Mỗi năm, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tiếp nhận khoảng 800 nạn nhân bị rắn độc cắn. Một số người may mắn qua cơn nguy kịch nhưng lại đột tử vì viêm cơ tim.
"Đó là sự đau xót rất lớn với chúng tôi", tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ với Zing.
Không có huyết thanh, khó giữ mạng sống cho nạn nhân
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết hiện trong kho dự trữ huyết thanh của bệnh viện gần như cạn kiệt huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa. Trong khi đó, huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp chỉ còn 9 lọ.
Tại Việt Nam, các loại huyết thanh đơn giá hiện có là kháng nọc rắn lục đuôi đỏ, hổ đất. Huyết thanh đa giá gồm có kháng nọc rắn hổ chúa, cạp nong, cạp nia, chàm quạp. Huyết thanh kháng nọc rắn hổ lửa (hay hoa cổ đỏ, rắn học trò) và rắn hổ mèo chưa có.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng chia sẻ huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa rất khó sản xuất. Vì vậy, Việt Nam phải nhập từ các nhà cung cấp ở Thái Lan.
Do diễn biến của dịch Covid-19 từ năm 2020, vấn đề nhập huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, đơn vị sản xuất huyết thanh cũng dừng sản xuất vì ảnh hưởng của dịch.
Người phụ nữ ở Đắk Nông bị rắn hổ chúa cắn qua cơn nguy kịch nhờ được đặt máy tạo nhịp sớm kết hợp truyền huyết thanh sau 2 ngày nhập viện. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Trước đây, khi số lượng còn dồi dào, các bác sĩ sẽ dùng huyết thanh đến khi bệnh nhân hết rối loạn đông máu và kết hợp truyền máu. Hiện tại, khi có người bị rắn độc cắn, các bác sĩ phải sử dụng huyết thanh rất dè dặt và cân đối phương tiện điều trị hỗ trợ.
"Không có huyết thanh thì chúng tôi vẫn cứu được người bệnh nhưng tỷ lệ giữ được mạng sống khá thấp", tiến sĩ Hùng nói.
Hiện tại, người bệnh được điều trị hỗ trợ bằng biện pháp truyền máu. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp biến chứng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng bệnh viện trong thời gian đặt các loại máy, nuôi ăn đường tĩnh mạch... tại phòng hồi sức. Thời gian thở máy lúc này có thể lên đến 2-3 tuần.
Nếu được sử dụng huyết thanh, thời gian thở máy của bệnh nhân chỉ 24-48 tiếng. Trường hợp được sử dụng huyết thanh sớm, bệnh nhân tránh được nguy cơ rơi vào tình trạng liệt, thở máy.
Biện pháp điều trị chưa có trong phác đồ
Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, trường hợp bị rắn lục cắn chiếm đa số, tiếp theo là các loài khác như chàm quạp, hổ đất, hổ mèo, cạp nong và cạp nia.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết người bị rắn hổ chúa cắn sẽ xuất hiện liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong. Nọc rắn tác động và gây hai biểu hiện nặng nhất là liệt cơ hô hấp và hoại tử. Bên cạnh đó, chất độc này cũng gây tổn thương tạng, viêm cơ tim, suy thận, suy gan...
Trước đây, khi bệnh nhân bị rối loạn nhịp, người ta sử dụng các loại thuốc trợ tim, chống rối loạn nhịp để điều trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị đột tử do rối loạn nhịp khiến tim ngừng đập. Dù bệnh nhân được sử dụng huyết thanh kháng nọc, nguy cơ này cũng không giảm.
Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ở Tây Ninh qua tình trạng nguy kịch và được xuất viện sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Trong tình cảnh này, các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới mạnh dạn ứng dụng biện pháp chưa được ghi nhận trong các phác đồ điều trị. Đó là một máy tạo nhịp được đặt thẳng vào buồng tim bệnh nhân để khống chế nhịp tim. Điều này, thuốc thông thường không làm được.
"Chúng tôi áp dụng máy tạo nhịp với 2-3 bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn và giúp họ thoát khỏi tình trạng viêm cơ tim. Một bệnh nhân ngưng tim đến 14-15 lần trong ngày, nếu không có máy tạo nhịp, có lẽ người này đã tử vong từ lâu", tiến sĩ Hùng nói.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn hiệu quả đối với các trường hợp nhiễm độc nặng gây biến chứng suy thận, suy gan, phải sử dụng nhiều máy móc. Bởi tình trạng này sẽ làm tăng áp lực tim, trong khi cơ quan này vốn đã rất yếu ớt.
"Trước đây, phương pháp này được áp dụng với bệnh nhân bị rối loạn nhịp như cứu cánh cuối cùng. Sau đó, chúng tôi rút kinh nghiệm là đặt máy tạo nhịp ngay từ đầu, khi bệnh nhân chỉ có rối loạn nhẹ. Điều này giúp người bị rắn độc cắn thoát bệnh cảnh nghiêm trọng và thêm cơ hội sống", ông nói thêm.
Trường hợp đầu tiên được áp dụng phương pháp này là người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ở Tây Ninh.
"Trong đêm đầu nhập viện, tình trạng người này rất nặng, tiên lượng tử vong cao. Chúng tôi đặt máy tạo nhịp với hy vọng rất mong manh. May mắn, bệnh nhân hồi phục ngoạn mục. Chúng tôi tiếp tục áp dụng cho những bệnh nhân sau này, giúp 3 người thoát chết", tiến sĩ Lê Quốc Hùng kể lại.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổng kết những trường hợp được điều trị bằng phương pháp này để gửi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tạp chí chuyên ngành về điều trị ngộ độc trên thế giới.