Mối quan hệ mập mờ thường không có dấu hiệu kết thúc rõ ràng. Ảnh minh họa: Luis Zambraro/Pexels. |
"Situationship" được xem là mối quan hệ mập mờ, không có cam kết. Với người muốn theo đuổi một mối quan hệ lâu dài, "situationship" có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng hoặc thất vọng.
Đặc biệt, khi kiểu tình cảm này chấm dứt, nhiều người cho rằng họ cảm thấy tổn thương hơn là khi chia tay người yêu chính thức, đã gắn bó lâu dài.
Dưới đây, Huffing Post và Psychology Today giải thích tại sao mọi người lại gặp khó khăn khi thoát ra khỏi tình trạng này, đồng thời gợi ý một số cách giúp vượt qua.
Bản chất của "situationship" khiến mọi người luôn thấy bất an. Ảnh minh họa: Nati/Pexels. |
Bản chất gây bất an, bối rối
Jessica Alderson, chuyên gia hẹn hò và đồng sáng lập ứng dụng kiểm tra tính cách SoSyncd, cho biết bản chất mập mờ của "situationship" khiến mọi người khó thoát ra khỏi tình trạng này.
Trong các mối quan hệ chính thức, sự mở đầu, phát triển và kết thúc thường có dấu hiệu rõ ràng.
Tuy nhiên, những giai đoạn này của "situationship" đều rất mơ hồ, khiến hai người cảm thấy bất an, thất vọng, không rõ mối quan hệ đã chấm dứt khi nào.
Sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè có vai trò rất quan trọng. Ảnh minh họa: Vlada Karpovich/Pexels. |
Thiếu sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè
Thông thường, sau khi mối quan hệ đã phát triển, mọi người thường giới thiệu người yêu của mình tới người thân, bạn bè. Tuy nhiên, hiếm có ai làm điều tương tự khi đang trong một mối quan hệ mập mờ.
Do đó, khi nỗ lực thoát khỏi tình trạng này, họ có thể không nhận được nhiều sự trợ giúp, động viên từ người quen như khi chia tay người yêu chính thức.
Mỗi người hãy cho bản thân thời gian để chữa lành, phục hồi sau khi mối quan hệ kết thúc. Ảnh minh họa: Katerina Holmes/Pexels. |
Cách vượt qua
Cho phép bản thân đau buồn
"Situationship" là mối quan hệ không chính thức, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc mọi người cho rằng mình không có quyền cảm thấy buồn khi nó kết thúc.
Nếu cảm thấy thất vọng, khó chịu, hãy giải tỏa cảm xúc bằng cách viết nhật ký, nói chuyện với chuyên gia tâm lý hoặc dành thời gian chăm sóc bản thân, như đi mát-xa, ăn tối với bạn bè...
Một cách hiệu quả khác để vượt qua cảm xúc tiêu cực là nhớ lại những lần bản thân đã thoát khỏi trải nghiệm khó khăn. Thậm chí, mọi người có thể lập danh sách những cuộc chia tay trong quá khứ để nhắc nhở mình rằng mọi thứ đều sẽ qua.
Chia sẻ với người khác
Thay vì gặm nhấm cảm xúc một mình, hãy tìm một người đủ tin tưởng để chia sẻ về trải nghiệm của mình và lắng nghe góc nhìn của họ. Điều này có thể khó khăn vì nhiều người cảm thấy xấu hổ về bản thân và lo lắng những gì người khác nghĩ về họ.
Tuy nhiên, phương pháp này sẽ giúp mỗi người hiểu rõ cảm xúc của mình, đồng thời có thêm những hiểu biết và quan điểm mới, có giá trị từ một người khách quan hơn.
Suy ngẫm về các giá trị
Nhìn vào khía cạnh tích cực, mối quan hệ mập mờ kết thúc sẽ mang đến cơ hội để mọi người học hỏi và trưởng thành. Đây là dịp để mỗi người tự hỏi về những ranh giới mà bản thân muốn nửa kia tôn trọng và đánh giá lại các giá trị mình muốn ở nửa kia. Các tiêu chuẩn rõ ràng sẽ giúp mọi người tránh được sự mập mờ khi bước vào mối quan hệ mới.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.