Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi trẻ vị thành niên ghiền Facebook

Mới đây, các giảng viên khoa tâm lý - giáo dục ĐH Sư phạm TP HCM khảo sát 600 trẻ vị thành niên thì có hơn 97% trẻ đang sử dụng Facebook.

Trong đó có 94,4% trẻ đang rơi vào xu hướng ghiền, ghiền nhẹ, ghiền vừa và ghiền nặng. Bên cạnh những mặt lợi thì Facebook (FB) cũng đang khiến nhiều bạn trẻ bị nhiễm từ ngữ lóng, ăn nói thô tục, sa sút học tập và sao nhãng việc nhà.

Một nhóm bạn trẻ sử dụng điện thoại hầu hết đều online Facebook khi đi chơi tại công viên 30/4, quận 1, TP HCM, chiều 18/10.
Một nhóm bạn trẻ sử dụng điện thoại hầu hết đều online Facebook khi đi chơi tại công viên 30/4, quận 1, TP HCM, chiều 18/10.

Tranh vui: Những kiểu sống ảo của giới trẻ

Nhận sao Hàn là bạn trai, ghép mặt vào thân hình người khác, đăng ảnh iPhone 6S bị vỡ nát... là phong cách thường thấy của các bạn trẻ thích nổi tiếng.

Không thể sống thiếu Facebook

Thạc sĩ tâm lý Mai Mỹ Hạnh, giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết: “Sử dụng FB quá mức dẫn đến ghiền FB đang dần trở nên đáng báo động. Hành vi ghiền FB thật sự ảnh hưởng tiêu cực và xã hội, nhà trường cùng gia đình hết sức lo lắng”.

Khảo sát cũng cho thấy có đến 276 trẻ vị thành niên, chiếm 65% (15-18 tuổi), cho rằng “FB là một trong những trang giải trí hàng đầu hiện giờ của trẻ vị thành niên”.

Cũng theo một kết quả khảo sát từ phụ huynh cho biết có đến 34,3% con em mình xem FB là trang giải trí hàng đầu hiện nay. Từ đó cho thấy trẻ vị thành niên rất có hứng thú với FB, ưu tiên lựa chọn trang mạng xã hội FB để giải trí mặc dù có rất nhiều trang mạng xã hội và những kênh giải trí khác.

Em N.H.T., học sinh lớp 7 trường THCS Cầu Kiệu (Phú Nhuận), hồn nhiên trả lời: “Em không thể sống thiếu FB. Một ngày em thường lên FB gần như 24/24 giờ. Em thường lên để chat với bạn em. FB có nhiều cái xấu mà cũng nhiều cái tốt. Cái xấu là nhiều người lớn chia sẻ những ảnh bậy bạ, nhiều bạn đăng FB rủ đánh lộn, nói sốc nhau và gửi clip chửi nhau tùm lum”.

Còn N.T.U., học sinh khác trường THCS Cầu Kiệu, thừa nhận: “Một ngày em vào FB khá nhiều, những lúc rảnh là em vào FB, cái hại của FB là có những bạn lên đó sống ảo, rồi đăng những cái bậy bạ lên. Có những lúc em cũng phải lên đó để xem ai chửi mình”.

“Một ngày tôi thường vào FB trên 10 giờ, rảnh lúc nào là lên liền. Lên để chat với bạn bè và chia sẻ những cảm xúc của mình, đăng những ảnh mình đi chơi cho mọi người cùng biết cùng chung vui, khi nào buồn thì đăng để chia sẻ tâm trạng” - Nguyễn Thị Thúy Hằng, sinh viên ĐH Lao động xã hội, chia sẻ.

Xao nhãng học hành, nhiễm từ “thô tục”

Từ kết quả nghiên cứu còn cho thấy: đối với giới trẻ hiện nay, FB chính là niềm vui, nỗi buồn và là niềm đam mê chính “tìm hiểu xã hội”.

Ông Võ Văn Quang (quận 10) cho biết: “Việc chơi FB của con là xu hướng của giới trẻ, nên mình vẫn cho trẻ chơi nhưng phải kiểm soát tác dụng của nó như thế nào, phải giới hạn thời gian”.

Ông Trần Quang Minh, phụ huynh một học sinh, nói: “Tôi nhất quyết không cho con chơi FB. Nếu sử dụng đúng mực thì nó có nhiều mặt tốt, còn lạm dụng quá thì ảnh hưởng đến việc học hành”.

Tuy nhiên khi lạm dụng thái quá sự đam mê ấy lại trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến học tập. Thực tế cho thấy có nhiều trẻ vị thành niên mê FB đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học hành. Nhiều trẻ vị thành niên sau khi quay lại bàn học vẫn lưu luyến FB mà không thể tập trung được.

Chị N.T.H., phụ huynh em T.V.T., cho biết: “Nhiều lúc có chuyện, khi cần con phụ giúp phải kêu năm lần bảy lượt mới chịu đi. Tôi bực mình quá nên tới xem con làm gì mà say mê với máy vi tính như vậy thì thấy con đang chat với bạn trên FB”.

Bạn N.H.P., học sinh lớp 8, thừa nhận: “Từ khi lên FB nhiều em cảm thấy việc học của mình ngày càng sa sút. Nhiều khi em không muốn lên, nhưng dường như một ngày mà không lên nó làm sao ấy. Nhiều lúc thức đêm mình muốn ngủ nhưng mấy bạn cứ nhắn tin hoài nên em trả lời, cứ thế thời gian qua nhanh lắm, có khi đến 3-4h sáng”.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm khác khi trẻ vị thành niên sử dụng FB là lời nói và từ ngữ không phù hợp. Trẻ có xu hướng sử dụng từ “lóng”, từ thô tục, từ liên quan đến giới tính, tình dục mà trẻ ít dám sử dụng trong đời sống hằng ngày. Với ý nghĩ có thể tự do viết những gì mình thích mà không bị kiểm soát, trẻ vô tư chia sẻ và bình luận bằng những từ ngữ đó.

“Các em cần có cha mẹ, thầy cô định hướng trong việc lựa chọn những kênh giải trí nhằm giúp chọn lựa các loại hình phù hợp, góp phần hình thành cũng như phát triển được những đặc điểm tâm lý của trẻ vị thành niên” - thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh nhận xét.

Thế nào là ghiền FB?

- Chưa đủ dấu hiện ghiền: có khả năng điều phối thời gian cho việc học hành, công việc, cuộc sống gia đình cùng các việc cá nhân khác hợp lý.

- Có xu hướng ghiền: Thời gian sử dụng mạng xã hội FB có thể kéo dài hơn lúc trước, nhưng công việc và học tập phần lớn vẫn được kiểm soát. Ở giai đoạn này, nếu có sự giáo dục và quan tâm hợp lý, người sử dụng vẫn có những thay đổi rất tích cực để không chuyển sang giai đoạn ghiền nhẹ.

- Ghiền nhẹ: Dần trở nên thích thú hơn với mạng xã hội FB.

- Ghiền vừa: Xuất hiện những biểu hiện bất thường như giận dữ, căng thẳng, thậm chí trầm cảm khi không thể vào được FB, sức khỏe giảm sút từ việc thức khuya liên tục, sụt cân, mệt mỏi.

- Ghiền nặng: Không thể kiểm soát hành vi của mình, cuộc sống hầu như phụ thuộc vào FB, xuất hiện những hành vi lệch chuẩn để thỏa mãn “cơn khát” như ăn trộm tiền bạc, sa chân vào các con đường phạm pháp, tự sát...

Biểu hiện hành vi ghiền FB trong chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ vị thành niên (theo kết quả khảo sát)

1. Vừa ăn vừa sử dụng FB.

2. Thức khuya để sử dụng FB.

3. Dùng bữa qua loa.

4. Đình trệ việc sinh hoạt cá nhân để tiếp tục sử dụng FB.

5. Đảo lộn trật tự sinh hoạt thường ngày.

Các hành vi sử dụng FB của trẻ vị thành niên (theo kết quả khảo sát)

1. Sử dụng những từ ngữ thô tục khi “comment”.

2. Nói dối với gia đình và người thân để sử dụng FB.

3. Giận hoặc cáu gắt khi ba mẹ không cho sử dụng FB.

4. Tham gia các nhóm phản động, nhóm sex...

5. Bịa đặt câu chuyện để câu “like”.

6. Xúc phạm những người mình không thích trên FB.

7. Hẹn gặp mặt để “tính sổ” về một sự việc trên FB.

8. Vô lễ với người lớn trên FB.

9. Đăng clip và hình ảnh không lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi.

10. Đăng hình không kín đáo của bản thân.

Mạng xã hội có phải thứ vi trùng gớm ghiếc?

Tiêm nhiễm cái xấu, xét cho cùng lỗi ở chính bản thân mình. Riêng với tôi, Facebook thật tuyệt vời.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151019/khi-tre-vi-thanh-nien-ghien-facebook/987463.html

Theo Chế Thân - A. Thoa/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm