Zing.vn trích dịch bài viết từ South China Morning Post đề cập đến việc nhiều bạn trẻ châu Á chuộng các sản phẩm thời trang từ thương hiệu Harvard trong khi họ không có mối liên quan thực tế nào đến ngôi trường danh tiếng này.
Harvard là cái tên đại diện cho một thương hiệu và nổi tiếng với mọi người. Nó không chỉ tượng trưng cho sự uy tín và thành công mà còn thể hiện nơi tập trung một phần những con người tinh hoa nhất trên toàn cầu.
Đây có lẽ là lý do tại sao những chiếc áo khoác thể thao và mũ beanie của Harvard luôn bán rất chạy, ngay cả với những người chỉ theo học hệ liên kết với trường đại học Ivy League của Mỹ.
Harvard là cái tên đại diện cho một thương hiệu và nổi tiếng. Ảnh: SCMP. |
Giá trị bên trong những chiếc áo
Thương hiệu và thời trang là những giá trị đan xen. Một số trường đại học vẫn dạy về tầm quan trọng của nhận thức về thương hiệu - cách khách hàng nhớ lại hoặc nhận ra thương hiệu. Trong kinh doanh, nhận thức này là chìa khóa để khách hàng đưa ra quyết định mua hàng.
Tuy nhiên, những người chọn mua quần áo từ thương hiệu Harvard đang muốn dựng lên một sự liên quan nào đó giữa họ và một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới này.
Trong nhiều thế hệ, Harvard được coi là một giấc mơ và cơ hội trúng tuyển là khá hiếm, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Trường đại học này chấp nhận đầu vào ít hơn 5% ứng viên mỗi năm.
Trong nhiều thế hệ, Harvard được coi là một giấc mơ. Ảnh: SCMP. |
Nhiều tên tuổi lớn trên thế giới được nhắc đến bên cạnh cái tên Harvard, bao gồm Bill Gates - người đã bỏ học để thành lập Microsoft, hay Mark Zuckerberg – người cho ra mắt Facebook từ phòng ký túc xá của mình khi còn theo học ở đây.
Lợi dụng sự nổi tiếng của thương hiệu tuyệt vời này để kiếm tiền, mỗi năm có khoảng 12 sinh viên điều hành Harvard Shop - một doanh nghiệp hoàn toàn do sinh viên quản lý, chuyên bán quần áo, đồ lưu niệm và quà tặng.
Nhiều người châu Á đã mua những sản phẩm từ Harvard Shop, cho dù họ không phải là cựu sinh viên và cũng không có bất kỳ mối liên hệ học tập hay nghiên cứu nào với trường đại học này.
Từ mũ beanie đến mũ golf hay áo phông, áo khoác thể thao, nhiều người trẻ thích mặc những món đồ của thương hiệu này và đăng ảnh họ mặc chúng lên mạng xã hội.
Nâng cao giá trị bản thân qua thương hiệu Harvard
Một lý giải khác cho việc những hàng hóa này rất phổ biến ở châu Á: các đơn vị tích cực tổ chức những chương trình tiếp cận cộng đồng được thiết kế và khởi xướng bởi người châu Á. Chúng bao gồm Diễn đàn Trung Quốc của Đại học Harvard, Chương trình Nhà lãnh đạo mới nổi của Đại lộ Harvard và Dự án Harvard cho Quan hệ châu Á và quốc tế.
“Tôi đã mua chiếc áo khoác Harvard vì tôi từng tham dự một hội nghị của Harvard vào năm 2017. Tôi mua chiếc áo ấy để làm kỷ niệm”, Ally - một cô gái người Phillipines - cho biết.
Một bạn trẻ người Đài Loan khác, người từng tham dự một hội nghị tại Harvard, cũng đã mua những món đồ thuộc thương hiệu này. “Tôi đã mua những món quà lưu niệm này vì tôi không thực sự chắc chắn khi nào tôi sẽ trở lại Boston trong suốt cuộc đời của mình”, cô nói.
Tuy nhiên, đối với cô, mua trang phục Harvard không chỉ là lưu giữ những kỷ niệm đẹp.
“Phải nói thật là tôi mua chiếc áo từ Harvard không chỉ để làm kỉ niệm mà còn giúp tôi được hãnh diện với mọi người khi trở về nhà ở Đài Loan”, cô nói thêm.
Nâng cao giá trị bản thân bằng cách mặc quần áo của Harvard là một cách thể hiện tốn kém. Ảnh: SCMP. |
Một bạn nam khác đến từ Philippines, tin rằng việc đội chiếc mũ len Harvard với logo của một trường đại học lớn sẽ khiến mọi người phải nhìn bạn đầy thán phục, mọi người có thể sẽ ngước nhìn anh ấy vì danh tiếng hàng đầu thế giới của thương hiệu mà anh đang mang.
Nâng cao giá trị bản thân bằng cách mặc quần áo của Harvard là một cách thể hiện tốn kém. Ví dụ, một chiếc áo len cashmere màu xám có tên ngôi trường này có giá 250 USD, trong khi một chiếc áo len thể thao màu đỏ bình thường có giá 99 USD. Mặc cho giá cao, người châu Á vẫn xem những món đồ này là vô cùng đáng tiền.
“Sự danh giá và cảm giác được ngưỡng mộ mà chiếc áo Harvard mang lại đôi khi trở thành động lực cho tôi phấn đấu để có thể thực sự trở thành sinh viên của ngôi trường này trong tương lai. Chính vì thế, tôi không nghĩ nó đắt chút nào”, một khách hàng người Indonesia của Harvard Shop, chia sẻ.