Vài tuần trước, tôi cảm thấy lo khi hàng nghìn người dân tụ tập ở Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) để tiêm vaccine Covid-19. Những ngày gần đây, tôi cảm thấy sợ hơn khi người dân chen chúc nhau để kiểm tra sàng lọc Covid-19 theo chiến lược xét nghiệm toàn thành phố tìm F0.
Ý tưởng hay nhưng khó thực hiện
Việc xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng (vài triệu người) tìm người nhiễm virus trong cộng đồng để cách ly, điều trị và giảm lây truyền virus là một ý tưởng hay nhưng rất khó thực hiện. Đến nay, hai nơi đã thực hiện việc này là Slovakia và Liverpool (Anh) vào khoảng 11/2020. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong đợi, các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Những "cái khó" để ý tưởng này thành sự thật là:
Kết quả xét nghiệm chỉ cho thấy kết quả của một thời điểm. Người được xét nghiệm có thể nhiễm sau đó. Sự tương tác liên tục giữa vài triệu người trong một cộng đồng là điều không thể tránh khỏi trong quá trình kiểm tra. Để có một bức tranh thật giống với thực tế tại thời điểm nào đó, chúng ta phải test cho khoảng hàng triệu người trong thời gian rất ngắn. Điều này khó thực hiện vì bị giới hạn về lượng nhân viên y tế, hóa chất, thiết bị...
Bên cạnh đó, khi chúng ta làm với số lượng mẫu càng lớn, sai số càng cao. Bởi nhân viên y tế phải thực hiện quá nhiều mẫu, áp lực về thời gian và thậm chí phải sử dụng những người không lành nghề.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Địa điểm thực hiện xét nghiệm sàng lọc phải đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, không gian đủ rộng, thông thoáng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thiết lập hệ thống đặt hẹn cho từng người để đảm bảo số lượng đến những trung tâm này không quá tải. Người dân cần đảm bảo giữ khoảng cách, giảm thiểu lây nhiễm chéo giữa những người đến xét nghiệm.
Hiện nay, không có loại test nào có thể đảm bảo chính xác 100%. Đặc biệt các test nhanh (biết kết quả trong vòng 30 phút) có độ nhạy và độ đặc hiệu kém hơn rRT-PCR.
Dữ liệu thực tế từ thí điểm Liverpool cho thấy bộ dụng cụ kiểm tra nhanh được sử dụng rộng rãi nhất ở các trường học và nhà chăm sóc chỉ phát hiện 48,89% trường hợp mắc Covid-19 ở những người không có triệu chứng khi so sánh với xét nghiệm bằng rRT-PCR.
Như vậy, nhiều người sẽ nhận kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Người nhận kết quả âm tính giả có thể chủ quan và đi lây nhiễm cho nhiều người khác. Trong khi đó, người có kết quả dương tính giả phải tốn thời gian cách ly không cần thiết.
Trở lại Việt Nam, tôi thấy rằng việc sàng lọc Covid-19 trên diện rộng trong thời gian này có thể dẫn tới nhiều khó khăn. Thứ nhất, việc không đủ nhân viên lấy mẫu chuyên nghiệp và phải huy động thêm nhân viên "không chuyên nghiệp" đã tạo những sai số đáng kể. Thứ 2, việc mọi người chen chúc để làm test có thể gây lây nhiễm chéo.
Nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đẩy mạnh thông điệp 5K
Theo tôi, việc thực hiện 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) như ở Việt Nam một cách nghiêm túc đã đủ để giảm thiểu việc lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Việc xét nghiệm chỉ nên dùng để thực hiện trên những người có biểu hiện bệnh và nghi ngờ mắc Covid-19; người tiếp xúc trực tiếp với F0; nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao bệnh nặng, tử vong khi bị Covid-19.
Giới hạn lại số người cần xét nghiệm sẽ giúp hệ thống y tế sẽ không bị quá tải. Ngoài ra, việc này giúp tránh các tệ nạn nảy sinh như "chạy" dịch vụ, giấy tờ kết quả xét nghiệm giả...
Chúng ta nên hỗ trợ người dân thực hiện tốt 5K và dồn lực vào việc đẩy mạnh tỷ lệ người tiêm vaccine trong cộng đồng. Đây là việc đã được chứng minh là hướng đi hiệu quả nhất để giảm thiểu việc lây nhiễm virus trong cộng đồng.
Tính đến 6h ngày 8/7, Việt Nam có tổng cộng 21.494 ca ghi nhận trong nước và 1.891 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 19.924 ca, trong đó có 5.753 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
TP.HCM trở thành địa phương có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất cả nước với hơn 8.000 người. Dịch Covid-19 tại thành phố đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi.
Bài viết do TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, cung cấp thông tin.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.