Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường học 'niêm phong' cây phượng để đảm bảo an toàn cho học sinh

Sau vụ việc phượng vĩ bật gốc ở TP.HCM, trường THCS Trần Phú, Gia Lai, dùng ghế đá, chăng dây, "niêm phong" cây phượng trong sân trường.

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, hình ảnh cây phượng vĩ xòe tán rộng, ngập hoa đỏ được "niêm phong" giữa sân trường nhận được nhiều ý kiến.

"Mới học tiết 4 xong, thấy cảnh cây phượng niêm phong", Hiếu Kiên, học sinh lớp 9, trường THCS Trần Phú, Pleiku, Gia Lai, chia sẻ trên nhóm Facebook. Hình ảnh thu hút 87.000 lượt cảm xúc, hơn 3,1 nghìn bình luận cùng 2,6 nghìn lượt chia sẻ.

quay cay phuong trong truong hoc anh 1

Trường THCS Trần Phú quyết định "niêm phong" cây phượng sau sự cố xảy ra gần đây. Ảnh: Facebook Hiếu Kiên.

Nhiều người cho rằng việc "cách ly" cây phượng trong mùa mưa bão vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, vừa giữ được cây phượng vĩ đẹp. Họ thừa nhận rất tiếc khi chặt bỏ phượng nhưng nếu không có biện pháp đảm bảo an toàn, các trường buộc phải làm vậy.

Trong khi đó, một số dân mạng nhìn ảnh, thấy tiếc cho những cây phượng đã hoặc sắp bị chặt ở trường mình, đồng thời bày tỏ việc "niêm phong" phượng có thể bảo vệ nó khỏi nguy cơ bị đốn hạ.

Dưới bài đăng, các học sinh khác của trường cũng chia sẻ hình ảnh cây phượng lúc chưa bị quây lại.

quay cay phuong trong truong hoc anh 2
quay cay phuong trong truong hoc anh 3

Ảnh phượng vĩ ở trường THCS Trần Phú thời chưa bị "cách ly". Ảnh: Học sinh cung cấp.

Trao đổi với Zing, thầy Nguyễn Đình Nghệ, Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú, cho biết qua mấy vụ phượng đổ ở Đắk Lắk, TP.HCM, nhà trường quyết định dùng ghế đá và dây quây cây phượng để học sinh, giáo viên không lại gần.

Tuy nhiên, ông từ chối thông tin trường sẽ áp dụng cách này thay vì chặt bỏ cây phượng hay đây chỉ là biện pháp tạm thời.

Trước đó, ngày 26/5, cây phượng vĩ ở trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM, bật gốc, khiến một học sinh tử vong, 17 em khác bị thương.

Tiếp đó, 3 cây phượng khác ở trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (Đắk Lắk), cạnh ĐH Văn Hóa TP.HCM và trường Tiểu học Thái Hòa A (Bình Dương), cũng đổ. Rất may, 3 sự cố này không gây thương vong.

Ngay trong ngày 26/5, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM, các sở GD&ĐT trong toàn quốc, chỉ đạo ngay nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn để kiểm tra, kiểm kê, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm…, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Sở GD&ĐT TP.HCM đã ra thông báo khẩn liên quan đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong trường. Các trường học trên địa bàn rà soát cây xanh trong trường.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường thường xuyên yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh, không để gây mất an toàn trong trường học.

Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng đề nghị lãnh đạo các trường phối hợp đơn vị quản lý môi trường đô thị kiểm tra, rà soát toàn bộ cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên đơn vị, trường học có thể gây nguy hiểm; thực hiện cắt tỉa và gia cố cọc chống chưa đảm bảo đối với cây bóng mát mới trồng.

Sau tai nạn làm học sinh tử vong, trường học chặt cây lâu năm

Sau sự cố tại trường THCS Bạch Đằng, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) phải đốn hạ 6-7 cây lâu năm không đạt chuẩn.

Bách Linh

Bạn có thể quan tâm