Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không lây HIV sang con nếu được tư vấn kỹ

Từ tuyệt vọng, bi quan, nhiều cặp vợ chồng tìm thấy lại niềm vui sống khi con cái họ sinh ra không bị nhiễm HIV/AIDS.

Xin gặp nhiều người nhiễm HIV để tìm hiểu gia cảnh, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu dù đã hứa bảo mật cho họ. Chúng tôi hiểu họ đang rất hạnh phúc với đứa con sinh ra không nhiễm HIV và đang muốn quên đi căn bệnh đáng nguyền rủa đang ẩn trong máu họ.

Thở phào nhẹ nhõm

Gọi điện thoại cho anh Nguyễn Việt (tên đã được đổi, ngụ quận Gò Vấp), chúng tôi rất mừng khi anh Việt đồng ý tiếp xúc. Chỉ một lát, anh Việt chạy xe đến và điều làm chúng tôi bất ngờ là anh sở hữu một thân hình cao to, vạm vỡ.

Ít ai biết Việt đã nhiễm HIV cách đây năm năm và hiện đang uống methadone hỗ trợ cai nghiện ma túy. Anh đến một mình, vợ anh đang bận buôn bán nên không đến được.

Anh Việt kể trước đây anh “chơi” ma túy và bị nhiễm HIV. Bạn gái (nay là vợ anh) cũng dính HIV lây từ anh. “Tâm trạng sao à? Tôi với bạn gái lúc đó tâm trạng rối bời, tự ti lắm”. Anh Việt kể anh sa vào con đường nghiện ngập nặng hơn và bất cần đời. Nhưng anh đi đâu thì bạn gái anh cũng theo đó để thuyết phục anh trở về. “Nếu xa rời anh ấy thì anh sẽ chết dần, chết mòn” - bạn gái anh tâm sự với một nhân viên đồng đẳng. Với cách nghĩ tích cực này, bạn gái anh đã kéo anh ra khỏi sự bi quan, tuyệt vọng.

“Sau khi ổn định về tâm lý, chúng tôi lấy nhau nhưng không muốn có con vì nghĩ con cũng sẽ bị lây nhiễm, tội nghiệp chúng” - anh Việt kể. Rồi một hôm, vợ chồng anh gặp cô Trương Ngọc Nhu, một nhân viên tư vấn của chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Cô Nhu nói rằng nếu vợ chồng anh uống thuốc phòng lây nhiễm cho thai nhi thì có khả năng con sinh ra không bị lây nhiễm. “Thế là chúng tôi quyết định có con”, anh Việt nói.

Việc có con của vợ chồng anh Việt còn là niềm mong mỏi của ông bà nội vì anh là con trai duy nhất. Thế nhưng khi có thai, vợ anh bị té và sẩy thai. Anh Việt định thôi nhưng thấy quyết tâm của vợ nên anh vững tin. Trong thời gian có thai lần sau, vợ anh thăm khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của nhân viên chương trình. “Đó là khoảng thời gian hồi hộp nhất với tâm trạng mừng lo lẫn lộn” - anh Việt nói. Rồi ngày sinh cũng tới. Anh thở phào nhẹ nhõm khi kết quả xét nghiệm cho biết con trai anh âm tính với HIV. “Hiện cháu hơn hai tuổi, bi bô suốt ngày. Ông bà nội, cô và cả hai vợ chồng tôi vô cùng hạnh phúc. Cháu là động lực sống của vợ chồng tôi”, anh Việt tâm sự.

Mừng rơi nước mắt

Chị Nguyễn Thị Vân (tên đã thay đổi, ngụ quận 3) đồng ý tiếp chúng tôi. Chị mang theo đứa con trai trắng trẻo, xinh xắn khoảng hai tuổi.

Chị Vân cho biết ngày trước chị làm nghề uốn tóc. Chồng chị thất nghiệp nên hay rượu chè say xỉn. Do thiếu kiến thức về sinh sản nên khi có thai hơn năm tháng chị mới phát hiện. Chị muốn bỏ thai do kinh tế gia đình khó khăn nhưng tới bệnh viện nào các bác sĩ cũng lắc đầu vì thai đã quá lớn.

Người nhiễm HIV còn nhiều khó khăn để hòa nhập cộng đồng.

Người nhiễm HIV còn nhiều khó khăn để hòa nhập cộng đồng.

Ngày vào BV Nhân dân Gia Định sinh con, đất dưới chân chị như sụp xuống khi bác sĩ báo tin chị nhiễm HIV. Chị Vân nói: “Chồng tôi bị yếu tim nên tôi càng phải bình tĩnh hơn, lựa dịp thuận tiện để báo cho chồng biết”.

Hôm người chồng được báo tin, anh la lối, khóc lóc chạy quanh xóm. Rồi vợ chồng chị được tư vấn về căn bệnh HIV/AIDS. Cú sốc dần cũng nguôi ngoai. Chị Vân được các thầy thuốc BV Nhân dân Gia Định tư vấn về nguy cơ lây nhiễm mẹ sang con cũng như các giải pháp phòng ngừa. Con chị sinh ra được uống thuốc dự phòng và sữa của chương trình.

“Một tháng chờ kết quả xét nghiệm của con là những ngày u ám nhất của hai vợ chồng” - chị Vân nói. Ngày nhận kết quả xét nghiệm, thấy con không bị nhiễm, hai vợ chồng mừng rơi nước mắt. Gia đình chị càng hạnh phúc hơn khi người chồng sau đó được thông báo không nhiễm HIV.

Từ đó cuộc sống gia đình chị Vân thay đổi đến không ngờ. Chồng chị từ một người be bét rượu chè đã trở thành trụ cột cho gia đình. Anh có thể đi phụ hồ, chạy xe ôm và làm bất cứ cái gì để nuôi con. “Có con hạnh phúc lắm”, chị Vân trải lòng nhẹ nhàng.

Ngồi trong lòng mẹ, bé trai con chị đòi xuống đất chạy chơi. Trông cháu khỏe và lanh lợi. Chị Vân nói nếu không có các chính sách hỗ trợ, tư vấn cho người nhiễm HIV thì gia đình chị sẽ không có ngày hôm nay. Chị cho biết chờ con lớn hơn một chút chị sẽ mở lại tiệm uốn tóc để phụ chồng nuôi con. Thấy hoàn cảnh chị còn khó, chúng tôi xin hỗ trợ 200.000 đồng và 10 kg gạo. Ái ngại một lúc chị Vân mới nhận: “Cầm để các anh vui”.

Năm 2013, tỉ lệ lây nhiễm mẹ con còn 2,3%

Từ năm 2005, TP.HCM đã triển khai Chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Thai phụ nhiễm HIV được giới thiệu qua các phòng khám để được chăm sóc, theo dõi và cấp phát thuốc điều trị dự phòng liên tục suốt đời.

Mỗi năm trung bình có khoảng 600 thai phụ nhiễm HIV được tầm soát. Nếu không được dự phòng thì tỉ lệ nhiễm sang con là 30%-40%. Nhưng nếu được dự phòng thì có 2%-6% trẻ nhiễm. Thực tế năm 2013, tỉ lệ lây truyền HIV tại TP.HCM là 2,3%.

BS Trần Thị Đoan Trang, phụ trách Chương trình phòng, chống lây nhiễm mẹ con, Ủy ban Phòng, chống AIDS TP.HCM

_____________________________________

Nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV từ suy sụp, bất an nay đã lấy lại thăng bằng và cùng nhau nuôi con, vượt qua mặc cảm. Câu nói tôi cảm động nhất là khi gặp tôi bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng hỏi: Vậy con tôi có sao không bác sĩ. Đó là sự lo lắng của tình máu mủ...

BS Nguyễn Thị Trúc Vi, Trưởng khoa Sản 
BV Nhân dân Gia Định

Tôi tư vấn cho khoảng 300 cặp vợ chồng. Giờ tôi là bà nội, bà ngoại của rất nhiều cháu. Cứ đến đầy tháng, thôi nôi họ lại mời. Có lúc nửa đêm chuông điện thoại reo, nghe máy giọng quen quen mà không nhớ ai. “Con cảm ơn má vì không có má thì tụi con không có ngày hôm nay...”. Hạnh phúc lắm!

Chị Trương Ngọc Nhu, nhân viên xã hội Ủy ban 
Phòng, chống AIDS TP.HCM

http://plo.vn/suc-khoe/khong-lay-hiv-sang-con-neu-duoc-tu-van-ky-512731.html

Theo Duy Tính/ Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm