Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%). Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%), góp gần 10% GDP của đất nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm liên tiếp của ngành du lịch đạt 22%/năm. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về thu hút khách quốc tế
Năm 2020, bất chấp những tê liệt trong hoạt động vì “bão Covid-19”, du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng loạt giải thưởng quốc tế uy tín và có mặt thường xuyên trên các tạp chí lữ hành hàng đầu thế giới.
“Tăng trưởng thần kỳ” là cụm từ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế dùng để đánh giá du lịch Việt Nam. Thành tựu của ngành công nghiệp không khói đến từ chính sự “lột xác” của nhiều vùng đất trên dải đất hình chữ S, với sự góp sức từ các doanh nghiệp tư nhân.
Ngày 28/11/2019, lễ trao giải World Travel Awards (WTA) được tổ chức trang trọng nhằm vinh danh các thương hiệu du lịch tốt nhất thế giới ở 264 hạng mục thuộc nhiều lĩnh vực như hàng không, lữ hành, khách sạn, nghỉ dưỡng... Đây cũng là ngày đánh dấu mốc lịch sử khi du lịch Việt Nam bội thu giải thưởng từ “Oscar du lịch thế giới”.
Lần đầu tiên, Việt Nam được bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, vượt qua Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Hy Lạp, Saudi Arabia... Cùng với đó, 19 danh hiệu hàng đầu thế giới khác cũng gọi tên các doanh nghiệp Việt Nam tại WTA 2019. Trong đó, riêng Tập đoàn Sun Group đạt 13 giải thưởng.
Năm 2020, một lần nữa du lịch Việt lại tỏa sáng với giải thưởng “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”.
Và Sun Group cũng tiếp tục gây ấn tượng với bạn bè quốc tế khi đạt 10 giải thưởng tại WTA thế giới. Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) được xướng tên với danh hiệu “Biểu tượng du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới”, sân bay quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam do tập đoàn này đầu tư tại Quảng Ninh được vinh danh “Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020”.
Trong khi đó, Lào Cai lần đầu bước ra thế giới năm 2019 và tiếp tục lần thứ hai ghi danh vào năm 2020 với Sun World Fansipan Legend - Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu thế giới và Hotel de la Coupole - MGallery hai năm liên tiếp được vinh danh Khách sạn biểu tượng hàng đầu thế giới.
Các khu nghỉ dưỡng khác do Sun Group đầu tư trải dài từ Bắc vào Nam như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Premier Village Danang Resort, Mercure Danang French Village Bana Hills, Premier Village Phu Quoc Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay cũng nhận những giải thưởng danh giá nhất của tổ chức này.
Có thể nói những năm gần đây, du lịch Việt đã gặt hái thành công trên nhiều bình diện, từ các danh hiệu uy tín đến những con số tăng trưởng khách và doanh thu ấn tượng, tạo tiếng vang trên bản đồ du lịch thế giới.
Sau thời kỳ hoàng kim của vịnh Hạ Long, cố đô Huế… Việt Nam có thêm những đại diện mới làm rạng danh du lịch quốc gia. Đó là một Đà Nẵng - điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á, nổi danh khắp thế giới với cầu Vàng và mới đây đứng hạng nhất trong danh sách 10 điểm đến toàn cầu năm 2020 do Google công bố. Hay Phú Quốc - hòn đảo quyến rũ vừa lọt top 25 điểm đến mới nổi hàng đầu thế giới 2020 do Trip Advisor bình chọn, đồng thời góp mặt trong nhiều bảng xếp hạng của các tạp chí du lịch toàn cầu uy tín…
Nhìn lại sự tăng trưởng nhanh và mạnh của ngành công nghiệp không khói những năm qua, có thể thấy du lịch Việt Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục. Vị thế của du lịch Việt được nâng cấp xứng tầm, từ điểm đến giá rẻ trở thành chốn dừng chân nghỉ dưỡng, khám phá của các tỷ phủ, chính khách, người nổi tiếng thế giới…
Giờ đây, nhắc đến Việt Nam, du khách trong nước và quốc tế biết tới đây là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, là quốc gia sở hữu khu nghỉ dưỡng duy nhất trên thế giới 4 năm liên tiếp được vinh danh Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới - InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, hay đất nước có cây cầu Vàng từng làm “khuynh đảo” truyền thông quốc tế.
Sự chuyển mình của du lịch Việt Nam cũng đã được thế giới ghi nhận, đánh giá cao bằng những chỉ số thuyết phục. Từ vị trí 80/139 nền kinh tế (năm 2011), Việt Nam đã thăng hạng mạnh mẽ lên vị trí 63/140 (năm 2019) trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch (TTCI) của WEF.
Tháng 12/2020, tạp chí du lịch nổi tiếng của Australia Lonely Planet đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến có ẩm thực tốt nhất cho chuyến du lịch cá nhân năm 2021. Với điểm bình chọn 92,12 điểm, bạn đọc của tạp chí du lịch uy tín của Mỹ Condé Nast Traveler (CNTraveler) cũng bình chọn Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 trong 20 quốc gia là điểm đến yêu thích năm 2020. CNTraveler cũng lựa chọn Việt Nam đứng ở vị trí thứ 13 trong xếp hạng 21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Cùng với đó, du lịch đã mang lại nguồn ngân sách mơ ước cho nhiều tỉnh thành, giúp thay đổi cuộc sống người dân địa phương, làm giàu bền vững cho đất nước.
Trải qua hơn một thập kỷ vàng son, nếu ví du lịch như bàn tay của vị vua Midas trong truyền thuyết, chạm đến đâu đều mang “vàng” về cho vùng đất đó, thì các doanh nghiệp tư nhân được xem là nhân tố quan trọng tạo nên những thành tựu ấy.
“Trên bản đồ du lịch Việt Nam, những điểm định hình chân dung du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc… đều có dấu ấn của các tập đoàn tư nhân...”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã không ít lần khẳng định như vậy khi được hỏi về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân với ngành du lịch Việt Nam.
Nếu kể đến dấu ấn của các tập đoàn tư nhân, không thể bỏ qua Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Quốc… với sự thay hình đổi dạng của mỗi vùng đất.
Với địa hình trải dài, có tới 4 thành phố, Quảng Ninh từng được đánh giá là điểm đến có nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông. Thế nhưng, chỉ trong vòng 3 năm, tỉnh này có sự lột xác ngoạn mục với hệ thống giao thông không - thủy - bộ đồng bộ gồm sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế và các tuyến cao tốc hiện đại được xây mới nhờ sự tham gia của nhà đầu tư lớn Sun Group.
Những khu vui chơi giải trí tầm cỡ khu vực như Sun World Halong Complex, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay Resort… xuất hiện khiến Quảng Ninh trở nên sôi động cả khi không phải mùa cao điểm.
Vịnh Hạ long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ hơn một thập kỷ trước, từ nơi có cơ sở vật chất du lịch ít ỏi, hoạt động tham quan trên vịnh chỉ mới bắt đầu bằng vài chiếc tàu gỗ đưa khách tham quan; các hang động chưa được đầu tư để phục vụ khách du lịch đã “biến hình” khi xuất hiện những công trình do chủ đầu tư tư nhân thực hiện.
Việc các tuyến đường được khơi thông cùng số lượng cơ sở lưu trú 5 sao tăng nhanh, xuất hiện tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại, các sản phẩm du lịch cao cấp và đa dạng… đã khiến dòng khách lớn trong và ngoài nước ghé thăm Quảng Ninh cùng di sản Vịnh Hạ Long nhiều hơn.
Cùng với Quảng Ninh, dễ dàng nhận thấy sự bứt phá, thăng hoa của du lịch Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Quốc... Xóa bỏ hình ảnh của một trạm trung chuyển với những xóm nhà chồ ven sông Hàn để trở thành thành phố đáng sống nhất Việt. Đà Nẵng không chỉ được biết đến với “hiện tượng” cầu Vàng mà còn là điểm đến của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) hấp dẫn hàng đầu khu vực và các khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, kể từ khi Sun World Ba Na Hills ra đời, thành phố bên sông Hàn trở thành điểm phải đến của nhiều du khách trong nước, trở thành thủ phủ du lịch miền Trung.
Ấn tượng không kém là Lào Cai với “át chủ bài” Sa Pa ngày một hút khách nhờ các công trình, sản phẩm du lịch hiện đại, quy mô. Sa Pa của những năm trước “lặng lẽ” trên bản đồ du lịch Việt Nam bởi hạ tầng thiếu thốn, ít trải nghiệm. Đỉnh Fansipan chỉ dành cho những ai ưa mạo hiểm và có đủ sức khỏe lang thang trong rừng sâu. Năm 2013, chỉ có 720.000 lượt du khách đến Sa Pa, doanh thu đạt 576 tỷ đồng.
Với sự góp mặt của Sun Group, Sa Pa đã có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn. Đó là Sun World Fansipan Legend với hệ thống cáp treo đưa du khách lướt giữa núi rừng Hoàng Liên lên tới nóc nhà Đông Dương, là những lễ hội bài bản, chuyên nghiệp bốn mùa không ngớt cùng hệ thống các khách sạng hạng sang xóa đi hình ảnh kém chuyên nghiệp của các dịch vụ lưu trú nhỏ lẻ và cách làm du lịch manh mún trước đây.
Chỉ trong 4 năm 2015-2019, lượng khách du lịch tới Sa Pa đã tăng 144%, lên mức 5,1 triệu du khách/năm. Năm 2020, dù ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, Lào Cai vẫn đón 2,3 triệu lượt khách.
Và để nhắc tới dấu ấn đậm nét của khu vực kinh tế tư nhân, Phú Quốc là bức tranh sống động nhất. Hòn đảo hoang sơ với tiềm năng to lớn đã thực sự vươn tầm châu lục, không chỉ vì lượng khách ghé đến đã tăng trưởng theo cấp số nhân mà còn nhờ nét vẽ sang trọng từ các khu nghỉ dưỡng là những kiệt tác kiến trúc với dịch vụ 5 sao quốc tế như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, InterContinental Phú Quốc Long Beach…
Bên cạnh trải nghiệm nghỉ dưỡng, đảo ngọc ngày nay còn là thiên đường giải trí với cáp treo vượt biển, công viên nước hàng đầu Đông Nam Á, casino… Các công trình hạ tầng, du lịch giải trí của các tập đoàn tư nhân đã mang về dòng ngoại tệ lớn, đưa Phú Quốc trở thành trụ cột kinh tế của Kiên Giang, tái lập lại số phận, cuộc sống của nhiều người dân xứ đảo.
Nhìn lại thành quả đáng tự hào và giấc mơ lớn mà du lịch Việt đang ấp ủ, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch Việt Nam có tiềm năng lớn và không thua kém bất cứ nơi nào, nhưng để khai phá và gặt hái trái ngọt lâu dài, để có vùng đất thực sự “hóa rồng”, Việt Nam cần các tập đoàn tư nhân giàu tiềm lực và có khát vọng.
Như lời ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group: “Khát vọng và mong muốn của chúng tôi là đưa Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch. Đây là một cách thể hiện lòng yêu nước của những người con Việt Nam”.
Bình luận