Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không giảm áp lực khi sửa Thông tư 30

Giáo viên vừa kịp làm quen với việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 thì Bộ GD&ĐT lại sửa đổi và áp dụng luôn cho năm học này.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học (còn gọi là Thông tư 30).

Trong đó, nổi bật nhất là việc đánh giá định kỳ sẽ có thêm các bài kiểm tra lấy điểm số, đồng thời giáo viên (GV) dùng lời nói để đánh giá thường xuyên.

Tăng thêm bài kiểm tra để lấy điểm

Theo Thông tư 22, việc đánh giá định kỳ được sửa đổi, cụ thể: Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, GV căn cứ quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá HS đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành.

Đồng thời, vào cuối học kỳ I và cuối năm học, các môn học tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có thêm bài kiểm tra định kỳ.

Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho HS.

sua Thong tu 30 anh 1
Học sinh sẽ phải làm thêm các bài kiểm tra định kỳ để lấy kết quả đánh giá học tập. Ảnh: Người Lao Động. 

 

Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh HS này với HS khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, GV đề xuất với nhà trường có thể cho HS làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của HS.

Một điểm nữa trong Thông tư 22 là sổ sách của GV sẽ được thay đổi: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS.

GV được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi chép những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Đối với việc đánh giá thường xuyên: GV dùng lời nói chỉ ra cho HS biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của HS khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

Lại vội vàng áp dụng!

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho rằng những khó khăn hay thuận lợi khi triển khai Thông tư 22 phải đến khi thực hiện mới ra vấn đề. Ở góc độ quản lý, thay vì nghe góp ý một cách rộng rãi, toàn diện để sửa đổi, bổ sung cho hoàn chỉnh, Bộ GD&ĐT lại vội vàng thay thế ngay trong năm học 2016-2017, khi mà GV đã làm quen với Thông tư 30 được 2 năm nay. Trong đó, vướng mắc nhất là làm sao giảm áp lực học tập cho HS vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo các phòng GD&ĐT tại TP.HCM, vì Thông tư 22 đến tháng 11 mới có hiệu lực nên trước mắt vẫn đang chờ hướng dẫn của sở GD&ĐT để triển khai. Trong quá trình này, các trường vẫn triển khai Thông tư 30 và nghiên cứu Thông tư 22. Tuy nhiên, chuyên viên phụ trách tiểu học một phòng GD&ĐT cho rằng vì tâm lý đang thực hiện quen, bỗng dưng có thay đổi ngay trong năm học nên không ít GV băn khoăn.

Một GV tại quận 4, TP.HCM nhận định việc GV dùng lời nói, ký hiệu chỉ ra cho HS biết chỗ đúng, chỗ chưa đúng mà biết cách sửa chữa... là chưa hợp lý. Trong thực tế, ký hiệu chỉ là quy ước để hướng dẫn HS thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, chứ không thể thay thế lời nhận xét của GV với HS. Nên linh hoạt để GV dùng lời nhận xét trực tiếp đối với HS thì đạt hiệu quả hơn và thể hiện tình cảm thầy trò.

Ông Trần Trọng Khiêm - Phó phòng GD&ĐT quận Tân Phú, TP.HCM - phân tích quy định gì cũng có hai mặt của nó. Chẳng hạn như qua dư luận hiện nay ở việc đánh giá định kỳ theo Thông tư 22 có thêm kỳ kiểm tra nữa thì GV hơi cực.

Ông Trần Trọng Khiêm cho biết dù là đánh giá theo hình thức nào đi nữa thì nên lưu ý chúng ta đang đánh giá HS tiểu học chứ không phải đánh giá GV hay phụ huynh. Vì thế, cái nào tốt nhất cho HS thì làm. Dường như chưa có khảo sát chính thức về việc các em muốn cách đánh giá nào hơn? Cốt lõi của việc nhận xét, đánh giá là các HS có phát triển tốt hơn không? Năng lực được phát hiện và tiến triển đến đâu, có trưởng thành hơn không?

Một số chuyên gia cho rằng mục đích của Thông tư 30 là giảm áp lực cho HS khi không đánh giá bằng điểm số mà đánh giá bằng nhận xét nhưng nay Thông tư 22 lại quay lại đánh giá bằng điểm số qua các bài kiểm tra định kỳ thì vô hình trung lại tiếp tục tạo gánh nặng học hành cho HS.

Thông tư 30 nhìn từ giấy khen 'danh hiệu từng mặt' Giấy khen "Đạt danh hiệu học sinh từng mặt" đặt ra những câu hỏi về cách thức thực hiện Thông tư 30. Thông tư này đã thay đổi việc đánh giá học sinh tiểu học.

Lo học thêm

Chị T.Tr - có con học tại một trường tiểu học tại quận 3, TP.HCM - cho biết mục tiêu của quy định đánh giá HS tiểu học mới là giảm áp lực cho HS nhưng Thông tư 22 lại tăng thêm bài kiểm tra định kỳ ở lớp 4, lớp 5 giữa học kỳ I và giữa học kỳ II ở 2 môn tiếng Việt và Toán sẽ tăng thêm áp lực cho HS.

Trong khi tâm lý coi trọng điểm số, so sánh giữa các HS, phụ huynh lo lắng, ép con phải đi học thêm để có điểm số tốt.

Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học

Bộ GD&ĐT vừa ra Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư 30.


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khong-giam-ap-luc-khi-sua-thong-tu-30-20161003225020447.htm

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm