  thuong Tet anh 5

Một số người hài lòng với việc work from home để có thời gian cho gia đình, chấp nhận đánh đổi khả năng tiến xa trong sự nghiệp. Ảnh minh họa: Vlada Karpovich/Pexels.

Một số nhân viên làm việc từ xa hoàn toàn thoải mái với sự đánh đổi này.

Christy Tabors (35 tuổi) làm việc remote từ thị trấn Van Alstyne (bang Texas, Mỹ) với vai trò chuyên viên nghiên cứu trải nghiệm người dùng tại Meta, cho đến khi bị sa thải vào mùa xuân năm ngoái.

Dù vậy, cô nói rằng việc ở gần gia đình quan trọng hơn khả năng tiến xa trong sự nghiệp.

“Với tôi, vừa kiếm đủ tiền để thanh toán hóa đơn, vừa có cuộc sống cân bằng, có thể chăm sóc các con là đủ, không cần gì thêm", cô nói. Hiện tại, Tabors làm việc từ xa cho một công ty dịch vụ tài chính.

Ben Wigert, Giám đốc nghiên cứu về hoạt động quản lý nơi làm việc của công ty nghiên cứu thị trường Gallup, cho biết những người làm việc từ xa thể hiện mức độ hạnh phúc cao hơn.

Dữ liệu của Gallup cũng cho thấy 23% nhân viên làm việc tại nhà cho biết họ cảm thấy thường xuyên hoặc luôn kiệt sức tại nơi làm việc, so với 28% nhân viên hybrid và 31% nhân viên làm việc toàn thời gian tại công ty.

Áo khoác 'Viagra' và 4 trang phục tệ nhất khi đi xin việc

Việc lựa chọn trang phục sai cách và cẩu thả của ứng viên có thể làm ảnh hưởng đến ấn tượng đầu tiên, cũng như quyết định tuyển dụng của phía công ty.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.

Thiên An

Bạn có thể quan tâm