Sau khi clip Người Việt Nam làm gì khi một cô gái bị bạo hành? Tôi đánh cô gái này và đây là câu trả lời... của nhóm Wow TV được dân mạng chia sẻ, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc cần im lặng hay lên tiếng trước vấn đề này.
Trong clip dài hơn 2 phút, hai thành viên dàn cảnh bạo hành bạn gái tại những địa điểm công cộng, thu hút sự chú ý của nhiều người qua lại. Tuy nhiên, kết quả thu được khá bất ngờ khi chỉ có 2 trong số hơn chục người chứng kiến sự việc đến khuyên chàng trai dừng tay, số còn lại đều đứng nhìn, ngó lơ và im lặng.
Clip chưa làm hết tinh thần của thông điệp
Thông điệp Wow TV gửi gắm đến giới trẻ qua clip là "Im lặng trước cái xấu, đó là tội ác". Tuy nhiên, với cách làm nghiệp dư, câu chuyện này chưa thật sự truyền tải hết những gì nhóm muốn hướng đến. Phần quay và diễn xuất vẫn mang tính dàn dựng, chưa đủ sức thuyết phục người xem.
Một độc giả cho rằng, bạn gái trong clip không kêu cứu nên ít người biết để giúp đỡ. Bên cạnh đó, biểu hiện của nhân vật chính giống như đã làm chuyện xấu, còn nam thanh niên lại khá hiền lành. Dương Hùng cũng đồng quan điểm: "Căn bản nhìn clip không thật. Mình xem còn cảm thấy buồn cười nói gì đến giúp?".
Trước những lời góp ý này, đại diện Wow TV cho biết, đây là sản phẩm đầu tay nên vẫn còn nhiều sơ sót. Nòng cốt của nhóm chỉ có hai thành viên, do vậy, mọi công đoạn lên kịch bản, quay và dựng đều do chính diễn viên trong clip thực hiện. Nhóm cũng gặp nhiều áp lực, lo lắng trước mỗi cảnh quay vì không biết phản ứng của người dân như thế nào?
Những người dân qua đường chứng kiến sự việc đa phần đều ngó lơ, im lặng và không can ngăn. Tuy nhiên, họ có những lý do của riêng mình để bảo vệ bản thân. . |
Mất niềm tin vào lòng tốt
Một trong những lý do được nhiều người đưa ra cho sự im lặng của mình là sợ bị liên lụy. Thùy Dung bình luận: "Thanh niên bây giờ rất manh động, chỉ có những người can đánh nhau bị thiệt thòi. Mình đã nhiều lần đọc báo, toàn người vào can bị thương. Chưa kể đến bọn lừa đảo, dàn cảnh để cướp của. Không phải mọi người vô cảm, họ chỉ muốn được sống bình an thôi".
Trước đó, nhiều vụ dàn cảnh đánh nhau để cướp xe diễn ra khiến người dân bất an. Không ít người ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản khi "ra tay nghĩa hiệp". Một số trường hợp đóng kịch ăn xin và lợi dụng lòng thương hại gây tâm lý đề phòng và mất dần niềm tin vào lòng tốt trong xã hội.
"Vô cảm đang là căn bệnh khó chữa của người Việt. Thay vì trực tiếp can thiệp, bạn có thể tìm đến người có chức quyền hay khả năng xử lý sự việc tốt hơn như công an, bảo vệ khu vực gần đó để giải quyết chính đáng mà không sợ liên lụy đến bản thân" - Sỹ Đạt bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ với Zing.vn, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A cho biết, nếu nói người dân hiện nay vô cảm thì không hẳn đúng. Họ có những lý do của riêng mình để phản ứng trước mỗi sự việc diễn ra trong đời sống hàng ngày.
Ở vấn đề bạo hành này, nguyên nhân đầu tiên khiến họ quyết định cân nhắc có nên giúp đỡ hay không là do muốn bảo vệ cho sự an toàn của bản thân. Họ cũng biết được sức mình có đủ để cứu người khác và sau khi cứu, có thêm những hậu quả gì nữa không?
"Việc người dân thờ ơ trước sự việc, bị quy chụp vô cảm cũng là điều dễ hiểu. Ai nhìn thấy những con số đó cũng đều bất bình và cảm thấy buồn trước thực trạng hiện nay. Đối với cá nhân tôi, tôi ủng hộ tinh thần, thông điệp của nhóm bạn trẻ làm clip. Qua những clip mang tính giáo dục này, tôi hy vọng mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ, cách nhìn để cuộc sống dần trở nên tốt đẹp hơn" - bà nói thêm.