Xe cấp cứu từ thiện biển số Long An lao nhanh vào khoảng sân lớn trước cửa khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Trời vừa nhá nhem tối, cửa xe mở, cô gái trẻ chưa đầy 30 tuổi quằn quại, thét lên không ngừng do thứ thuốc diệt cỏ cháy đang ăn sâu vào nội tạng. Các điều dưỡng và bác sĩ ngay lập tức có mặt.
Chẳng ai nhớ rõ đây là ca thứ bao nhiêu mình tiếp nhận trong ngày. Kiểm tra bước đầu cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc nặng, co giật, miệng tiết nhiều nước bọt pha lẫn với chất dịch xanh của Paraquat.
Không giữ được bình tĩnh, người mẹ run bần bật, liên tục đọc sai họ tên, quê quán của con gái. Bệnh nhân sử dụng thuốc với liều lượng lớn cộng với đã qua thời gian vàng sơ cứu, nhiều phương án được đưa ra trong lúc hội ý nhưng đều bất thành.
Cầm can thuốc màu cam đã trống rỗng, người mẹ gọi điện thoại, giọng run run: “Quay xe lại đi. Bác sĩ trả về rồi, cứu không nổi!”.
Người nhà bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Cấp cứu liên tục, làm việc không ngừng
Theo số liệu thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, vào ngày 8/7, khoa Cấp cứu tiếp nhận 437 trường hợp. Đây là con số chưa từng có tiền lệ, cao hơn cả số ca cấp cứu trong các ngày nghỉ lễ mà bệnh viện tường tiếp nhận. Tình trạng đông đúc tương tự cũng diễn ra vào thứ sáu (12/7) cùng tuần.
Ghi nhận của Tri Thức - Znews tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 17 giờ, căn phòng rộng nhưng có gần trăm giường bệnh đặt sát nhau không một khoảng hở. Tiếng nôn khan xen lẫn với những âm thanh thét gào đau đớn mang đến một thế giới đối lập với bên ngoài. Mùi thuốc khử trùng, mùi máu xộc thẳng vào mũi.
18 giờ, khu vực nhận bệnh đông đúc hơn, sau đó dần quá tải. Sau khi hoàn thành hồ sơ, bệnh nhân sẽ được đẩy vào phòng cấp cứu, ngay lập tức, vị trí trống lại có người khác thay vào như một vòng lặp.
- Tôi đang ở đâu vậy cô?
- Chú đang ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Là ở đâu vậy cô?
- Ở TP.HCM chú ạ!
Người đàn ông với làn da sạm, bập bẹ nói từng từ với hộ lý Kim Thảo. Bệnh nhân có tiền sử suy thận, được nhập viện trong tình trạng gần như mất ý thức. Chị Kim Thảo nói sơ qua tình hình rồi hỏi tên tuổi, quê quán ông để chuẩn bị cho khâu nhập hồ sơ.
Sau cuộc trao đổi ngắn, Kim Thảo lại hối hả đo huyết áp cho nữ bệnh nhân bên cạnh vừa nhập viện với phần bụng bị phình chướng. Đôi tay thoăn thoắt viết tên, quê quán của bệnh nhân. Xấp giấy trên tay thoáng chốc lại vơi đi một nửa. Khoảng một tuần nay, Kim Thảo gần như không có lấy một phút để nghỉ ngơi.
“Từ trước đến nay, khoa Cấp cứu luôn đông nhưng tôi vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Gần đây, cường độ làm việc tăng mạnh, khu vực nhận bệnh đầy băng ca, gần 10 nhân viên phối hợp với nhau vẫn không thể xoay xở kịp”, cô nói.
Mỗi ngày, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hàng trăm ca bệnh, đa số là trường hợp nặng từ các nơi chuyển đến. |
Góc trong cùng của phòng cấp cứu là nơi dành cho những ca bệnh nhẹ. Mỗi giường bệnh rộng chưa đầy 1 mét có khoảng 3-4 bệnh nhân. Người ngả lưng thì những người khác lại phải ngồi, cứ thế luân phiên nhau để đủ không gian.
Sau khoảng 30 phút ngả lưng, bà Thương lồm cồm ngồi dậy, nhường giường cho một người khác. Người phụ nữ ngồi co ro, thỉnh thoảng lại nhăn mặt khi thấy những ca chấn thương khác được đẩy vào.
Mới sáng nay, bà Thương thức dậy với cơn đau dữ dội ở phần bụng. Nhận thấy sự bất thường, con cái vội vàng thuê xe đưa bà từ Củ Chi đến nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bà Thương không giấu được sự bất ngờ khi được chỉ định nằm chung giường với 3 người khác.
“Vào phòng cấp cứu đã sợ, lại còn nằm chung giường", người phụ nữ 50 tuổi gặng nói sau cơn ho khan.
Cổng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM, khép hờ nhưng số lượng xe cấp cứu, tiếng òi inh ỏi suốt 24 giờ. |
Chờ đợi
Màn đêm buông xuống, khoảng sân phía trước lập lòe ánh đỏ từ xe cấp cứu. Từ Đồng Tháp, An Giang, Long An... những chuyến xe cứ thế nối đuôi nhau tiến vào cánh cổng khép hờ ở mặt đường Nguyễn Chí Thanh. Tại đây, mạng sống của bệnh nhân được tính bằng giây, các khâu chuyển bệnh nhân xuống xe và đưa vào phòng Cấp cứu diễn ra trong chưa đầy 1 phút.
18h30 phút, tiếng còi xe cấp cứu hú vang trước sân. Sau khi băng ca của một trường hợp hôn mê được đưa vào phòng Cấp cứu, các điều dưỡng lại tất bật lấy thông tin của 4-5 ca mới đến.
“Em bị tai nạn giao thông à? Gãy đùi phải đúng không”, bác sĩ Minh Lâm tiến đến băng ca của Đạt, khoảng 15-16 tuổi, hỏi thăm.
Theo người nhà, bệnh nhân bị va chạm với xe tải từ 22 giờ tối qua tại tỉnh Lâm Đồng. Phần xương đùi gãy đã được nẹp cố định, cánh tay chỉ bị thương phần mềm. Thấy sốt ruột vì quy trình điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh diễn ra chậm, gia đình quyết định vượt hơn 300 km đến Bệnh viện Chợ Rẫy, tuy nhiên vẫn không thoát được cảnh chờ đợi.
Đạt đảo mắt nhìn căn phòng lúc này đã đầy kín người, tiếng monitor, máy thở vang lên đều đều. Sau gần 15 phút nằm tại khu vực nhận bệnh, nam thiếu niên được chuyển vào phòng Cấp cứu, tiếp tục chờ chụp X-quang.
“Vào phòng cấp cứu cũng khá sợ nhưng đôi lúc em cũng thấy an tâm vì bệnh của mình vẫn nhẹ hơn nhiều người”, Đạt nói.
Khu vực chờ sàng lọc bệnh trước cửa khoa Cấp cứu. |
Phía sau cánh cửa phòng cấp cứu là khu vực chờ dành cho thân nhân. Tiếng khóc nghẹn xen lẫn trong những cuộc gọi thông báo tình hình. Thấp thoáng trong dòng người là những bóng dáng chắp tay cầu nguyện, mong phép màu đến với người nhà đang ở bên kia bức tường. Vài chiếc chiếc băng ca được đặt tạm tại đây để chờ đến lượt vào phòng Cấp cứu.
Ngay lối ra vào, một phụ nữ gục tạm lên băng ca của chồng nghỉ ngơi. Nằm trên giường là người đàn ông được băng bó nửa thân trên, rên rỉ do những cơn đau đầu. Cách đấy một hôm, người chồng bị tai nạn giao thông. Ảnh chụp X-quang cho thấy có máu tụ ở não.
Bất chấp khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ, chị quyết định cho chồng chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy để được hưởng chất lượng y tế tốt hơn. 5 giờ ngồi xe từ Campuchia cộng với hơn nửa tiếng chờ đợi khiến cả hai đều thấm mệt, mắt đăm đăm về phía phòng cấp cứu chờ đến lượt.
Các giường tại khoa Cấp cứu gần như kín người bệnh trong buổi chiều 12/7. |
Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt ở phía nam, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy được xem là “đầu sóng ngọn gió” của cả khu vực. Mỗi ngày, đơn vị có 3 ca trực cấp cứu với số lượng bệnh nhân tiếp nhận có thể lên đến hơn 400 người.
Bác sĩ Lê Phước Đại, Trưởng kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tối 12/7, cho biết số lượng nhận bệnh sẽ tăng mạnh vào ngày thứ hai và thứ sáu hàng tuần do lượng dồn bệnh từ các bệnh viện tuyến tỉnh.
Lượng ca cấp cứu sẽ dao động ở mức 400, những ngày trong tuần sẽ giảm xuống trong khoảng 300. Là bệnh viện tuyến cuối phía Nam, khoa Cấp cứu tiếp nhận thường tiếp nhận các bệnh lý nặng hỗn hợp, bao gồm cả nội khoa lẫn chấn thương.
“Bệnh viện Chợ Rẫy luôn có các kế hoạch dự phòng, sẵn sàng lực lượng cho các trường hợp cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm họa. Chúng tôi luôn đảm bảo cung cấp những quy trình chuẩn, rõ ràng để kịp thời đáp ứng lượng bệnh nhân đến”, bác sĩ Đại nói.
Cơ thể phi tuổi tác, tâm trí phi thời gian
Người phải đối diện với trạng thái căng thẳng liên tục sẽ chóng già hơn, cơ thể của họ lão hóa nhanh hơn. Kéo theo đó là nhiều bệnh tật liên quan tới huyết áp, rối loạn chuyển hóa.
Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.