Sau sự cố cây phượng tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bật gốc, khiến học sinh tử vong, một số trường học tại các địa phương khác cũng có sự cố tương tự. Nhiều trường đã cho hạ tán, cắt tỉa, thậm chí đốn hạ cây phượng.
Cây phượng gắn với tuổi học trò nhưng các chuyên gia lo ngại loại cây này có nguy cơ bị đốn bỏ hàng loạt sau nhiều sự cố. Ảnh minh họa: Xuân Chính. |
"Đáng tiếc nếu các trường đốn bỏ toàn bộ cây phượng"
Trao đổi với Zing, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, cho rằng các mảng xanh trong trường học, đặc biệt tại thành phố lớn, góp phần khích lệ và duy trì tương tác của học sinh với thiên nhiên, tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần, khích lệ tính sáng tạo và tư duy tích cực của các em.
"Tôi rất lo lắng và sẽ rất đáng tiếc nếu các trường đốn bỏ toàn bộ cây phượng", bà Huyền nói.
Với những ý kiến cho rằng cây phượng không thích hợp trồng trong trường học, bà Huyền nói đây là ý kiến cực đoan, một chiều. Khi trồng phượng hoặc bất cứ loại cây nào khác, mọi người nên hiểu về đặc tính của chúng.
Theo giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cây phượng tồn tại từ 30-50 năm, thân cây dễ mục, rỗng và dễ bị sâu bệnh tấn công. Cây trồng khoảng 25-30 năm, nên thay thế. Loại cây này cần được trồng trên diện tích đất đủ rộng, rễ bám vào đất.
"Vấn đề là các trường đem cây phượng về trồng khi nó đã lớn, đường kính 20-30 cm, để cây nhanh kết tán và có bóng mát. Chính vì thế, rễ cây thường ít phát triển, không bám sâu vào lòng đất và rất dễ bị mục.
Hơn nữa, ở thành phố, mức độ bê tông hóa cao, cây không có không gian để phát triển bộ rễ. Một cây phượng ngoài tự nhiên, bộ rễ có thể to ít nhất gấp 2 lần tán lá của nó. Nhưng ở trường học hoặc trong thành phố, do không có không gian, bộ rễ chỉ bám nông trên mặt đất nên rất dễ đổ", bà Huyền phân tích.
Bà khuyến khích các trường rà soát tuổi đời, vấn đề sâu bệnh của cây phượng trồng trong trường. Nếu cây có tuổi đời khoảng 25 năm, trường nên chủ động thay cây mới, chứ không nên đốn hạ theo kiểu "vô tội vạ" một cách cảm tính.
Một trường học tại Gia Lai "niêm phong" cây phượng giữa sân. Ảnh: Kiên Kiên. |
Nếu trồng phượng phải theo dõi thường xuyên
GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), phân tích một trong những nguyên nhân khiến nhiều cây phượng bật gốc gần đây là việc bê tông hóa xung quanh cây.
"Chúng ta trồng cây nhưng lại đổ bê tông, lát gạch lên toàn bộ phần rễ của nó, chỉ để lại một hố ở phần gốc. Bộ rễ sẽ không 'thở' được, rễ cây ăn nổi nhiều hơn, dễ bật gốc", GS Lê Huy Bá nói.
Với cây phượng, các trường phải chấp nhận tuổi đời cây không dài. Sau 20-30 năm, chúng ta nên trồng cây mới thay thế. Không thể sau sự cố vừa rồi lại đổ hết do cây phượng hay nói nó không phù hợp trong trường học.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền
Chung nhận định về vấn đề này, PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc Cảnh quan và Cây xanh đô thị, ĐH Lâm nghiệp, cho rằng những sự cố của cây phượng trong thời gian qua bắt nguồn từ lựa chọn cây và thiết kế, xây bồn bảo vệ không đúng.
"Các trường xây bồn bằng gạch hoặc bê tông, cao 40-45 cm, sau đó lại đổ lớp đất dày vào trong bồn. Đất càng dày, rễ càng khó hô hấp và dần cũng thối, hỏng. Nhìn phía trên, cây vẫn xanh tươi nhưng thực tế gốc rễ không còn sự sống", PGS Hà cho biết.
Theo GS Bá, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn cây phượng khỏi trường học. Cây phượng là một trong những cây có tán rộng, hoa đẹp, gắn với kỷ niệm học trò. Cây phượng nên được trồng ở trường học, vấn đề là phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc. Không nên cực đoan thái quá sau vụ việc cây phượng bật gốc mà đốn bỏ toàn bộ.
Theo ông, khi trồng phượng, các trường học, cơ quan nên chọn cây nhỏ, không nên làm bê tông hóa khu vực rễ cây, cố gắng để nước, phân bón có thể thoát xuống phần gốc, nếu tốt hơn thì có thể bón phân theo tán cây.
Ngoài ra, với những cây to, đường kính từ 40 cm, rễ bắt đầu trồi lên, cành nhánh rất giòn, dễ gãy, gốc rất dễ mục... Do vậy, hàng năm phải có chuyên gia "thăm khám" cho cây.
PGS Hà cho rằng nếu vẫn muốn trồng phượng trong trường, nhà trường phải theo dõi thường xuyên từ khi cây còn nhỏ, khi trồng phải chống đỡ, cắt tỉa tán để tạo thế cân đối. Mùa mưa bão, trường phải cắt bớt cành yếu để đảm bảo an toàn.
"Khi trồng cây ở cơ quan, trường học, nơi đông người qua lại, chúng ta cần theo dõi. Cây đến tuổi phải thay thì nên làm ngay. Với cây phượng, các trường phải chấp nhận tuổi đời cây không dài. Sau 20-30 năm, chúng ta nên trồng cây mới thay thế. Không thể sau sự cố vừa rồi lại đổ hết là do cây phượng hay nói cây phượng không phù hợp trong trường học”, bà Đỗ Thị Thanh Huyền nhận định.
Cây phượng đổ ở nhiều trường học
Sáng 26/5, cây phượng cổ thụ trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng, quận 3 (TP.HCM) bật gốc, đè 18 học sinh. Một em trong số đó tử vong.
Sáng 28/5, cây phượng đường kính khoảng 1 m, trong khuôn viên trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bật gốc. Chiều cùng ngày, cây phượng cao khoảng 20 m bên cạnh Đại học Văn Hóa TP.HCM (quận 9) cũng bị đổ sau cơn mưa lớn.
Trưa 29/5, cây phượng trong khuôn viên trường Tiểu học Thái Hòa A (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cũng bất ngờ bật gốc.
Chiều 30/5, cây phượng cổ thụ đang ra hoa tươi tốt tại khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Du (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bật gốc.
Ngày 26/5, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM, các sở GD&ĐT trong toàn quốc, chỉ đạo ngay nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn để kiểm tra, kiểm kê, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm…, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Trước tình hình trên, lãnh đạo nhiều địa phương yêu cầu các cơ quan, đơn vị kiểm tra cắt tỉa cây xanh, thậm chí đốn hạ những cây có nguy cơ đổ để đề phòng tai nạn.