Nguyễn Trà Giang (sinh năm 1994, TP Thủ Đức, TP.HCM) vừa đi làm trở lại sau 9 ngày tự điều trị Covid-19 tại nhà. Cô hiện còn triệu chứng ho nhẹ và khó ngủ về đêm.
Chia sẻ với Zing, Giang cho biết mình có thể nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc, tuy nhiên vào một số thời điểm trong ngày vẫn cảm thấy đau đầu, không thể nói to, thở nông và chỉ muốn nằm ngửa để dễ thở.
"Nhiều lúc tôi phải chạy vào nhà vệ sinh đứng vì không chịu được khí lạnh điều hòa trong văn phòng. F0 khỏi bệnh như tôi còn thấy mệt, những người đang mắc bệnh mà đi làm e sẽ không trụ được", Giang nói.
Nhiều F0 vẫn mệt mỏi, căng thẳng tâm lý hậu Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
F0 than khó
Ngày 5/3 vừa qua, trước bối cảnh ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao, Bộ Y tế có đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly.
Theo đó, F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (7 ngày từ ngày dương tính và chưa âm tính), được tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Với F1 chưa tiêm đủ liều vaccine, Bộ Y tế đề xuất cho phép tham gia công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Trà Giang không mấy đồng tình với đề xuất này.
"Sau mấy ngày ở nhà, tôi rất mệt khi phải ra đường, nghe tiếng còi xe là 'inh tai nhức óc'. Tôi đang tính xin sếp cho nghỉ phép để ở nhà thêm, chấp nhận giảm thu nhập, chứ tình hình thế này đi làm không nổi", cô bày tỏ.
Trà Giang tốn gần một triệu đồng để mua các loại thuốc trong quá trình điều trị Covid-19. Ảnh: Trà Giang. |
Còn đối với Trần Phương Linh (sinh năm 1998, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), F0 làm việc dường như là "quy định bất thành văn" tại công ty mình.
Nhận thông báo dương tính nCoV, cô báo cáo với cấp quản lý để xin ở nhà tự điều trị. Cô được yêu cầu bàn giao lại "job" gặp gỡ khách hàng cho đồng nghiệp nhưng phải đổi lại nhiệm vụ xử lý giấy tờ, báo cáo tại nhà.
Theo Linh, tại công ty cô, mỗi nhân sự đều có thể tự do làm dự án của mình trong thời gian tùy ý (khoảng vài ngày) miễn sao là kịp tiến độ. Do vậy, khi dương tính, từng F0 phải tự cân đối thời gian nghỉ và làm chứ không được bỏ dở công việc.
"Ví dụ, 'job' của tôi được giao hạn 4 ngày làm việc, tôi có thể ngủ cả một ngày nhưng đêm dậy làm, hoặc chơi 2 ngày đầu tiên và chỉ làm trong 2 ngày cuối, làm gì cũng được nhưng phải hoàn thành kịp deadline. Có lẽ do tính chất công việc của chúng tôi linh hoạt nên sếp vẫn yêu cầu làm", Linh chia sẻ.
Ban đầu, Linh cho rằng mình có thể sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng khi cơn sốt cao kéo dài đến ngày thứ 3 kèm theo tình trạng ho, khó thở, cô đành cuống cuồng nhờ đồng nghiệp "gánh" giúp phần việc còn lại.
"Hiện tại, tôi đã ở nhà điều trị được 5 ngày nhưng vẫn chưa âm tính. Tôi ho liên tục, mỗi lần ho là đau váng đầu óc, cổ họng rát. Nếu phải đi làm với tình trạng này, tôi sẽ khiến mọi người áp lực với chính tiếng ho khan dồn dập của mình", cô thở dài.
Phương Linh xét nghiệm đến 2 lần, que test mới hiện rõ 2 vạch đỏ khẳng định dương tính. |
Khác với Phương Linh, F0 Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 1993, quận Hà Đông, Hà Nội) phải làm việc online ở nhà nhưng đó là điều cô lựa chọn bởi thấy tình hình sức khỏe khả quan, đồng thời không muốn gián đoạn thu nhập.
Trước đề xuất F0, F1 làm việc bình thường, Lan Anh cho rằng "có phần hợp lý".
Theo cô, việc F0 làm việc không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì tính ổn định trong bộ máy hoạt động mà còn tránh làm phiền đến đồng nghiệp. Cô rất ngại nếu mình xin nghỉ dài ngày mà đồng nghiệp phải "gánh" khối lượng công việc nhiều hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Ngoài ra, làm việc cũng giúp F0 có cơ hội vận động cơ thể hoặc trí óc, đỡ rơi vào trạng thái ì ạch, mệt mỏi do nằm nhiều.
"Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất công việc và đặc biệt là tình hình sức khỏe của F0. Tôi may mắn không kéo dài triệu chứng bệnh, cộng theo đó là tâm lý khá tích cực nên vẫn muốn làm việc. Nhưng tôi biết nhiều F0 khác không được như vậy. Họ không những sốt lịm người, khó thở mà còn căng thẳng, bí bách trong lòng. Như thế thì đâu thể làm việc được", Lan Anh bày tỏ.
Cô cũng khẳng định rằng trong trường hợp chẳng may tái nhiễm Covid-19, sức khỏe đảm bảo, cô vẫn sẽ làm việc tại nhà. Nhưng điều này nên xuất phát từ mong muốn cá nhân cũng như điều kiện từng thời điểm. Nếu việc F0 đi làm trở thành quy định bắt buộc, cô sẽ không còn thoải mái làm việc
"Nếu yếu và mệt quá, tôi đành xin nghỉ hoàn toàn để điều trị bệnh, quyết không đi làm. Trong Luật Lao động có quy định rõ ràng về số ngày nghỉ phép, nghỉ ốm dành cho người lao động nên tôi chắc chắn sẽ không công ty nào có thể bắt buộc F0, F1 đi làm nếu sức khỏe của họ không tốt", cô nói thêm.
Nhiều bệnh nhân phải tìm đến cơ sở y tế khám các triệu chứng hậu Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Quản lý muốn 'linh hoạt'
Trong khi đó, từ góc độ quản lý, không ít đơn vị và doanh nghiệp cho rằng đề xuất cho phép F0, F1 làm việc bình thường có tính khả thi, nhưng cần áp dụng tùy thuộc mô hình kinh doanh và tình trạng sức khỏe của tập thể.
Như Đỗ Hoàng Anh, quản lý một nhà hàng tại quận 1, TP.HCM, cho rằng nhân sự của anh buộc phải làm việc trực tiếp do đặc thù dịch vụ. Nếu F0, F1 đi làm, kể cả tại vị trí hậu cần như bếp hay nhà kho, điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm ăn uống của thực khách.
"Theo tôi, đề xuất này chỉ có thể áp dụng ở một số môi trường ít tiếp xúc khách hàng như văn phòng, nhà máy, xí nghiệp hoặc làm việc online. Còn như đối với nhà hàng, quán ăn như chúng tôi, nếu biết có nhân viên là F0, F1, khách hàng sẽ 'bỏ chạy' mất", anh chia sẻ.
Công ty du lịch của Quyết bước vào giai đoạn bận rộn sau dịch, tuy nhiên gặp một số khó khăn do nhân sự nhiễm bệnh khá đông. |
Nguyễn Quyết, giám đốc một công ty du lịch và một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội, lại cho biết nếu đề xuất F0, F1 đi làm chính thức được thông qua, anh sẽ nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, điều này phải dựa trên tình hình sức khỏe cũng như nguyện vọng của từng nhân sự.
"Quan điểm của tôi là quy định nào cũng cần phải thích ứng, thích nghi linh hoạt với hoàn cảnh. Nếu nhà nước ban hành quy định nêu trên, chúng tôi sẽ lên phương án sắp xếp lại bàn ghế, vị trí ngồi làm việc cho các nhân viên để đảm bảo giãn cách an toàn. Nhưng điều này phải được sự đồng thuận của số đông nhân sự. Tôi không muốn vì chủ quan mà gây lây lan virus sang những người chưa mắc bệnh", anh bày tỏ.
Quyết cho biết hiện tại các đơn vị anh quản lý có khá nhiều nhân sự là F0, hầu hết đều chỉ ở thể nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà. Anh chủ động cho phép tất cả nhân sự này tạm nghỉ việc để yên tâm điều trị cho đến khi khỏi bệnh, bàn giao công việc cho đồng nghiệp làm thay.
Một số nhân viên trong giai đoạn điều trị, cách ly nhưng có sức khỏe tốt vẫn làm việc online, giúp công ty duy trì tiến độ công việc.
Theo Quyết, việc F0, F1 làm việc khi mắc bệnh là một phương án có thể xem xét. Điều này giúp doanh nghiệp không bị ùn tắc hoạt động, có thể giải quyết nhiệm vụ nhanh và thuận lợi hơn.
"Nhưng thú thật, tôi vẫn khá hoang mang không biết phải đánh giá sức khỏe của nhân viên trên tiêu chí gì để kêu gọi họ đi làm. Mỗi người có thể trạng khác nhau, sau 7 ngày dương tính không phải ai cũng có thể hồi phục. Do vậy, tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng cần đặt sức khỏe và nguyện vọng của nhân viên lên hàng đầu. Quy định yêu cầu các bạn làm việc nhưng sức khỏe không thể đáp ứng, tôi vẫn khuyên các bạn ở nhà nghỉ ngơi, ưu tiên bản thân mình. Bộ máy không thể ngừng hoạt động nếu thiếu vài nhân sự trong ít ngày", anh cho hay.