Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến câu chuyện yếu tố bạo lực tình dục xuất hiện thường xuyên trong các bộ phim truyền hình của Thái Lan và phụ nữ thường được miêu tả là những nạn nhân yếu đuối, bị đàn ông thao túng.
Trong bộ phim truyền hình dài tập Game Rai Game Ruk của Thái Lan, có một phân cảnh nam chính túm lấy, ghì chặt thân thể nữ chính trong khi cô gái hoảng sợ, la hét và cố gắng đẩy người đàn ông ra xa.
Điều gây tranh cãi ở chỗ, cảnh tiếp theo, hai nhân vật đang ôm ấp và trao những cử chỉ tình cảm trong một khung cảnh ven hồ lãng mạn. Giải thích cho sự thay đổi này, phim quay trở lại cảnh ban đầu và nữ chính đã ngừng chống trả, nhượng bộ trước hành vi sai trái của kẻ tấn công.
Thông điệp đưa ra là người đàn ông có khả năng áp đảo phái yếu và khiến cô gái đầu hàng, quy lụy rồi yêu say đắm anh ta.
Những bộ phim có kịch bản tương tự đã xuất hiện trong các bộ phim truyền hình dài tập của Thái Lan suốt nhiều thập kỷ.
Yếu tố bạo lực, tấn công tình dục phụ nữ đã xuất hiện từ lâu trên sóng truyền hình Thái Lan. Ảnh: SCMP. |
"Phim có cảnh cưỡng hiếp xuất hiện nhan nhản"
Chuyên gia truyền thông người Thái Jaray Singhakowinta cho biết rất khó xác định khi nào cảnh bạo lực tình dục bắt đầu xuất hiện trên truyền hình Thái Lan vì hầu hết đều là phim chuyển thể từ các tiểu thuyết có cảnh cưỡng hiếp.
“Phim có cảnh cưỡng hiếp xuất hiện nhan nhản. Một số tiểu thuyết nổi tiếng đến mức chúng được dựng thành phim truyền hình 10 lần kể từ những năm 1970. Một số tác phẩm văn học cổ điển Thái Lan chứa cảnh hãm hiếp do nhân vật nam chính là thủ phạm song không bao giờ bị trừng phạt”, Jaray cho hay.
Song, vị chuyên gia đánh giá lý do các chương trình truyền hình dựa trên những tác phẩm này trở nên phổ biến còn bởi diễn xuất của dàn diễn viên, không phải lúc nào cũng do có chứa cảnh bạo lực.
Trên thực tế, cụm từ để miêu tả hành vi tấn công tình dục trong tiếng Thái cũng được chia làm hai mức độ.
“Bplum” có thể hiểu là hành động cưỡng bức hoặc bạo lực, nhưng như thường thấy trên phim truyền hình Thái, thủ phạm không bị xét xử tội trạng.
Còn từ “khom kheun” mới mang nghĩa hiếp dâm và bị coi là hành vi phạm tội.
Phụ nữ thường bị miêu tả dưới góc độ là nạn nhân bị cưỡng ép tình dục, rồi nhẫn nhịn đầu hàng và quay ra phục tùng đàn ông. Ảnh: Bangkok Post. |
“Việc đưa yếu tố cưỡng hiếp vào các bộ phim của Thái Lan được cho là nỗ lực thể hiện mong muốn tình dục của nữ giới được thỏa mãn, vì phái yếu bị coi là đối tượng chịu kìm nén và thấp cổ bé họng, coi như không tồn tại”, Jaray đánh giá.
"Trong quan niệm xưa, người phụ nữ đức hạnh phải có sự ngây thơ trong tình dục, vì vậy họ không thể tùy tiện thể hiện ham muốn và phải bị ép buộc bởi những người đàn ông", vị chuyên gia nói thêm.
Thậm chí, hiếp dâm đôi khi được mô tả như một hình phạt đối với các nhân vật phản diện nữ. Trong khi đó, với nam giới điều này được coi là bản năng.
Ngoài ra, khái niệm trinh tiết vẫn được coi là thước đo của nhân phẩm và thường xuyên được đề cập đến trong các bộ phim truyền hình. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi khi tư duy phát triển, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Phụ nữ bị xúc phạm bởi cách miêu tả sai lệch
Năm 2016, tình hình dần thay đổi khi một khán giả cảm thấy phụ nữ bị xúc phạm nặng nề bởi cách miêu tả sai lệch.
Sau khi xem nhiều cảnh phim chứa đựng yếu tố hạ thấp phụ nữ, Nitipan Wiprawit (41 tuổi, kiến trúc sư), đưa ra một kiến nghị trực tuyến để chấm dứt việc bình thường hóa bạo lực tình dục trong phim truyền hình Thái Lan.
Bản kiến nghị sớm thu được hơn 59.000 chữ ký, gây ra một cuộc tranh luận quốc gia và dẫn đến quy định đầu tiên về chuẩn mực đạo đức trong nội dung phim truyền hình.
Chỉ vài tháng sau khi công bố quy định, Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Thái Lan (NBTC) tiến hành xử phạt với nhà sản xuất loạt phim truyền hình nổi tiếng Club Friday khi tiếp tục trình chiếu những cảnh bạo lực phụ nữ.
Cách miêu tả chân dung người phụ nữ yếu đuối, dễ bị thao túng khiến không ít người xem cảm thấy bất bình. Ảnh: SCMP. |
Bộ phim chứa phân cảnh một người đàn ông ép sát gương mặt của nhân vật nữ phản diện vào ống xả của một chiếc mô tô. Ngoài ra, còn có cảnh nhân vật phản diện bị cưỡng hiếp trong khi một người phụ nữ đứng nhìn và quay lại video với điệu cười mãn nguyện.
Điều đáng nói là bộ phim được dán nhãn phù hợp với mọi lứa tuổi. Cuối cùng, phía nhà sản xuất bộ phim nhận mức phạt gần 1.500 USD.
“Mặc dù vẫn còn tình trạng đó ở một số bộ phim, nội dung đã tiến bộ nhiều so với trước. Phụ nữ trong các phim hoàng cung được miêu tả cởi mở, thực tế và hiện đại hơn. Các tiểu thuyết và kịch bản mới cũng có nhiều cốt truyện liên quan đến cộng đồng LGBT, một điều chưa từng thấy ở các thế hệ trước”, Wiprawit nói.
Vị kiến trúc sư cảm thấy tự hào về những gì đã đạt được nhưng vẫn muốn đưa thêm các ý kiến cải cách.
“Hiện tại, các nhà sản xuất truyền hình chỉ bị nhận án phạt sau khi cảnh bạo lực tình dục đã được phát sóng tới đông đảo khán giả. Điều đó thật vô nghĩa”, ông nói.
Tháng trước, Wiprawit báo cáo lên Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Thái Lan về một cảnh phim không phù hợp.
“Tuy nhiên, họ nói rằng phải đợi đến khi cảnh được chiếu trên tivi thì mới có quyền khiếu nại. Quy trình nên được thay đổi”, ông cho hay.