Vụ việc HayanTree - YouTuber có tiếng trong lĩnh vực ẩm thực ở Hàn Quốc - review sai sự thật khiến nhà hàng cua ngâm tương phải đóng cửa đang khiến nhiều người bức xúc.
Dù nhanh chóng gỡ bỏ video và xin lỗi chủ tiệm, vlogger này vẫn nhận về nhiều chỉ trích. Sau sự việc, lượng người theo dõi trên kênh YouTube của HayanTree giảm hơn 30.000 lượt. Anh cũng phải tắt tính năng bình luận trong mọi video của mình.
YouTuber HayanTree bị người hâm mộ quay lưng vì làm video review sai sự thật, khiến một nhà hàng sập tiệm. |
Korea Herald đưa tin chủ nhà hàng không chấp nhận lời xin lỗi muộn màng của HayanTree. Người này đã gửi kiến nghị lên website Phủ Tổng thống, yêu cầu chính quyền đưa ra quy định bảo vệ các hộ kinh doanh trước làn sóng YouTuber, KOL trên mạng xã hội.
Trước đó, nhiều YouTuber, streamer lợi dụng sự tự do trên mạng để phát sóng các nội dung review, quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng nhưng rất ít trường hợp bị xử lý.
Cái giá của việc lừa dối người xem
Truyền thông Hàn đưa tin tháng 8 vừa qua, các YouTuber ở nước này, nhất là những kênh chuyên về ẩm thực, vấp phải làn sóng tẩy chay từ nhiều chủ nhà hàng vì việc tác nghiệp gây mất trật tự và không ít trường hợp review sai do đối thủ thuê “dìm hàng”.
Khi lộ chân tướng, cái giá của việc review, quảng cáo sai sự thật không chỉ là làn sóng tẩy chay, mà còn là án phạt từ cơ quan chức năng.
Vốn nổi tiếng với các clip “ăn thùng uống vại”, Moon Bok-hee (nickname Boki, 26 tuổi) - ngôi sao mukbang (phát sóng cảnh ăn uống) tại Hàn Quốc có khoảng 4 triệu follower - bất ngờ bị dân mạng lật tẩy chiêu trò lừa dối người xem vào tháng 8.
Ngôi sao mukbang Moon Bok-hee bị tẩy chay vì lừa dối người hâm mộ. |
Theo đó, người “bóc phốt” Bok-hee chỉ ra nội dung các video của cô mô tả việc tiêu thụ hết lượng thức ăn lớn bày ra trước màn hình nhưng thực tế, ngôi sao mukbang này chỉ “giả vờ ăn”, tức bỏ thức ăn vào miệng, giả vờ nhai sau đó nhổ ra.
Tất nhiên, hình ảnh Bok-hee nhổ thức ăn đều đã được cắt và xóa để đánh lừa người hâm mộ. Dưới bài đăng lật tẩy chiêu trò của ngôi sao mukbang Hàn Quốc, nhiều người để lại bình luận thể hiện sự tức giận.
Trước làn sóng phản đối của khán giả, Bok-hee khẳng định không chỉnh sửa video nhưng từ chối cung cấp các clip bản đầy đủ để chứng minh. Sau sự việc, cô đã xóa nhiều bài đăng, video và chuyển trang cá nhân sang chế độ riêng tư trong một thời gian.
Bok-hee cũng từng bị “ném đá” vì không minh bạch, công khai về các clip có trả phí quảng cáo hoặc nhận tài trợ. Cô đã phải công khai tâm thư xin lỗi dài gần 1.000 từ trên trang cá nhân để xoa dịu người hâm mộ.
Ngôi sao mukbang Jeong Man-su bị phạt tiền vì quảng cáo sai sự thật. |
Tháng 8/2019, Jeong Man-su (29 tuổi, biệt danh Banzz) - ngôi sao mukbang được mệnh danh là “thánh ăn” tại Hàn Quốc - bị phạt 5 triệu won (khoảng 4.100 USD) vì quảng cáo sai lệch về hiệu quả của các sản phẩm giảm cân, theo phán quyết của Tòa án quận Daejeon.
Korea Herald đưa tin theo công tố viên, trong các video quảng cáo trên kênh của mình, Jeong khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng chỉ cần sử dụng sản phẩm mà Eat4U - công ty của anh - bán, họ có thể giảm cân nhanh chóng, an toàn.
Trong khi thực tế, để đạt được kết quả mong muốn, ngoài việc dùng sản phẩm này, khách hàng phải kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập luyện.
Giữa tháng 7 năm đó, Jeong xin lỗi về vụ việc nhưng vẫn cam kết rằng các sản phẩm của mình “hoàn toàn không có vấn đề”.
Các công tố viên đã yêu cầu án tù 6 tháng đối với ngôi sao mukbang này vì vi phạm luật thực phẩm. Dù cuối cùng không phải ngồi sau song sắt, Jeong đã mất khoảng 2 triệu follower.
Khó kiểm soát
Ở trường hợp của HayanTree, dù gây hậu quả nghiêm trọng là khiến một cửa hàng phải đóng cửa, chưa có thông tin thêm về việc YouTuber này bị xử lý hay điều tra vì đăng tải thông tin sai sự thật.
Thực tế, ở Hàn Quốc cho đến nay, chỉ có hành động quảng cáo trá hình, đánh lừa người xem từ các YouTuber, streamer là bị cơ quan chức năng vào cuộc trấn áp.
Đầu tháng 8, Tzuyang (24 tuổi, tên thật Park Jeong-won) - ngôi sao mukbang 24 tuổi - đột ngột rời khỏi YouTube sau khi bị tấn công dữ dội trên mạng vì lừa dối người xem.
Cô là một trong số YouTuber ở xứ sở kim chi bị cáo buộc quảng cáo trá hình trong các video của mình.
Làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dùng Internet đã khiến Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (FTC) cấm hoạt động “quảng cáo trá hình trên mạng” từ ngày 1/9. Theo đó, cơ quan này yêu cầu tất cả influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) phải nói rõ với người xem rằng họ đang quảng cáo một sản phẩm hoặc dịch vụ được trả phí.
Đối với các video phát trực tiếp, streamer phải thông báo cho người xem 5 phút một lần về quảng cáo trả phí. Nếu không tuân thủ, cả influencer và nhãn hàng sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 500 triệu won.
YouTuber Cham PD (trái) nói chuyện với Tzuyang - một trong số YouTuber Hàn Quốc bị cáo buộc quảng cáo trá hình trong các video của mình. |
Hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng từ lâu đã trở thành chủ đề bị chỉ trích. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, không có quy tắc rõ ràng nào để những YouTuber hay streamer tuân theo.
Tháng 11/2019, FTC đã phạt 270 triệu won đối với 7 công ty vì tham gia các chiến dịch quảng cáo ngầm với các influencer trên Instagram. Họ đã trả 1,15 tỷ won tiền mặt và tặng sản phẩm cho những influencer này để giới thiệu trên trang cá nhân của họ, theo FTC.
Tuy nhiên, những influencer này không bị phạt vì không có quy định nào yêu cầu người sáng tạo nội dung phải chia sẻ công khai về việc được tài trợ.
Ngay cả khi lệnh cấm mới được áp dụng từ tháng 9, nhiều nhà quan sát cho rằng việc các nhà chức trách thực thi những quy định và kiểm soát influencer có thể là một thách thức.
Một nghiên cứu của Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc cho thấy chỉ 30% trong số 582 nội dung quảng cáo được đăng trên 60 nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Hàn Quốc trong tháng 10-11/2019 cho thấy chúng được trả phí và theo cách không thể xem rõ ràng, chẳng hạn chỉ ghi trong phần mô tả video.
Vào tháng 1, một nhà lập pháp đề xuất dự luật phạt influencer vì quảng cáo lừa dối người xem, nhưng nó đã bị gác lại sau khi quốc hội mới được bầu ra vào tháng 4.
Vào tháng 7, hãng tin tức địa phương Dispatch đã cáo buộc 3 người nổi tiếng lừa dối trên YouTube, bao gồm stylist nổi tiếng Han Hye-yeon - người được biết đến với các video đánh giá về sản phẩm xa xỉ “nae ton nae san”, có nghĩa là chúng được mua bằng tiền của cô.
Han cuối cùng đã lên tiếng xin lỗi và mất khoảng 60.000 người đăng ký trong vòng 2 ngày.
Stylist Han Hye-yeon bị nhiều fan quay lưng vì quảng cáo cho những sản phẩm thời trang trong vlog của mình. |
Vào tháng 8, YouTuber Cham PD - người có gần 1,3 triệu follower - đã cáo buộc một số YouTuber quảng cáo trá hình, đồng thời nói thêm rằng anh đã thu thập bằng chứng trong 2 năm qua.
Hàng chục YouTuber, bao gồm ngôi sao mukbang Moon Bok-hee (Boki), YangPang và Tzuyang, cũng đã đăng tải lời xin lỗi, thu hút hàng loạt chỉ trích từ người hâm mộ như “rất thất vọng” hay “cảm thấy bị phản bội”.
Sohn Dong Young - GS Truyền thông - Media tại Đại học Hanyang ở Seoul (Hàn Quốc) - nhận định người Hàn có xu hướng xem các kênh YouTube vì họ coi đó là nguồn xác thực đáng tin cậy hơn so với các phương tiện truyền thông vốn được coi là đưa tin thiên vị và bị chi phối bởi lợi ích thương mại.
“Họ tin rằng những người này sẽ đưa ra các thông tin hữu ích, khách quan vì không được tài trợ hay quảng cáo. Tuy nhiên, khi việc lén đưa nội dung quảng cáo vào video đăng trên YouTube bị lộ tẩy, uy tín của các YouTuber này bị suy giảm nghiêm trọng”, ông nói.
Về lệnh cấm mới ban hành hồi tháng 9, vị giáo sư cho rằng các YouTuber sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Ông Sohn nói rằng thay vì nhận thêm quảng cáo, các nhà sáng tạo nội dung trên mạng nên tập trung xây dựng lòng tin của khán giả để có được thành công lâu dài, theo SCMP.