Khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa, nhà văn tự do người Mỹ Sarah Fielding mới chỉ 23 tuổi.
Tại thời điểm đó, cô đã tốt nghiệp đại học được 3 năm, ấp ủ nhiều dự định về sự nghiệp, mong muốn đi du lịch, gặp gỡ bạn bè.
Nhưng tới tháng 3/2020, Fielding như vỡ mộng khi không may kẹt lại quê nhà vì dịch bệnh.
"Tôi chỉ định trở về căn nhà tuổi thơ 3 ngày, nhưng khoảng thời gian ấy lại bị kéo dài thành nhiều tháng. Tôi ngủ trên chiếc giường ngày bé, làm việc từ xa, và liên tục cập nhật tin tức", cô chia sẻ với The Lily.
2 năm đại dịch khiến nhiều người ở độ tuổi 20-30 phải trì hoãn các dự định cá nhân, ví dụ như công việc, tình cảm, hôn nhân. Ảnh minh họa: Getty. |
Khi trở về nhịp sống bình thường mới, Fielding - nay đã 25 tuổi - cảm thấy áp lực, nuối tiếc vì bị trì hoãn suốt 2 năm qua.
"Mọi thứ nay đều khác trước. Tôi nghĩ mình đã bỏ lỡ 'thời gian vàng' để thực hiện những dự định cá nhân như yêu đương, kết hôn... nữa. Tôi đã bỏ lỡ tuổi 20 vì đại dịch", nữ nhà văn kể.
Khủng hoảng tuổi 20
Sarah Fielding không phải người duy nhất có cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối khoảng thời gian 2 năm qua.
"Dịch Covid-19 có ảnh hưởng lớn tới tinh thần, cảm xúc của phụ nữ ở độ tuổi 20-30. Họ dễ cảm thấy bồn chồn, lo sợ bỏ lỡ cơ hội yêu đương, kết hôn và sinh con", Charese L. Josie, nhà sáng lập CJ Counseling & Consulting Services, giải thích.
Với Fielding, cô nói với The Lily rằng những kế hoạch tương lai của cô đều bị tạm dừng suốt 2 năm qua. Song, cô nay lại chưa sẵn sàng để hiện thực hóa chúng.
"Hễ lên mạng xã hội, tôi lại thấy bạn bè xung quanh đăng ảnh đính hôn, cưới hoặc khoe con. Tôi tự hỏi mình có đang bị bỏ lại phía sau vì còn độc thân không? Dù tôi chưa sẵn sàng cho những chuyện đó, bản thân lại khó nén cảm giác ghen tị".
Bác sĩ tâm thần Nadkarni cho biết dịch Covid-19 là tác nhân khiến cuộc khủng hoảng tuổi 20 của nhiều người trầm trọng hơn. Ảnh: Nastya Gepp. |
Theo Ash Nadkarni - bác sĩ tâm thần kiêm người hướng dẫn ở ĐH Y Harvard (Mỹ), cuộc khủng hoảng tuổi 20 (quarter-life crisis). Ở độ tuổi 20-30, người trẻ dễ rơi vào cảm giác mất phương hướng về công việc, các mối quan hệ, tài chính...
Hơn 20 tháng dịch Covid-19 hoành hành cũng là yếu tố khiến quá trình này trở nên trầm trọng hơn.
"Nhiều người đặt ra những mục tiêu, kỳ vọng và muốn bản thân đi đúng hướng, tuy nhiên đại dịch lại khiến họ bị trì hoãn, nghi ngờ bản thân. Điều đó tác động tới cuộc sống của họ", bác sĩ Nadkarni lý giải.
Nên tập trung vào bản thân
Nhà sáng lập dịch vụ tư vấn Josie khuyên những người trẻ như Fielding nên tìm lại bản thân, suy nghĩ cho nhu cầu cá nhân, thay vì quan tâm tới điều xã hội kỳ vọng ở họ.
Điều này giúp người trẻ có cái nhìn thực tế hơn, bớt áp lực, dễ lấy lại cân bằng sau đại dịch.
"Nhất là với phụ nữ, họ cần nhớ lại những kế hoạch cá nhân, chứ không phải lo sợ lỡ dở việc kết hôn, sinh con vì áp lực từ người thân, bạn bè, xã hội. Nếu bỏ qua điều này, họ sẽ gặp nhiều rủi ro trong các mối quan hệ", cô nhấn mạnh.
Josie và Nadkarni khuyên người trẻ nên tập trung vào mục tiêu cá nhân, hạn chế sử dụng mạng xã hội, tâm sự với người thân và bạn bè để giải tỏa căng thẳng sau dịch. Ảnh: Healthline. |
Ngoài ra, Josie nói người trẻ có thể làm những việc nhỏ khiến họ hạnh phúc, ví dụ dành thời gian ở một mình, đi dạo hay tới rạp phim.
Một cách khác mà những người đang gặp khủng hoảng tuổi 20 vì dịch bệnh có thể làm để lấy lại tinh thần là hạn chế sử dụng mạng xã hội.
"Nhiều người nảy sinh cảm giác lo lắng, bứt rứt khi thấy bạn bè đăng các dấu mốc họ đạt được trong cuộc sống như có việc làm mới, đính hôn... lên mạng xã hội. Tôi nghĩ ta không nên bị ám ảnh bởi những hình ảnh đó mà hãy tập trung vào bản thân nhiều hơn", Josie nói.
Bác sĩ Nadkarni cũng nói thêm những gì được thể hiện trên mạng xã hội luôn được người dùng chọn lọc có chủ đích để chia sẻ những khía cạnh tích cực nhất của họ.
Chỉ qua một bài đăng, một đoạn clip, không ai có thể hiểu được thực tế khắc nghiệt hay cuộc khủng hoảng mà người đăng đã, hoặc đang trải qua.
"Hãy trò chuyện, sẻ chia với những người bạn tin tưởng để bớt lo âu. Sự thấu hiểu không chỉ đến từ bạn đời và gia đình. Nếu căng thẳng, bạn có thể viết vài điều tích cực vào nhật ký, tập trung cho những mục tiêu thực sự quan trọng như sự nghiệp, tình cảm...", Nadkarni nói.