Bộ Công an vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp) đối với tài sản là bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu... của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân liên quan vụ thao túng chứng khoán.
Vậy, khi nào cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản? Thời hạn tạm dừng biến động là bao lâu?
Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư Hà Nội
Đối với vụ án thao túng chứng khoán liên quan đến nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân, việc Bộ Công an đề nghị tạm dừng biến động đối với các loại tài sản trên là biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Động thái trên căn cứ Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015, Điều 5 và Điều 168 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Điều 111 và Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 66 và 69 Luật Thi hành án Dân sự 2008 (sửa đổi bổ sung 2014).
Khi có những đề nghị như trên từ cơ quan điều tra, các cơ quan có chức năng thực hiện việc đăng ký giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với các tài sản như bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu... như Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ xem xét việc đóng băng các giao dịch.
Vùng biển ở Quảng Ngãi, nơi Tập đoàn FLC từng dự kiến triển khai dự án. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tạm dừng biến động tài sản chính là một biện pháp tư pháp được áp dụng để phong tỏa, kê biên, ngăn chặn các hành vi trốn tránh nghĩa vụ bồi thường, tẩu tán tài sản, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trong các vụ án hình sự và dân sự. Mục đích để đảm bảo cho hoạt động thi hành án về sau.
Trong các vụ án hình sự nói chung và vụ thao túng chứng khoán liên quan ông Trịnh Văn Quyết nói riêng, thời hạn tạm dừng biến động tài sản được áp dụng cho đến khi cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết xong vụ án, hoặc giải quyết xong các yêu cầu của đương sự, hoặc khi thấy các quyết định tạm dừng là không có căn cứ, không đúng, không còn cần thiết.
Theo quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức chỉ bị áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản khi họ đang là người bị bắt, là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự; là đương sự như nguyên đơn, bị đơn, người liên quan trong vụ án dân sự.
Trong vụ án liên quan đến nguyên chủ tịch tập đoàn FLC, việc cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị tạm dừng biến động tài sản của ông Quyết và một số cá nhân để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án. Mục đích nhằm tránh tẩu tán, chuyển dịch tài sản vi phạm. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố hôm 29/3 về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Mở rộng vụ án, nhà chức trách bắt thêm 4 lãnh đạo, nhân viên FLC với cáo buộc giúp sức cho ông Quyết. Trong đó có 2 em gái của ông này.
Theo điều tra, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1, ông Quyết chỉ đạo nhiều cá nhân và công ty con, công ty vệ tinh thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả, đẩy giá chứng khoán tăng. Sau đó, ông Quyết giao người thân khớp lệnh bán chui cổ phiếu với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 530 tỷ đồng.