Khi sinh viên đi vỗ tay thuê kiếm 'cơm'
Thế gian có chán vạn nghề kiếm cơm kỳ lạ, nhiều bạn sinh viên cũng tìm đến việc nghe có vẻ buồn cười: Nghề vỗ tay thuê!
Sở hữu một gương mặt ưa nhìn, một vóc dáng cân đối, một sự hoạt bát tương đối và có cái "cầu" từ một người giới thiệu… Thế là bạn đã có thể kiếm tiền từ nghề này rồi!
Đã vui lại còn… có tiền
Nếu như trước đây, những công việc được các bạn sinh viên ưu tiên hàng đầu là: Gia sư, bán hàng... thì giờ đây, sự lựa chọn ấy đã khác. Những năm gần đây, khi các kênh truyền hình từ TW tới địa phương có thêm nhiều chương trình gameshow, nghề "vỗ tay thuê" đã ra đời.
Thông thường, khi tổ chức một chương trình xã hội hay một gameshow nào đó, "nhà đài" đều phát vé cho người thân của những người chơi, người tham gia đến trường quay để cổ vũ song họ vẫn cần đến đội ngũ những người "vỗ tay thuê" để tạo không khí. Đó là những người khuấy động cho không gian náo nhiệt, tưng bừng, rộn ràng lên trong các phòng quay, các hội trường, kiểu như nghề hoạt náo viên ở các quốc gia phát triển vậy!
Tuy nhiên, để được "thuê" vỗ tay cũng không phải dễ. Lan Hương, sinh viên năm thứ 2 - ĐH KHXH&NV chia sẻ: "Mình tìm đến với nghề này qua một người bạn làm trong đài truyền hình TW giới thiệu. Mình thích công việc này không chỉ vì kiếm thêm thu nhập mà còn vì có thể gặp được thần tượng của mình ở những gameshow". Chưa kể, Lan Hương cũng có sở thích rất giống nhiều bạn trẻ khác là "được xuất hiện trên truyền hình".
Nghề "vỗ tay thuê" cho gameshow đang được các bạn sinh viên lựa chọn. (Ảnh: Internet) |
Đó cũng là lý do để các bạn trẻ lựa chọn, dù rằng "nghề" này về cơ bản thu nhập không cao: Chỉ từ 50.000 đồng - 70.000 đồng cho một buổi quay. Chưa kể, ngoài việc cần có người quen giới thiệu thì để được lựa chọn "thuê" đi vỗ tay cũng phải đáp ứng một số yêu cầu của nhà đài như: Gương mặt và ngoại hình khá, tính tình vui vẻ, sôi nổi, càng hoạt bát càng tốt.
Thu Ngân sinh viên Học viện Ngân hàng chia sẻ: "Ban đầu cũng ngại nhưng nghĩ được lên hình, được nhiều người nhìn thấy trên tivi thì cũng thích nên thử xem sao. Lâu dần thành quen, ít đi vỗ tay lại thấy... nhơ nhớ". Thu Ngân cho hay sau một thời gian đi "vỗ tay thuê", hiện cô đã trở thành một ứng viên quen thuộc của các gameshow rồi. Chưa kể, Thu Ngân còn đảm nhiệm thêm cả việc tìm kiếm "nguồn", tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn sinh viên khác nữa.
Còn đối với Thanh Hưng, sinh viên ĐH KHTN thì khác: "Mình đi làm vì tiền và hơn nữa là vì muốn trực tiếp xem mặt các MC dẫn chương trình, các ca sĩ, diễn viên mà mình yêu thích". Mỗi bạn trẻ một suy nghĩ khi tìm đến với công việc "vỗ tay thuê". Thế nhưng tựu trung lại, vừa được chơi mà lại có thêm thu nhập nên đó vẫn là nghề đang được giới trẻ lựa chọn.
Kiếm cơm cũng lắm gian nan
Tuy nhiên, hầu hết các "vỗ tay viên" khi được hỏi cũng đều cho rằng, "nghề" này cũng có những cái "bạc" của nó. Không phải mọi thứ đều thuận lợi, cứ đến vỗ tay là được tiền và vui! Không phải, cứ có mặt là được quay, được lên hình... Có những show diễn ra trong một thời gian rất dài, được quay đi quay lại nhiều lần nên các "vỗ tay viên" phải ngồi cả buổi, thậm chí cả ngày để quay cho xong.
Thu Trang, sinh viên ĐH Công đoàn Hà Nội, chia sẻ: "Nếu không có sự đam mê và kiên trì thì khó lòng mà theo được công việc này lâu dài. Ngày nào cũng công việc ấy, có ngày vài game giống nhau. Có khi mệt phờ người vẫn phải vỗ tay, vẫn phải cười". Mà nghề "vỗ tay thuê" cũng bận không kém các ca sĩ, diễn viên. Họ cũng phải "chạy show" thật nhiều thì mới mong kiếm được nhiều tiền.
Chuyện chờ dài cổ là chuyện thường ngày của công việc này. Có ngày các "vỗ tay viên" đến rồi chờ tới 4-5 tiếng vì những trục trặc về kỹ thuật, về sân khấu hay về người chơi. Thậm chí có khi phải đi đi lại lại tới mấy bận, chờ đợi hàng buổi mới được... ra vỗ tay!
Thanh Hưng, sinh viên ĐH KHTN, nhớ lại "Có vài lần mình phải quay cả ngày, nhà đài có cho ăn nhưng cũng không nhiều, mà khi quay phải ngồi im lìm, không được dùng điện thoại. Nghĩ cũng nản! Ban đầu hào hứng thôi, sau rồi mình cũng chán".
Hưng cho biết, đối với công việc này, nhà đài chỉ chi trả theo game, ngoài ra không hỗ trợ bất kỳ một khoản nào. Mà đa số các bạn vì cho là được xuất hiện trên truyền hình nên khâu chuẩn bị trang phục rất chu đáo, rồi lại còn phấn son, nước hoa nữa. Thế nên, có game quay xong, nhận được tiền thù lao từ đài về mang ra tính toán thì... lỗ vốn!
"Nhiều người tự hỏi tại sao chương trình gameshow này lại thu hút nhiều người đến xem vậy? Hay tại sao mọi người lại vỗ tay hào hứng vậy, đúng nhịp vậy? Tất cả những cái đó đều là nhờ công việc "vỗ tay thuê" của bọn mình đấy. Đây là công việc không nặng nhọc mà rất vui, vừa có thêm thu nhập lại vừa tạo cho mình bước đầu tiếp cận với nghề nghiệp sau này nữa". - Thu Quế (sinh viên Đại học KHXH&NV Hà Nội) |
Theo Giadinhnet