Theo tiến sĩ Puja Aggarwal, bóng đá là một môn thể thao có thể gây ra các chấn thương đầu ở trẻ. Ảnh: Steven Siewert. |
Tờ Insider cho hay vị tiến sĩ trên là bà Puja Aggarwal - một nhà thần kinh học - chuyên về bệnh động kinh. Bà đang là bác sĩ ở thành phố Orlando (Mỹ) và từng lãnh đạo nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng liên quan đến bệnh thần kinh.
Trong quá trình làm việc, tiến sĩ Puja Aggarwal đã quá quen thuộc với những rủi ro chấn thương đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Vì vậy, cách làm mẹ của bà cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Vừa qua, tiến sĩ Puja Aggarwal đã đăng tải một video lên mạng xã hội, liệt kê 4 hoạt động bà không bao giờ muốn con tham gia. Theo bà, các hoạt động này đều có thể mang đến những rủi ro "giết chết các tế bào não" và những tác động lâu dài khác, nghiêm trọng nhất là dẫn đến nguy cơ tử vong.
Chơi bóng đá
Tiến sĩ Puja Aggarwal cho rằng bóng đá là môn thể thao không đáng để trẻ mạo hiểm vì có thể gây ra các chấn thương đầu. Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định sẽ không bao giờ cho con chơi bóng bầu dục Mỹ - môn thể thao này có tỷ lệ chấn động cao, có thể gây tổn thương não lâu dài.
Trong một nghiên cứu về 20 môn thể thao ở trường trung học được công bố trên Tạp chí Nhi khoa, kết quả cho thấy trẻ chơi bóng đá nam có tỷ lệ chấn động cao nhất, đặc biệt khi trẻ tham gia các trận đấu. Các môn thể thao có tỷ lệ chấn động cao thứ 2 và 3 lần lượt là bóng đá nữ và khúc côn cầu trên băng nam.
Các chấn động này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài có thể gây ra bệnh não do chấn thương mạn tính (CTE) - căn bệnh thoái hóa não liên quan đến tính hung hăng, tâm trạng thất thường và khả năng kiểm soát xung lực kém.
Một nghiên cứu dựa trên bộ não của các cầu thủ bóng đá đã qua đời (hiến tặng cho khoa học) kết luận ngay cả người có dấu hiệu nhẹ của bệnh CTE cũng có nguy cơ tử vong cao.
Lái xe địa hình
Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) xe địa hình (ATVs) rất phổ biến đối với những người đam mê hoạt động ngoài trời ở mọi lứa tuổi. Nó có trọng tâm cao và đường hẹp, vì vậy, dễ làm tăng nguy cơ va chạm.
APP nhấn mạnh người lái ATVs phải có kỹ năng, tư duy nhanh nhạy, phản xạ và sức mạnh lớn. Vì vậy, trẻ em dưới 16 tuổi không nên điều khiển ATVs. Những người đủ tuổi điều khiển ATVs cũng cần tránh đi trên đường công cộng và tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn cơ bản..
Trẻ em dưới 16 tuổi không nên điều khiển xe địa hình. Ảnh: Future Sport. |
Tuy nhiên, thực tế, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Clinical Pediatrics về chấn thương đầu và cổ liên quan đến ATVs, trẻ em dưới 12 tuổi lại chiếm gần một nửa số người trẻ bị thương vì loại xe này.
Nghiên cứu cho thấy từ năm 1990 đến 2014, trung bình mỗi ngày có 31 trẻ em và thanh thiếu niên bị chấn thương đầu (không tử vong) do tai nạn ATVs. Mặc dù tỷ lệ chấn thương đã giảm vào cuối giai đoạn nghiên cứu, nhưng các tác giả cho biết rủi ro vẫn còn.
Nhảy trên tấm bạt lò xo ngoài trời
Trampolines (sàn nhún) bị cấm tại nhà của tiến sĩ Aggarwal. Bà cho rằng việc nhảy trên tấm bạt lò xo ngoài trời là hành động đặc biệt nguy hiểm. Nó có thể khiến trẻ bị ngã xuống nền cứng và dẫn đến các chấn thương đầu (như chấn động hoặc chảy máu não).
Trampolines tại nhà là nguyên nhân gây ra hàng nghìn ca chấn thương mỗi năm ở Mỹ. Ảnh: Mom Loves Best. |
Theo Stanford Medicine, trampolines tại nhà là nguyên nhân gây ra hàng nghìn ca chấn thương mỗi năm ở Mỹ. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi có nguy cơ bị tổn hại cao nhất. Các chấn thương nghiêm trọng từ việc chơi trampolines bao gồm chấn động, gãy xương, chấn thương đầu, cổ và có thể dẫn đến tê liệt hoặc tử vong.
Bắn súng
Cuối cùng, tiến sĩ Aggarwal cho rằng bắn súng là nguyên nhân gây ra các chấn thương đầu ở trẻ mà không cần nhiều lời giải thích.
"Bắn súng có thể thẳng tay giết chết bạn", bà Aggarwal nói.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.