Món que cay được trẻ em nông thôn tại Trung Quốc yêu thích. Tại Việt Nam, món ăn vặt này cũng được bày bán ở nhiều nơi. Ảnh: Yusuke Hinata/Nikkei. |
Li Zili (44 tuổi) nổi tiếng khắp mạng xã hội Trung Quốc khi được trả lương đến 1.888 nhân dân tệ (tương đương 260 USD) cho mỗi nửa ngày làm việc với nhiệm vụ nếm thử đồ ăn que.
Theo đó, anh giữ chức Giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Công ty đồ ăn vặt Jialong latiao (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Mỗi ngày, Li nếm thử 40 loại que cay nhằm phát triển hương vị mới. Công việc này kéo dài suốt 20 năm qua.
Công thức làm nên thành công của những món ăn vặt giá rẻ này nằm ở nước sốt - thường được chế từ dầu, ớt, hạt tiêu Tứ Xuyên, quế và riềng.
Theo SCMP, Li từng được một công ty khác đề xuất mức lương một triệu nhân dân tệ/năm cho công việc tương tự, nhưng anh từ chối. Anh cho biết hàng chục hương vị mình phát triển là bí mật của nhà máy.
Li rất tỉ mỉ trong công việc của mình và ghi nhật ký chi tiết về các hoạt động nếm thử. Ảnh: Sina. |
Li sinh ra ở Bình Giang, Hồ Nam, miền Nam Trung Quốc, trong một gia đình kinh doanh đồ ăn vặt đậu phụ cay. Từ nhỏ, anh đã nếm thử nhiều loại ớt khác nhau. Sau khi học xong ngành Kiến trúc cảnh quan tại trường đại học, anh quyết định trở về quê nhà và hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình.
Trong quá trình đó, Li phát hiện món que cay. Những que đồ ăn vặt tẩm ướp gia vị thời đó rất được trẻ nông thôn ưa thích. Nhưng khi nếm thử, Li cảm thấy sốc vì hương vị của chúng quá kinh khủng - rất nồng và cay.
Sau đó, anh quyết định gác lại chuyện kinh doanh và đến một nhà máy làm công việc tình nguyện phát triển những sản phẩm tốt hơn cho công ty.
Que cay là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều bạn trẻ Trung Quốc và quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ảnh: @duongvux_. |
Để bảo vệ vị giác của mình, Li tránh xa thuốc lá và rượu, thậm chí không ăn các loại đồ cay khác và trầu cau, hai món ăn vặt ưa thích của người Hồ Nam.
Li nếm thử các dải que cay do nhà máy sản xuất hàng ngày để bảo chất lượng và tính nhất quán. Anh cũng nếm thử các loại đồ ăn vặt của các nhà máy khác để nghiên cứu thị trường sản phẩm. Từ đó, que cay đã trở thành bữa ăn hàng ngày của anh.
Mọi kinh nghiệm và nguồn cảm hứng đều được Li ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ nhật ký. Nhờ sự cần mẫn, chăm chỉ của mình, anh trở thành một trong những nhà phát triển hương vị que cay hàng đầu trong ngành đồ ăn vặt của Trung Quốc. Hàng chục sản phẩm mà Li phát triển đều bán chạy nhất trên thị trường.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.