Thanh khoản dồi dào sau đại dịch, sự gia tăng mạnh giá trị của các tài sản như cổ phiếu và bất động sản, thay vì thu nhập, là những yếu tố chính gây nên tình trạng này.
Giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Một báo cáo gần đây chỉ ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất bình đẳng tài sản ngày càng sâu sắc ở Hàn Quốc là do giá trị bất động sản tăng vọt.
Cũng theo báo cáo trên, chênh lệch tài sản ngày càng sâu sắc có thể làm trầm trọng thêm xung đột chính trị, xã hội và làm tổn hại đến chất lượng cuộc sống ở Hàn Quốc trong tương lai.
Tình trạng chênh lệch giàu nghèo ở Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng trong đại dịch. Ảnh: CJ Entertainment. |
Trong khi giá trị tài sản tiếp tục tăng, tỷ lệ nghèo tương đối (thiếu thu nhập tối thiểu cần thiết để duy trì mức sống bình thường) ở xứ củ sâm cũng tăng lên.
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có tỷ lệ nghèo tương đối là 16,7%, cao thứ 4 trong số các nước thành viên OECD sau Costa Rica (20,5%), Mỹ (17,8%) và Israel (16,9%).
Nghèo đói ở người già cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ cao này ở xứ kim chi. 43,4% người Hàn Quốc trên 65 tuổi đang sống trong cảnh nghèo đói, tỷ lệ cao nhất trong số các nước thành viên OECD.
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, bất bình đẳng trong thu nhập hộ gia đình cũng gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Báo cáo của cơ quan này cho thấy các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp nhất phải chịu gánh nặng của cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra.
Giá bất động sản tăng vọt khiến ước mơ sở hữu nhà riêng xa vời với nhiều người Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng về tài sản thuộc sở hữu của các hộ gia đình hiện được coi là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Hàn Quốc (KIRI) cũng cảnh báo nếu tình hình không được giải quyết đúng cách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính trung và dài hạn của đất nước.
“Giá trị của tất cả loại tài sản đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, từ cổ phiếu, bất động sản đến tài sản ảo. Nợ hộ gia đình gia tăng cũng là điều đáng lo ngại, không chỉ từ góc độ quy mô mà còn ở tốc độ gia tăng nợ - một trong những tốc độ nhanh nhất trong số các nước OECD. Tình trạng mất cân đối này cần được giải quyết", Cho Young-hyun, nhà nghiên cứu tại KIRI, nhận định.