Trao đổi với Zing sáng 16/5, Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nghị quyết rút tên ứng cử viên Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Theo bà Thanh, ông Tuấn đã có đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội vì nhiều lý do, trong đó có lý do sức khỏe.
Theo một nguồn tin của Zing, việc ông Tuấn xin rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội còn liên quan đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang làm rõ những vi phạm xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong giai đoạn ông Tuấn giữ chức Giám đốc, khởi đầu là việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt 7 bị can để tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ trường hợp của ông Tuấn, nhiều người đặt câu hỏi về việc khi nào ứng viên buộc phải rút tên khỏi danh sách đại biểu?
Theo Điều 60 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, người có tên trong danh sách ứng cử chính thức, đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xóa tên họ khỏi danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đối với những người ứng cử đại biểu HĐND mà không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 60 luật này, Ủy ban bầu cử sẽ thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trước khi xóa tên họ khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND.
Ngoài ra, Khoản 5, Điều 30 luật này cũng quy định về trường hợp xóa tên khỏi danh sách cử tri.
Theo đó, người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.