Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có tên trong di chúc có được chia tài sản?

Nếu không có tên trong di chúc, người thân có còn quyền thừa kế hay không là vấn đề pháp lý phức tạp và cũng khiến nhiều người băn khoăn.

Di chúc là văn bản pháp lý thể hiện nguyện vọng của người lập về việc phân chia tài sản. Luật pháp nhiều nước, trong đó có Việt Nam, công nhận và bảo vệ quyền lập di chúc của cá nhân. Tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự quy định cá nhân có quyền quyết định phân chia tài sản của mình thông qua di chúc.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ luật Dân sự Việt Nam, nếu di chúc không có hiệu lực (do không hợp pháp hoặc do người lập bị ép buộc, lừa dối), tài sản của người đã mất sẽ được chia theo pháp luật. Điều này có nghĩa là tài sản sẽ được phân chia theo một thứ tự ưu tiên nhất định: vợ/chồng, con cái, cha mẹ,...

Duoc chia tai san,  Khong co ten,  Trong di chuc anh 1

Không có tên trong di chúc không đồng nghĩa với việc hoàn toàn mất quyền thừa kế. Ảnh: Minh họa.

Cụ thể, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định rõ, nếu người chết để lại di chúc hợp pháp, tài sản của người đó sẽ được chia theo di chúc; nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp lệ…, thì chia theo pháp luật. Điều 644 Luật Dân sự 2015 cũng quy định 6 nhóm đối tượng được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, gồm:

- Con chưa thành niên của người để lại di sản;

- Cha của người để lại di sản;

- Mẹ của người để lại di sản;

- Vợ của người để lại di sản;

- Chồng của người để lại di sản;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản.

Theo đó, cho dù những người trên không có tên trong di chúc, nhưng vì mối quan hệ huyết thống, quan hệ vợ chồng gắn bó với người mất mà pháp luật quy định những người này vẫn được hưởng di sản thừa kế.

Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng đối với những người thuộc đối tượng nêu trên nhưng từ chối nhận di sản thừa kế hoặc không có quyền nhận di sản thừa kế (Đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe người để lại di sản; Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản…).

Cũng tại Điều 644 của Bộ luật Dân sự 2015, những người không có tên trong di chúc vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Tương tự, trường hợp người để lại di chúc chỉ cho họ hưởng di sản ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, thì những đối tượng này vẫn được hưởng bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Tóm lại, việc không có tên trong di chúc không đồng nghĩa với việc hoàn toàn mất quyền thừa kế. Điều quan trọng là phải hiểu rõ quyền lợi của mình và áp dụng đúng pháp luật để bảo vệ những quyền đó. Mặt khác, việc lập di chúc một cách cụ thể, rõ ràng và hợp pháp cũng là biện pháp hữu hiệu để tránh các tranh chấp không cần thiết trong tương lai. Khi xảy ra tranh chấp về di chúc, các bên liên quan có thể nhờ tòa án phân xử.

Trong trường hợp này, các bằng chứng về việc người lập di chúc không tự nguyện hoặc không thể hiện đầy đủ ý chí của mình là rất quan trọng. Việc thuê luật sư chuyên về thừa kế sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "100 câu hỏi giải quyết tranh chấp về thừa kế tại tòa án" góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho những người tham gia vào việc giải quyết các vụ việc dân sự tại tòa án và nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật giải quyết tranh chấp về thừa kế tới bạn đọc.

https://vtcnews.vn/khong-co-ten-trong-di-chuc-co-duoc-chia-tai-san-ar923150.html

Bảo Hưng/VTC News

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm