Mùa đông, tôi thường có thói quen ăn các món ăn nóng cho đỡ ngấy. Trong mâm cơm cũng có một cái nồi điện để nhúng thức ăn hoặc lẩu thập cẩm. Khi lấy chồng, mẹ chồng tôi lại bảo: “Thi thoảng mới ăn như vậy thôi, bữa nào cũng ăn thế thì để giết người à?”, tôi không hiểu mẹ chồng tôi nói vậy là ý gì. Liệu bà có ám chỉ chuyện tiền bạc hay là đồ ăn nóng hôi hổi mùa đông là độc hại? Lưu Thu Hương (Hà Nội)
Vì bạn không nói rõ nội tình chuyện chi tiêu trong gia đình (do bạn hay mẹ chồng chi trả) nên không bàn về chuyện bà có ám chỉ chuyện tiền bạc hay không. Nhưng xét về mặt khoa học thì mẹ chồng bạn tuy nói hơi quá, nhưng không phải không có lý. Bởi nếu thường xuyên ăn thức ăn quá nóng dễ dẫn tới niêm mạc thực quản bị bỏng, có thể trở thành một trong những nguyên nhân phát bệnh ung thư thực quản.
Sở dĩ nói như vậy là vì các tế bào thượng bì của niêm mạc thực quản thường xuyên bị nóng kích thích nên sinh ra bị bỏng. Để kịp thời bổ cứu vết thương bỏng, tổ chức tế bào phân liệt nhanh hơn, nếu lại gặp sự kích thích xấu khác như ngộ độc thực phẩm, thức ăn không sạch, sự kích thích của rượu, thuốc lá… rất có thể sẽ dẫn tới ung thư niêm mạc thực quản.
Ngoài việc không nên ăn thức ăn nóng, bạn cũng không nên uống nước sôi, nước trà hay cà phê nóng trên 70 độ vì chúng sẽ gây tổn thương cho dạ dày. Nếu kéo dài thói quen uống đồ quá nóng này thì bạn còn có nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Iran cho thấy, so với việc uống trà ấm (65oC trở xuống), việc uống trà nóng (65-69oC) có liên quan với nguy cơ mắc ung thư thực quản tăng gấp đôi, còn uống trà nóng (từ 70oC) trở lên lại gắn với con số nguy cơ tăng gấp 8 lần. Tương tự, so với việc uống trà trong vòng 4 phút hoặc hơn sau khi rót ra, uống trà sau khi rót chưa đầy 2 phút sẽ làm tăng nguy cơ lên 4 hoặc 5 lần.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy: Những vùng thích ăn thức ăn nóng, tỷ lệ ung thư thực quản cao hơn rõ rệt. Vì vậy, bạn cũng nên hạn chế thói quen này và nên hiểu ý tốt của mẹ chồng bạn.