Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi học trò Việt Nam đi học làm nông dân ở Nhật

Tận tay thu hoạch cà chua, đóng gói và đem đến chợ nông sản bán... đó là một trong những trải nghiệm học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) có trong 10 ngày ở Nhật.

Trước đó, khi ở VN, chưa có ai trong chín học sinh sang Nhật giao lưu lần này đã thực sự làm nông. Vì vậy, khi đến nông trại Daisaku, các bạn rất mê.

Các bạn trẻ Việt Nam giúp dán nhãn cà chua của nông trại Daisaku trước khi chuyển ra chợ nông sản địa phương.

'Tôi không ủng hộ tình nguyện viên xếp hàng dưới nắng 40 độ'

Hình ảnh thanh niên tình nguyện đứng phân luồng giao thông dưới nắng nóng 40 độ khiến nhiều người không khỏi xót xa. Phần đông tỏ ra không đồng tình với hành động này của lớp trẻ.

Nghề nông không phải nghề thấp kém

Tại nông trại Daisaku ở thị trấn Sobetsu, anh nông dân chủ nông trại còn khá trẻ, đã tốt nghiệp đại học và từng mong muốn đi theo nghề giáo nhưng cuối cùng quyết tâm về làm nông dân.

Anh Daisaku hướng dẫn các bạn thu hoạch cà chua, măng tây rồi đóng gói và chuyển đến chợ nông sản địa phương.

Anh luôn miệng nhắc nhở phải nhẹ tay và kiên quyết loại những quả cà chưa đủ độ chín đỏ, hoặc kích thức quá lớn hay quá nhỏ. Những quả cà chua bi có thể ăn ngay khi hái từ trên cây mà không phải rửa lại. Đó là lý do tại sao anh và các nông dân khác trong khu vực luôn tự hào dán tên mình lên những gói nông sản và đặt hình gia đình lên kệ trưng bày tại siêu thị.

“Nông dân không phải là một nghề thấp kém ở Nhật Bản và tôi luôn muốn nhìn thấy những gương mặt thích thú của các bạn trẻ khi trải nghiệm về văn hóa trồng trọt đáng tự hào của mình” - anh nói và vui vẻ tiết lộ mẹo kinh doanh duy nhất của anh là luôn cân dư để cạnh tranh với những nông dân khác.

"Tận tay thu hoạch cà chua, đóng gói và đem đến chợ nông sản bán giúp em hiểu thêm về giá trị của việc nghề nông. Người trồng ở Nhật luôn đề cao chất lượng và quan tâm đến sức khoẻ của người mua nông sản của mình. Hình của người bán được dán lên mỗi kệ hàng chính là để đảm bảo chất lượng đối với người dùng" - bạn Nguyễn Phi Bảo, học sinh lớp 11 cho biết.

Bạn Võ Cao Tùng tham gia trò chơi cùng các học sinh tiểu học Kaisei.

Học sinh Nhật tự quản trong trường

Ngoài làm nông, các bạn học trò TP HCM được tận mắt thấy nền giáo dục Nhật khi đến thăm các trường học ở Hokkaido.

Trường học ở Nhật thật sự cuốn các bạn học sinh VN ánh nhìn tò mò. Ngay từ cửa vào trường, tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên đều phải thay giày đi trong nhà. Trường hầu như không có lao công bởi tất cả các việc lau dọn vệ sinh đều do các học sinh chịu trách nhiệm.

Ngay khi tiếng chuông vang lên, những học sinh nghịch ngợm 6-10 tuổi lập tức thực hiện theo hiệu lệnh như đã tập luyện hàng nghìn lần.

Tuần tự như một bầy ong, nhóm chịu trách nhiệm phát thức ăn đeo khẩu trang, tạp dề trong khi số còn lại tự tổ chức sắp xếp bàn ghế, rửa tay, trải khăn ăn. Tất cả diễn ra trong tiếng cười nói vui vẻ và tiếng nhạc. Thầy cô giáo đóng vai nhạc trưởng và tuyệt nhiên không hề có tiếng la hét, quát tháo nào trong bản nhạc.

Thực đơn bao gồm cơm, xa-lat trộn bắp, bánh mì kẹp xúc xích, súp, sữa, không có học sinh nào bỏ đồ ăn thừa. Ăn xong, các bạn nhỏ xếp hàng tuần tự phân loại chén, dĩa, muỗng vào từng khay riêng, theo từng nhóm màu.

Đến trường Kaisei, bạn Trần Thị Anh Thư, học sinh lớp 11, ngoài việc rất thích trang thiết bị hiện đại của trường, điều thú vị nhất đối với bạn là trường có rất nhiều câu lạc bộ dành cho học sinh như kiếm đạo, thư pháp... Điều đặc biệt khác tạo ấn tượng cho Thư là trường ở Nhật rất khuyến khích học sinh vận động thể thao với đủ các loại sân, phòng tập bóng chày, bóng rổ... trong trường.

"Các câu lạc bộ rất hấp dẫn, giúp việc học đỡ nhàm chán. Sau giờ học các bạn rủ nhau tham gia sinh hoạt câu lạc bộ rất vui" - Anh Thư nói. 

Bạn Phạm Trương Phương Vy, học sinh lớp 10 thì ấn tượng với từng loại thùng rác được phân loại cụ thể như rác tái chế, giấy, chai nhựa... Các khu vực để rác của trường có khoảng một chục loại thùng rác khác nhau. Các nhóm học sinh chịu trách nhiệm quét rác, lau dọn phòng học. Một học sinh ra hiệu chỉ cho học sinh Việt cách bóp dẹp hộp sữa sau khi uống xong để xếp vào khay rác rồi cẩn thận xếp lại khăn ăn của mình trước khi cùng các bạn xuống sân trường đi tản bộ sau giờ ăn.

Trúc Anh, học sinh lớp 11 nói: "Em rất thích việc thầy cô sau giờ học phát cho các học sinh phiếu tự nhận xét xem mình đã dành bao nhiêu thời gian để học và làm bài tập ở nhà. Hôm sau, mỗi bạn sẽ tự đánh giá và cho điểm bản thân xem mình đã nỗ lực hay chưa".

Các bạn học sinh là cầu nối giữa Việt Nam - Nhật Bản

Lãnh đạo phòng quan hệ quốc tế Tòa thị chính Sapporo, ông Kakuro Sato đã tiếp đón đoàn tại tòa thị chính thành phố Sapporo. “Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng mối quan hệ với Việt Nam, mà các bạn trẻ chính là cầu nối” - ông Sato vui vẻ nói.

Gần 200 học sinh và giáo viên trường THPT Kaisei có mặt để nghe những người bạn mới đến giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Không ít những đôi mắt tròn xoe thích thú từ khán giả khi nhìn các học sinh Việt Nam mặc áo dài nói về các văn hóa, thắng cảnh và ẩm thực của đất nước hình chữ S và tiếng cười rộn khắp hội trường khi các bạn học sinh Nhật tập chơi các trò truyền thống của Việt Nam như đá cầu trong phần giao lưu.

Thầy Phạm Thanh Yên, giáo viên tiếng Anh trường Trần Đại Nghĩa đi cùng đoàn, cho biết các học sinh tham gia chuyến học tập là những học sinh thuộc câu lạc bộ của trường và đều có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. 

Đây là chuyến thăm thứ hai của các học sinh Việt Nam và sự quan tâm của các cơ quan và doanh nghiệp địa phương càng gia tăng. Lần này, các doanh nghiệp Nhật Bản như Sapporo Beer, Royce’ Chocolate, Clubby Hotel, Wakasa Resort, Nhà hàng Matsuo Genghis Khan, cũng tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các bạn.

Sau chuyến đi, những dòng tâm sự, ôn lại kỷ niệm  vui chơi, học tập cùng nhau vẫn ngày ngày được nhắn gửi qua các mạng xã hội giữa các bạn học sinh Trần Đại Nghĩa và THPT Kaisei.

“Bạn Takayori Yasuda đã hứa với em sang năm sẽ tham gia đoàn giao lưu của trường sang Việt Nam” - bạn Nguyễn Phi Bảo khoe.

Tháng 8/2015 sắp tới, một nhóm học sinh Trần Đại Nghĩa sẽ tham gia Dự án nghiên cứu khoa học Sakura được chính phủ Nhật chi trả toàn bộ.

Năm ngoái, Cơ quan khoa học công nghệ Nhật Bản đã mời hơn 2.000 thanh thiếu niên tại 15 quốc gia châu Á tham gia dự án Sakura, trong đó Việt Nam có số lượng cao thứ hai sau Trung Quốc.

'Trai đẹp trên xe buýt' bất ngờ khi bỗng dưng nổi tiếng

Không chỉ sở hữu khuôn mặt điển trai, Minh Hoàng còn gây chú ý bởi cách ăn mặc cá tính cùng thành tích học tập tốt, hay tham gia các hoạt động xã hội.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150704/khi-hoc-sinh-viet-nam-di-hoc-lam-nong-dan-o-nhat/772134.html

Theo Trần Phương/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm