Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể như cô gái 35 tuổi chưa yêu ai, là cây bonsai để mẹ cắt tỉa

Những người trẻ lớn lên trong sự bảo bọc, hậu thuẫn quá mức của cha mẹ dễ gặp các vấn đề trong giao tiếp xã hội, khả năng tự quyết, thậm chí rơi vào trầm cảm khi trưởng thành.

Cô gái 35 tuổi hẹn hò, mẹ tới xem và chê đối phương 'không chấm được' Tại chương trình "Hẹn ăn trưa" số 159, Lương Nguyễn (33 tuổi) bị mẹ của bạn nữ hết lời chê bai về nghề nghiệp, tính cách, cho rằng không xứng hẹn hò con gái mình.

Người mẹ lên sân khấu “kén bạn trai” cho con gái 35 tuổi chưa từng yêu tại chương trình “Hẹn ăn trưa” trở thành tâm điểm bàn tán trong cộng đồng mạng những ngày gần đây.

Bà khiến khán giả bức xúc khi mới gặp gỡ lần đầu đã ngay lập tức chê bai nghề nghiệp, tính cách của nam HLV yoga bằng loạt lời lẽ nặng nề, khiếm nhã. Bà cũng đưa ra những tiêu chí “kén rể” của mình và khẳng định chàng trai không có điểm gì “chấm được” để hẹn hò với con gái mình.

Nhiều ý kiến cho rằng việc người mẹ can thiệp quá sâu đến quyền lựa chọn hạnh phúc của con gái đã ở tuổi trưởng thành là khó chấp nhận.

Song nhiều người còn bất ngờ hơn khi Kim Oanh - nữ chính trong chương trình - không hề phản bác ý kiến của mẹ, thậm chí còn thuận theo quan điểm của bà. Trong cuộc trò chuyện với bạn nam, Kim Oanh cho hay cô chưa từng có một mối tình nào trước đây vì luôn cảm thấy e ngại khi tiếp xúc với người lạ, lo sợ nguy cơ về tệ nạn xã hội nếu đồng ý hẹn hò ai đó.

cha me kiem soat con anh 1

Mẹ của Kim Oanh là tiêu biểu cho những phụ huynh nuôi con theo kiểu "trực thăng".

Mẹ của Kim Oanh được xem là đại diện cho “helicopter parents” (tạm dịch: cha mẹ "trực thăng") - thuật ngữ dùng để chỉ những bậc phụ huynh luôn “lơ lửng như chiếc máy bay trực thăng” để kiểm soát và chăm sóc con cái một cách thái quá, muốn thay con định hướng mọi vấn đề trong cuộc sống.

Lớn lên trong gia đình có cha mẹ kiểm soát quá mức, những người trẻ dễ gặp phải các vấn đề về ứng xử và các mối quan hệ xã hội, thiếu tự tin, mất khả năng tự quyết định vấn đề. Khi cảm thấy ngột ngạt vì có cha mẹ quan tâm quá mức, nhiều người còn có xu hướng chống đối để thoát ra, thậm chí rơi vào stress.

Ẩn thân dưới cái bóng của cha mẹ

Lớn lên trong sự bảo bọc của cha mẹ, Ngọc Mai (nhân viên văn phòng) tự nhận xét mình như một “con búp bê trong lồng kính”, mặc nhiên chấp nhận sự sắp đặt của gia đình.

Từ trước tới nay, chọn học trường gì, ngành nào, cô đều được cha mẹ hậu thuẫn. Gia đình khá giả, Mai không phải lo bất kỳ khoản chi tiêu nào, cũng chưa từng có suy nghĩ đi làm thêm tích lũy kinh nghiệm suốt 4 năm đại học.

“Với mình, học đại học cũng không khác với những năm phổ thông, chỉ có khoảng cách là xa hơn một chút. Cứ 2 tuần mình về nhà một lần. Trở lại thành phố, mẹ gói ghém đồ ăn, chi phí sinh hoạt, nếu hết tiền chỉ cần một cuộc điện thoại mẹ sẽ ngay lập tức gửi mà không cần thắc mắc lý do”.

cha me kiem soat con anh 2

Cha mẹ kiểm soát, giúp con định hướng mọi thứ khiến con cái thiếu tự tin khi trưởng thành. Ảnh: NPR.

Thế nhưng 9X thừa nhận chính sự nâng đỡ sát sao của cha mẹ khiến cô mất dần động lực cố gắng, thiếu hụt nhiều kỹ năng cơ bản.

“Từ nhỏ tới lớn mình chỉ biết học, mọi việc nhà đều có mẹ và bác giúp việc lo hết. Lên đại học mình cũng không phải nấu ăn, quần áo cứ mang ra hàng giặt là”.

Thay vì dạy con phải tự tin, tự lập, cha mẹ gieo vào suy nghĩ của Mai tâm lý dè chừng mọi thứ. Ở thành phố không được đi lung tung, mỗi ngày đều gọi điện báo cáo với mẹ xem học gì, đi đâu, với ai. Thậm chí khi ở Hà Nội mình cô chỉ dám đi ra ngoài nếu có người quen đến chở, không dám gọi xe ôm vì sợ.

Cú sốc lớn nhất đến với Mai vào năm cuối đại học khi cô không thể thi được chứng chỉ tiếng Anh để ra trường. Là một người học chuyên khối C, tiếng Anh chưa bao giờ là môn “dễ nuốt” với cô. Dù chật vật thi lại đến 4 lần cô vẫn không đạt.

Sự kỳ vọng của gia đình sụp đổ khi cô không thể lấy bằng đúng hạn như bạn bè cùng khóa. "Không có bằng, đồng nghĩa với việc khó đi xin việc trong khi bản thân xưa nay chưa từng làm thêm để tích lũy kinh nghiệm ở đâu" - những suy nghĩ bi quan khiến Mai rơi vào bế tắc.

“Khi ấy mình gần như chán nản hoàn toàn về bản thân. Mình chưa từng học phải làm sao khi thất bại như thế. Cha mẹ không thể giúp gì cả, tiền bạc không giải quyết được vấn đề. Khi bạn bè nhận bằng và bắt đầu tìm việc, mình về quê. Xấu hổ, tuyệt vọng, mình bị stress nặng và nhịn ăn, tự nhốt mình trong phòng cả ngày”.

Thấy con gái khóa cửa phòng, gọi cửa nhất quyết không mở, từ trách móc, mẹ của Mai chuyển sang lo lắng. Nắm hết danh sách bạn bè của con, bà gọi điện nhờ nhóm 3 người bạn thân của Mai từ Hà Nội về quê động viên bởi sợ cô suy nghĩ dại dột.

Vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng đó, Mai phải đợi sang năm học mới để thi cùng khóa sau. Thêm 2 lần thi, cuối cùng cô cũng lấy được bằng.

“Lấy được bằng nhưng mình cũng không tự đi xin việc mà vào công ty người quen của bố làm. Đến tận bây giờ, dù không muốn ẩn thân vào cái bóng của cha mẹ, mình không đủ tự tin bước ra ngoài làm, không biết mình có thể làm được việc khác hay không”.

Mai nói rằng được cha mẹ hậu thuẫn quá lâu khiến cô có cảm giác bản thân không có đủ năng lực để tự thân vận động, không có mục tiêu hay tham vọng cá nhân. Thậm chí Mai không dám dứt mình ra khỏi sự bảo bọc của gia đình.

"Không muốn là cây bonsai để mẹ cắt tỉa"

Là con một trong nhà, từ nhỏ Minh Phương (24 tuổi, nhân viên truyền thông) đã được mẹ định hướng theo kỳ vọng của bà.

Năm lớp 12, Minh Phương viết hồ sơ thi đại học với 2 nguyện vọng, một vào trường Kinh tế quốc dân như mong muốn của mẹ và một vào khoa Báo chí như sở thích của cô.

“Mẹ mình là người làm việc giỏi, nhưng khá bảo thủ. Không chỉ có mình mà tất cả anh chị họ mình đều được mẹ mình định hướng theo ngành kế toán của mẹ. Mẹ luôn cho rằng định hướng của mình là đúng đắn, là tốt và mọi người hiển nhiên nên nghe theo”.

cha me kiem soat con anh 3
Nhiều bậc cha mẹ muốn thay con quyết định mọi thứ. Ảnh: Howard McWilliams.

Cuối cùng, Phương chọn học báo chí. Một phần đó là thứ cô muốn theo đuổi, phần nữa vì “không muốn trở thành cây bonsai để mẹ cắt tỉa tùy ý”.

“Nhà chỉ có hai mẹ con, người mình yêu thương nhất chính là mẹ. Nhưng chính kỳ vọng lớn mà bà đặt lên đứa con duy nhất cũng là gánh nặng khiến mình luôn bị áp lực. Mẹ dõi theo mình từng bước, không ngừng so sánh mình với những người tốt hơn và mong mình giống như thế”.

Thế nhưng mẹ càng cố “dũa” con theo ý mình bao nhiêu, Phương lại càng cố sức lách mình theo hướng khác.

Phương thừa nhận dù mẹ là người quan trọng nhất nhưng cô khó hòa hợp với bà bởi cả hai đều mạnh mẽ, luôn kiên quyết làm theo ý mình. Những năm học đại học đến khi đi làm đều xa nhà khiến cô thấy dễ thở hơn vì không bị mẹ kiểm soát thường trực.

“Đôi khi mẹ lo lắng thái quá, quan tâm đến mức khiến mình thấy bức bối và muốn thoát ra. Những kỳ kiến tập, thực tập của mình mẹ đều cố gắng tìm người quen để nhờ cậy nhưng mình né tránh vì không thích cảm giác dựa dẫm”.

Phương chia sẻ mẹ luôn muốn cô là người giỏi nhất và tìm mọi cách giúp đỡ để cô trở thành người như bà kỳ vọng.

“Từ nhỏ đến lớn điều khiến mình sợ nhất là ánh mắt thất vọng của mẹ khi con không đứng nhất lớp. Mình nhớ như in lần gọi điện về báo cho mẹ mình tốt nghiệp đại học loại giỏi và điểm tổng kết cao nhất lớp, nhưng đổi lại mẹ chỉ nói: ‘Thế không phải bằng xuất sắc à?’. Không thêm một lời khen ngợi nào. Lúc đó mình gần như bật khóc”.

Ngay cả lúc Phương ra trường và nhanh chóng được thi tuyển thành công vào một công ty truyền thông có tiếng, mỗi lần gọi điện mẹ đều khuyên cô chuyển hướng sang kinh tế để “dễ xây dựng sự nghiệp”.

“Đến bây giờ điều khiến mình buồn nhất chính là mẹ chưa bao giờ thực sự ủng hộ đam mê của mình. Vì mẹ không thông thạo về truyền thông nên sợ sau này không giúp gì được cho con. Mẹ chăm chút cho mình nhưng dường như chẳng coi trọng liệu đó có phải thứ mình cần và tốt cho mình thật hay không”.

Cha mẹ bảo bọc quá mức, con cái mất quyền trưởng thành

Ngọc Mai hay Minh Phương không phải những người trẻ hiếm hoi được cha mẹ nuôi dạy theo kiểu “trực thăng”. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, số lượng thanh niên đã lớn tuổi nhưng bị cha mẹ “tước quyền được trưởng thành” ngày càng cao.

Julie Lythcott-Haims, tác giả cuốn sách Làm thế nào để nuôi dạy con trưởng thành, cho rằng việc các ông bố bà mẹ "trực thăng" giám sát con 24/24 ảnh hưởng xấu đến sự tự lập của chúng.

cha me kiem soat con anh 4

Cha mẹ nuôi dạy kiểu "trực thăng" ảnh hưởng đến con cái khi trưởng thành.

Theo trang HuffPost, một khảo sát chỉ ra đa số cha mẹ là “helicopter parents” thuộc tầng lớp trung lưu, có trình độ học vấn cao hoặc là người giàu có với các nguồn lực xã hội cũng như tài chính để hỗ trợ con cái trong quá trình chúng trưởng thành.

Trong khi các bậc cha mẹ nới lỏng sự quản lý, để con được tự do khi chúng bắt đầu bước vào đại học, “helicopter parents” lại siết chặt quản lý hơn ở giai đoạn này.

Sự giám sát quá mức có khả năng cao sẽ phản lại mục đích ban đầu của cha mẹ. Những người trẻ có cha mẹ quản lý theo kiểu “trực thăng” cũng có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn và thường không hài lòng về cuộc sống gia đình.

Nhận được sự hỗ trợ “tận răng” của cha mẹ dù không yêu cầu khiến con cái cảm thấy bản thân không đủ năng lực và ít chủ động hơn so với bạn bè đồng trang lứa, dẫn đến cảm giác thiếu tự tin vào chính mình.

Wendy Mogel - nhà tâm lý học lâm sàng, một chuyên gia về nuôi dạy con cái - cũng có những nghiên cứu về vấn đề này. Bà cho rằng sự bảo vệ quá mức của cha mẹ, thậm chí không để cho họ đấu tranh hay được phép thất bại, khiến con cái mất đi quyền được trưởng thành.

Cùng với đó, nhà tâm lý học cũng chỉ ra những hệ lụy khi con cái lớn lên theo cách nuôi dạy của cha mẹ “trực thăng”. Nhiều người trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp và ngại thiết lập quan hệ với người khác vì quá phụ thuộc vào cha mẹ. Có người không học nổi kỹ năng sống cơ bản như nấu ăn, dọn dẹp hay giặt đồ.

Việc phụ huynh định hướng, can thiệp vào đời sống của con trẻ cũng khiến chúng mất đi khả năng tự đưa ra quyết định cá nhân khi trưởng thành, kể cả chuyện yêu đương và kết hôn.

Học sinh Hong Kong tuyệt vọng ở Vũ Hán vì kỳ thi đại học gần kề

Mắc kẹt tại Vũ Hán do dịch Covid-19, nhiều học sinh Hong Kong đang gặp khủng hoảng vì nguy cơ không thể tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm