Một đoạn video nén nến sáp bằng máy thủy lực của Vuohensilta. Ảnh: Hydraulic Press Channel. |
Có thể bạn đã xem những video về những chiếc máy ép thủy lực khổng lồ nghiền nát ôtô, hoặc máy mài công nghiệp biến đồ gia dụng thành cát bụi.
Chúng lan truyền trên mạng xã hội, với những tiêu đề như “Điều gì xảy ra khi máy nghiền vụn đối đầu với món đồ khỏe nhất và những thứ khác” hay ‘Top 100 khoảnh khắc nghiền nát hay nhất với âm thanh ASMR thỏa mãn”, Insider đưa tin.
Những video này thu hút hàng triệu lượt xem trên hàng nghìn kênh khác nhau, giúp một số nhà sáng tạo nội dung trở nên giàu có hơn.
MrBeast (Jimmy Donaldson) nghiền nát chiếc xe hơi Lamborghini trị giá 200.000 USD bằng máy ép thủy lực trong một video. Ảnh: MrBeast. |
Lauri Vuohensilta là người đứng sau kênh Hydraulic Press Channel có hơn 3,8 triệu người theo dõi. Anh bắt đầu thực hiện kênh này cách đây 7 năm.
Tận dụng chiếc máy nén công nghiệp trong cửa hàng gia đình mình, anh quay các video minh họa điều gì sẽ xảy ra với bọt biển, bóng dây cao su, bút sáp màu hay thậm chí răng con người khi chúng chịu hàng tấn áp lực từ thiết bị.
Nói với Wall Street Journal, Vuohensilta cho biết anh kiếm được 650.000 USD vào năm ngoái từ tiền quảng cáo trên các video của mình - dao động từ 50.000 đến 58 triệu lượt xem.
Jimmy Donaldson, được biết đến nhiều hơn với biệt danh Mr. Beast, kiếm được 54 triệu USD vào năm 2021, cao nhất so với bất kỳ YouTuber nào trong lịch sử.
Dù kênh của anh không chuyên phá hủy đồ đạc như Vuohensilta, gần đây, Donaldson đăng tải một video nghiền nát một chiếc xe Lamborghini màu đỏ bằng máy ép thủy lực và nhanh chóng thu về hơn 107 triệu lượt xem.
Không rõ người đàn ông này kiếm được bao nhiêu tiền từ video trên, nhưng Donaldson từng chia sẻ rằng anh chi 8 triệu USD/tháng để sáng tạo, dàn dựng những video công phu và quảng bá doanh nghiệp của mình.
Vuohensilta, đại diện của Donaldson và Google, công ty mẹ của YouTube đều không trả lời yêu cầu bình luận của Insider.
Nghiền nát, đập phá đồ đạc vốn là trào lưu xuất hiện từ lâu trên các nền tảng xã hội, nhưng vẫn giữ được độ phổ biến nhất định. Ảnh: SSI Shredding Systems, Inc. |
Đập phá đồ đạc để trở nên nổi tiếng không phải hiện tượng mới lạ. Từ 16 năm trước, thông qua kênh Will It Blend, CEO Tom Dickson đã quảng cáo cho dòng máy xay BlendTec bằng cách cho vật dụng bất kỳ vào thiết bị gia dụng này.
Các video thể hiện sức mạnh nghiền nát của chiếc máy xay sinh tố, từ xay thịt gà chín tái trộn với nước ngọt cho đến phá hủy chiếc iPhone X có giá 1.000 USD ở thời điểm ghi hình.
Theo tính toán của tạp chí Creators Handbook, ước tính những nhà sáng tạo nội dung chuyên đập phá đồ vật thu về trung bình 2.750 USD cho mỗi một triệu lượt xem.
Với một số chủ kênh như Vuohensilta và Donaldson, những người sở hữu một số video trên 25 triệu lượt xem, một video có thể đem lại 65.000 USD. Đó là chưa tính trường hợp ngoại lệ - những video có sức lan truyền đặc biệt.
Đương nhiên, những nhà sáng tạo nội dung này phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích vì phung phí tiền của. Nhưng nhiều khán giả không thể rời mắt khỏi kiểu nội dung này, ngay cả khi họ nhận thức được rằng các video quá mức tốn kém, lãng phí.
Trong một video năm 2019 chỉ trích các nhà sáng tạo nội dung “rác” - những người làm video với số lượng vật dụng khổng lồ không cần thiết nhằm câu view, YouTuber Anthony Padilla thừa nhận xem một người lãng phí tiền bạc để làm điều gì đó lố bịch với một đống đồ dùng “thật thú vị”.
“Có điều gì đó trong bộ não con người muốn nói rằng “Trời ơi, họ có quá nhiều món đồ này. Tôi phải xem ngay thôi”, Padilla nói.
Các hội sách lớn, sau nhiều lần trì hoãn hoặc tổ chức với hình thức trực tuyến, nay đã trở lại trực tiếp. Nhiều hội sách, chương trình dành cho người làm xuất bản sẽ được thực hiện trong thời gian tới như Lễ hội Truyện tranh Quốc tế Angoulême (Pháp), Hội sách Thiếu nhi Bologna và BolognaBookPlus (Italy), Hội sách London (Anh), Hội sách Madrid (Tây Ban Nha), Hội sách Quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội sách Quốc tế Sharjah (UAE)...