Khi Kim Keunha lần đầu chuyển đến Seoul 8 năm trước, địa điểm yêu thích của anh là một nơi gần cầu Mapo. Ở tuổi 19, anh bị thu hút bởi những ánh đèn lấp lánh ở thủ đô Hàn Quốc, khác xa với quê hương Andong, một thành phố ở tỉnh Gyeongsang, theo Insider.
Đến Seoul với ước mơ trở thành nghệ sĩ xăm hình, Kim thường đi dạo trên cây cầu, cảm giác nhớ nhà, đôi khi là lạnh và đói, ập đến.
8 năm trôi qua, cầu Mapo đã mang một ý nghĩa rất khác trong Kim, trở thành lời nhắc nhở anh về những ước mơ dang dở. Vấn đề lớn nhất của anh bây giờ là khoản nợ 40.000 USD đã vướng vào trong thời gian ở Seoul.
"Tôi tự cho mình là người may mắn vì đã xoay xở để giữ được khoản nợ dưới 50.000 USD. Tôi biết hiện bản thân đang gặp rắc rối về tài chính như thế nào nhưng hầu như tôi chẳng thể làm gì để thay đổi tình hình".
Nhiều người trẻ Hàn Quốc lâm vào nợ nần vì chi tiêu thẻ tín dụng quá đà. Ảnh: Bussiness Insider. |
Năm 2021, tổng số nợ người Hàn Quốc phải trả là hơn 1,5 nghìn tỷ USD, ngang với GDP nước này là 1,63 nghìn tỷ USD. Cuộc khảo sát năm 2018 của Seoul Institute cho thấy mỗi hộ gia đình Hàn Quốc nợ khoảng 44.000 USD.
Tình trạng của Kim cũng phản ánh thực tế cuộc sống của nhiều thanh niên xứ củ sâm. Bế tắc trong công việc, nợ nần chồng chất và hầu như không có khả năng mua nhà, không có gì lạ khi thế hệ Millennials ở quốc gia này liên hệ bản thân với nội dung bộ phim ăn khách Squid Game.
"Nếu bây giờ có ai bảo tôi đánh cược cuộc đời mình để xóa nợ và trở thành tỷ phú, tôi sẽ làm mà không do dự. Thậm chí nếu trung thực mà nghĩ, có khi người tổ chức trò chơi ấy nghĩ mạng của tôi không đáng giá đến vậy".
Khủng hoảng nợ nần
Trong bộ phim Squid Game, 456 con người nợ nần chồng chất thông qua việc tham gia các trò chơi trẻ em để giành giải thưởng 38 triệu USD. Đối với những người Kim, đây là con số anh sẵn sàng đánh cược mạng sống để có được.
Chẳng kiếm được bao nhiêu từ nghề xăm, Kim làm thêm nhiều công việc lặt vặt suốt 5 năm qua, từ bưng bê ở hộp đêm đến bồi bàn trong quán thịt nướng. Hiện, anh xoay xở bằng công việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi sau khi mất việc ở nhà hàng, hộp đêm do đại dịch.
Không có công việc ổn định, nợ nần chồng chất, cuộc sống của nhiều người xoay quanh vòng luẩn quẩn nghèo khó. Ảnh: Reuters. |
Chàng trai có 4 thẻ tín dụng phải vật lộn để trả số tiền tối thiểu trên mỗi thẻ hàng tháng. Dù vậy, 8 tháng thất nghiệp đã khiến những nỗ lực trả nợ ít ỏi của anh bị xóa sổ.
Tại Hàn Quốc, ngay cả những người thu nhập thấp cũng có thể dễ dàng mở thẻ tín dụng. Năm 2019, ước tính trung bình một người Hàn Quốc có khoảng 4 thẻ tín dụng, việc sử dụng thẻ chiếm khoảng 70% chi tiêu cá nhân trong năm đó.
"Khi tiền lương không đủ để chi trả cho những nhu cầu cơ bản, bạn chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả trước mọi thứ bằng thẻ tín dụng. Đôi khi, tôi dùng cả thẻ tín dụng để trả tiền ăn uống, đi lại", Kim nói.
Tầng lớp trung lưu cũng thành con nợ
Cuộc khủng hoảng nợ nần không chỉ ảnh hưởng đến những cá nhân có thu nhập thấp, công việc bấp bênh như Kim. Nhiều người có việc làm ổn định cũng đang phải vật lộn để trả các khoản nợ đã vay.
Noh Eun-woo (25 tuổi) nhân viên kinh doanh tại một cửa hàng làm đẹp ở trung tâm Seoul, nợ hơn 12.000 USD trên thẻ tín dụng. Cô xem đây là con số nhỏ.
"Tôi biết có những người nợ 80.000-100.000 USD. Bạn thân của tôi đã sử dụng tới 5 thẻ tín dụng".
Cô gái 25 tuổi giải thích khoản nợ bắt đầu từ con số cô có thể "lo liệu" là khoảng 1.000-2.000 USD, bắt đầu từ năm 2020. Khi đại dịch bùng phát, thu nhập của cô, vốn được hưởng theo hoa hồng số sản phẩm bán được, bị ảnh hưởng nặng nề.
Cô thừa nhận vẫn thường xuyên mua túi xách đắt tiền 3 tháng một lần và ước tính bản thân sẽ mất khoảng 2 đến 3 năm để trả hết nợ.
Có công việc ổn định, tầng lớp trung lưu cũng khó mua nổi một căn nhà ở thủ đô Hàn Quốc. Ảnh: AFP/Getty Image. |
Sam Kyungmoon Son, trợ giảng tại Đại học Kyungwoon và nhà tư vấn độc lập tại công ty Visionwise LLC, cho biết các biện pháp chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện, như áp đặt hạn mức vay, là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong hành trình giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ.
Cũng theo Sam, việc dễ dàng chi tiêu trước bằng thẻ tín dụng và trả nợ sau khiến nhiều người thuộc thế hệ Millennials vung tiền vào những món đồ xa xỉ. Theo tờ JoongAng Daily, giới trẻ xứ kim chi đang vung tiền mua hàng hiệu nhiều đến mức lâm vào nợ nần, là biểu hiện của xu hướng "chi tiêu trả thù" trong đại dịch.
"Cộng thêm chi phí sinh hoạt, khoản vay sinh viên và đôi khi là sự thiếu trách nhiệm về tài chính, nhiều người trẻ cứ thế lâm vào nợ chồng chất. Thật tốt khi Squid Game nổi tiếng như vậy. Có lẽ nhiều người sẽ rút ra được bài học gì đó và nhận ra rằng những nhân vật trong phim rất có thể là họ".
Không dám mơ có nhà
Hwang Tae-ho (28 tuổi) là một nhạc sĩ đầy tham vọng, từng làm phục vụ tại một club ở khu vực Đại học Hongik. Anh sống trong một goshiwon - kiểu phòng siêu nhỏ, từng là khu trọ cho các sinh viên ôn thi - rộng khoảng 3 m2. Hwang không thể thuê được một căn hộ thông thường vì không có đủ tiền đặt cọc.
"Tôi giao bưu kiện, làm việc hai ngày/tuần tại một quán cà phê và chỉ đủ trả tiền thuê nhà, tiền ăn. Nhiều người nước ngoài nghĩ không gian sống như trong phim Parasite hay Squid Game là hiếm song thực tế rất nhiều người như tôi đang sống ở những nơi thế này".
Khoảng 1/5 số người sống một mình ở Seoul sống trong các không gian nhỏ hơn 14 m2. Seoul Institute cũng ước tính 1/3 số người sống một mình đang ở trong các căn hộ bán tầng hầm hoặc nhà siêu nhỏ kiểu goshiwon.
Hwang cũng đang nợ nần chồng chất, khoảng 8.000 USD thẻ tín dụng và thậm chí gặp khó khăn trong việc thanh toán số tiền tối thiểu hàng tháng.
"Không ai muốn sống trong một goshiwon cả, nhưng tôi không còn lựa chọn nào tốt hơn".
Giá nhà đất tại Hàn Quốc, đặc biệt là ở Seoul, liên tục tăng những năm gần đây. Ảnh: Getty Image. |
Ngay cả đối với những người trẻ có tình hình tài chính tốt hơn một chút, giá bất động sản leo thang cũng khiến họ khó lòng mua nổi một căn nhà. Để bắt đầu mua một ngôi nhà trung bình ở Seoul hiện nay cần có ít nhất 1 triệu USD.
Kang Jun-Koo, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Nanyang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), cho biết tình trạng khan hiếm căn hộ ở các khu vực thành phố cũng khiến cuộc đấu tranh về nhà ở của thế hệ Millennials thêm phần khốc liệt.
"Việc thiếu nguồn cung đã khiến giá nhà ở Seoul tăng gần 93% kể từ năm 2017, điều này khiến người trẻ Hàn Quốc rất khó mua một ngôi nhà phù hợp".
Hy vọng
Sarah Son, giảng viên bộ môn nghiên cứu Hàn Quốc, nhận xét cuộc khủng hoảng nợ và sự nghèo khổ được khắc họa trong các sản phẩm văn hóa như phim Squid Game chỉ là một phần của bức tranh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chìm trong tuyệt vọng, muốn bỏ cuộc trước cuộc sống khốn cùng, ngập trong nợ nần.
Hwang không ngừng theo đuổi ước mơ làm nhạc sĩ của mình. Trong căn phòng goshiwon ở Hongdae, anh vẫn miệt mài viết và ghi âm lại những đoạn nhạc mình sáng tác qua chiếc đàn organ đặt dưới gầm bàn tạm.
Sau khi trả hết nợ thẻ tín dụng, anh muốn mua một cây đàn và micro mới, nuôi hy vọng mọi người sẽ nghe được bài hát anh sáng tác trên đài phát thanh vào một ngày nào đó.
"Tôi nghĩ Seoul là thành phố mang lại rất nhiều cơ hội, ngay cả với những người không sinh ra trong giàu có hay học trường danh tiếng. Cuộc sống có thể giống như phim Squid Game, rất ít người chiến thắng và nhiều người thua cuộc, nhưng ai dám chắc tôi không thể là một trong những người may mắn ấy?".