Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khí hư khi mang thai có màu bất thường cảnh báo điều gì?

Khí hư màu xanh vàng, nâu đen hoặc đỏ có thể là cảnh báo về những bất thường của thai nhi hoặc viêm nhiễm vùng kín ở bà mẹ.

Khi mang thai, cơ thể trải qua nhiều thay đổi như ngực nổi gân xanh, sưng, phù chân, tay, tăng cân, giãn tử cung và rạn da. Nhiều bà bầu gặp thêm tình trạng biến đổi màu khí hư (dịch tiết âm đạo).

Tăng dịch tiết âm đạo là dấu hiệu sớm cho thấy bạn mang thai. Nó sẽ xuất hiện trong suốt thời gian mang bầu. Khí hư có thể thay đổi về màu sắc, kết cấu, thể tích và số lượng.

Theo Bold Sky, trong một số trường hợp, màu sắc của khí hư cảnh báo sức khỏe thai phụ đang gặp vấn đề.

Nguyên nhân gây khí hư khi mang thai

Tiết dịch âm đạo là hiện tượng sinh học bình thường ở phụ nữ và thay đổi theo thời gian. Khí hư thường xuất hiện nhiều ở thời điểm trước kỳ kinh nguyệt. Với phụ nữ mang thai, dịch tiết âm đạo tăng là hiện tượng không đáng ngại. Nếu bình thường, khí hư thường màu trong hoặc trắng sữa, loãng, không có mùi khó chịu.

Nhiều phụ nữ nhận thấy tăng khí hư trong những tháng đầu thai kỳ. Điều này do nồng độ hormone estrogen cao hơn bình thường và những thay đổi ở cổ tử cung khi mang thai. Lượng dịch tiết âm đạo tăng lên trong suốt thai kỳ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tử cung, âm đạo.

Vào những tuần cuối thai kỳ, khí hư tăng nhiều và thường có màu hồng nhạt. Chất nhầy dính, có độ sệt như thạch, cho thấy bạn chuẩn bị chuyển dạ.

Khi hu co mau bat thuong anh 1

Khí hư là hiện tượng sinh học bình thường, có thể cảnh báo sớm bạn mang thai. Ảnh: Shutter Stock.

Cẩn trọng khi khí hư biến màu

Sự thay đổi màu sắc của khí hư là điều các bà mẹ nên chú ý, tránh chủ quan bởi đây là dấu hiệu cảnh báo sớm một số vấn đề về sức khỏe.

Màu trong hoặc trắng sữa: Đây là màu sắc bình thường của khí hư. Chúng có màu trắng sữa hoặc trong, loãng, có mùi nhẹ nhưng không hôi, khó chịu. Phụ nữ mang thai dưới 40 tuần nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu thấy dịch tiết âm đạo tăng lên và đặc như thạch. Sự thay đổi này có thể là dấu hiệu chuyển dạ sinh non.

Màu trắng, sần: Nếu khí hư tiết ra có màu đục, vón cục, đây có thể là dấu hiệu của hiện tượng nhiễm trùng nấm vùng kín. Tình trạng này thường gặp khi mang thai bởi sự thay đổi nội tiết tố dễ phá vỡ cân bằng pH của âm đạo. Các triệu chứng của nhiễm trùng nấm vùng kín gồm có ngừa, nóng rát, đau khi đi vệ sinh hoặc làm “chuyện ấy”.

Xanh hoặc vàng: Nếu khí hư có màu vàng xanh, rất có thể bạn bị nhiễm trùng lây truyền qua đường sinh dục (STIs). Nó bao gồm các bệnh như nhiễm trichomonas hoặc chlamydia. STIs có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ, ảnh hưởng thai nhi và bà mẹ.

Chlamydia và bệnh lậu nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ đau vùng chậu mạn tính và mang thai ngoài tử cung. Các trường hợp STIs còn lại nếu không được chữa sớm dễ dẫn tới nhiều tình trạng mạn tính như bệnh thần kinh, tim mạch, vô sinh.

Bà bầu nhiễm STIs sẽ gặp nhiều biến chứng như thai ngoài tử cung, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng mẹ và thai nhi.

Khi hu co mau bat thuong anh 2

Khí hư màu xanh, vàng có thể là dấu hiệu cảnh báo bà mẹ bị nhiễm trùng lây truyền qua đường sinh dục. Ảnh: Shutter Stock.

Nâu: Nếu khí hư có màu nâu, đây có thể là triệu chứng ban đầu cho thấy bạn đã mang thai. Hiện tượng này xảy ra khi máu cũ bị tống ra ngoài cơ thể và thường không phải dấu hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi khí hư chuyển màu nâu đen sậm, bạn nên đi khám.

Xám: Dịch tiết âm đạo có màu xám có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn (bacterial vaginosis - BV). Bệnh xảy ra do thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, làm tăng nguy cơ sẩy thai, chuyển dạ sinh non, viêm màng đệm. Bà mẹ bị bacterial vaginosis sau sinh có thể bị viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ.

Đỏ: Các nghiên cứu cho thấy từ 7 đến 24% phụ nữ bị chảy máu trong thời kỳ đầu mang thai. Nếu bị chảy máu nhiều kèm các huyết khối đông đặc, đau quặn bụng, bà mẹ nên đi khám ngay lập tức bởi đây là cảnh báo sớm của hiện tượng sẩy thai.

Hồng: Màu sắc này của khí hư là hiện tượng bình thường. Nó thường xuất hiện vào những tuần cuối của thai kỳ, khi cơ thể chuẩn bị chuyển dạ.

Thông thường, trong thời gian mang thai, cổ tử cung luôn đóng kín và được bịt bởi nút nhầy. Đây là hàng rào vững chắc ngăn mọi tác nhân từ âm đạo xâm nhập buồng trứng. Khi có dấu hiệu sắp sinh, dưới tác dụng của cơn gò tử cung, nút nhầy thoát ra. Nó hòa lẫn cùng các máu tạo ra do vỡ một số mao mạch trên cổ tử cung, từ đó tạo thành dịch nhầy màu hồng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể là cảnh báo hiện tượng sẩy thai. Do đó, bà mẹ cần theo dõi và khám thai định kỳ.

Phòng tránh các bệnh sinh dục khi mang thai

Khí hư có màu bất thường phụ thuộc nhiều nguyên nhân. Nhiễm trùng nấm vùng kín có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm. Viêm âm đạo do vi khuẩn thường chữa bằng thuốc kháng sinh. Các bệnh lây nhiễm qua đường sinh học (STIs) cũng điều trị bằng cách tương tự.

Để phòng tránh các vấn đề liên quan viêm nhiễm vùng khi mang thai, bà bầu nên giữ sạch sẽ và khô thoáng. Bạn nên mắc đồ lót bằng vải cotton, thay ít nhất 2-3 lần/ngày để tránh tích tụ vi khuẩn. Khi vệ sinh vùng kín, bạn nên chọn xà bông hoặc dung dịch không mùi, lành tính, không nên thụt rửa hay chất có mùi.

Bà bầu cũng nên ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng, tăng cường các thực phẩm giàu probiotics. Sau khi quan hệ, bạn nên làm sạch vùng kín bằng cách lau từ trước ra.

Dấu hiệu nhận biết sản phụ bị băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là biến chứng nguy hiểm. Nếu không được xử lý đúng cách, tình trạng này có thể khiến sản phụ bị tụt huyết áp, sốc mất máu, thậm chí tử vong.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm