Ngày 21/7, Công an huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bà Huỳnh Thị Tới (65 tuổi, ngụ ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) về tội Làm nhục người khác. Các thủ tục tố tụng đã được VKSND huyện Trần Đề phê chuẩn và bà Tới bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo hồ sơ vụ việc, cuối năm 2019, bà Lâm Thị Ánh (58 tuổi, ngụ ấp Đầu Giồng) mượn 60 triệu đồng của vợ chồng bà Tới để làm đám cưới vợ cho con. Lúc mượn tiền, bà Ánh cam kết cho con trai làm công trên tàu cá của bà Tới để trả nợ dần. Tuy nhiên, do con trai bà Ánh bị bệnh nên chỉ trả được 30 triệu đồng.
Nhà bà Ánh, nơi bà Tới đổ chất bẩn vào sau khi có hành vi làm nhục người nợ tiền. Ảnh: Nhật Tân. |
Sáng 29/5, bà Ánh đang nói chuyện với bạn ở ấp Đầu Giồng thì bị bà Tới đổ xô nhựa chứa đầy chất bẩn lên đầu. Lúc nạn nhân về nhà tắm thì bà Tới cho người tạt xú uế vào hiên nhà bà Ánh.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an thị trấn Trần Đề mời hai bên đến hòa giải và bà Tới đã xin lỗi bà Ánh. Ngày 31/5, bà Ánh làm đơn gửi cơ quan điều tra, yêu cầu xử lý hình sự bà Tới.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của bà Tới vi phạm vào Khoản 1, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định tội Làm nhục người khác:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 2-5 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.