Zing trích dịch bài viết trên Vox, đề cập đến những người trẻ tuổi kiếm tiền từ công việc tạo ra meme đăng tải trên mạng.
Ở tuổi 25, Mac McCann (Mỹ) từng làm việc tại 3 cơ quan báo chí, công ty truyền thông khác nhau. Lần cuối, Mac bỏ nghề vì công việc ngày càng vất vả, trong khi mức lương ít ỏi.
Anh than phiền vì cơ hội nghề nghiệp ngày càng thưa thớt. Tuy nhiên, vận may cuối cùng cũng tìm đến Mac khi anh rẽ hướng sang làm công việc có phần lạ lẫm với số đông: kiếm tiền bằng cách tạo ra meme.
Theo Cambridge Dictionary, meme là một phần của phương tiện truyền thông, có thể là ý tưởng, hình ảnh hoặc video, thường mang tính chất hài hước và lan truyền nhanh chóng, trở thành văn hóa trên Internet.
Mac McCann (Mỹ) chuyển sang nghề sáng tạo meme sau khi từ bỏ công việc báo chí. Ảnh: Twitter. |
"Người làm meme"
Thời đại học, chàng trai là khách quen của một quán bia tên Pluckers Wing Bar. Nhà hàng có chương trình khuyến mại miễn phí đồ uống dành cho vị khách nào có bài đăng hài hước nhất trên Twitter trong ngày.
Có năng khiếu tạo ra các nội dung “troll”, gây cười trên mạng xã hội, Mac thường xuyên giành được phần thưởng nho nhỏ đó. Khi mất phương hướng nghề nghiệp, anh nhớ lại chuyện năm xưa và quay trở lại phụ trách việc PR cho quán bia cũ vào năm 2018.
Nhiệm vụ của Mac bao gồm tạo ra một loạt meme và đăng tải chúng trên các nền tảng như Instagram, Facebook, Twitter và TikTok.
Các meme do Mac làm ra bám sát những gì cộng đồng mạng quan tâm mỗi ngày và đạt hiệu quả tương tác, chia sẻ như mong muốn. Tấm hình chế có nội dung châm chọc YouTuber tai tiếng Jake Paul của anh đạt gần 375.000 lượt thích và 10.000 lần chia sẻ.
Các meme với khả năng gây cười nhanh chóng trở thành công cụ truyền thông hiệu quả. Ảnh: Stock. |
Công việc mới khiến Mac thấy hạnh phúc, tài năng không bị uổng phí và trên hết là cảm giác được trân trọng hơn so với lúc làm phóng viên. Chàng trai không tiết lộ chính xác số tiền kiếm được song cho hay thu nhập từ nghề này giúp anh sống thoải mái, dư dả hơn trước.
“Người làm meme” chưa được coi là một phần chính thức trong ngành tiếp thị hay truyền thông. Nhưng không thể phủ nhận 2 lĩnh vực này đang coi ảnh chế là công cụ quan trọng để có lượng tương tác lớn.
Nhiều công ty từ nhỏ đến lớn đang cố gắng tạo sự lan truyền thông qua shitposting - thuật ngữ nói đến cảm giác gây cười, hài hước được thanh thiếu niên yêu thích trên mạng xã hội.
Chiến thuật truyền thông này ngày càng phổ biến, còn việc chế meme trở thành “công việc tuyệt vời” được giới trẻ săn lùng.
Tháng 8, công ty bia Anheuser-Busch của Mỹ đăng tuyển tìm người thực hiện quảng cáo theo phong cách meme với mức lương 15.000 USD cho một hợp đồng 3 tháng.
Chán nản khi meme bị chê nhạt
Những người kiếm được nhiều tiền nhất phải kể đến các chủ sở hữu những trang chuyên đăng tải meme trên Instagram như GrapeJuiceBoys, nơi nhận làm quảng cáo qua hình thức ảnh chế.
Đầu năm 2020, tỷ phú Michael Bloomberg trong cuộc chạy đua Nhà Trắng đã tìm đến đội ngũ của GrapeJuiceBoys để tạo ra một hình ảnh vui nhộn cho ông trước thềm bầu cử sơ bộ.
Trước khi trở thành xu hướng truyền thông hiệu quả, những người trẻ tuổi mất khá nhiều thời gian để thuyết phục các cấp trên của họ rằng shitposting là cách tiếp thị thu hút nhiều người.
Meme mang lại trải nghiệm quý giá cho người tiêu dùng: một cảm giác được hiểu, nhẹ nhõm và khiến họ bật cười. Ảnh: Vox. |
“Tôi phải bỏ ra nhiều công sức để khiến sếp tin rằng meme sẽ là cách giúp quán bia được nhiều khách hàng biết tới”, Mac kể. Theo chàng trai, số lượng người theo dõi cửa hàng trên các nền tảng khác nhau đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba kể từ khi anh nhận việc mới.
“Tôi không bận cạnh tranh với các đối thủ khác. Ưu tiên của tôi là bám sát những gì thời sự, hài hước đang xảy ra để thu hút sự chú ý của bạn giữa vô số nội dung khác trên mạng”, anh nói.
Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi những người như Mac phải vận động trí óc liên tục, lúc nào cũng để ý đến những thứ diễn ra xung quanh.
Mac thừa nhận nhiều lúc anh trở nên buồn bực, chán nản và bất an khi quá lâu chưa tạo ra thứ gì “viral” trên mạng. Khi một meme bị chê bai là nhạt nhẽo, anh càng thấy hoang mang hơn.
“Khi tôi pha trò và không được hưởng ứng, điều đó ổn thôi. Kể cả khi chúng được đông đảo người like, share, cuộc đời cũng không có gì thay đổi, không có lợi ích gì về tiền bạc. Nhưng khi mọi người nói meme tôi tạo ra thật tệ, nó có thể gây tác động xấu lên công việc của tôi. Đó không phải là vấn đề cá nhân tôi nữa”.
Joe Gagliese, người đồng sáng lập công ty truyền thông Viral Nation, đánh giá quảng cáo dựa trên meme mở ra một chiều hướng nhận thức hoàn toàn mới cho bất kỳ thương hiệu nào sẵn sàng bỏ tiền ra. Lý do là chúng dễ phát hiện hơn rất nhiều so với các bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội hay truyền hình.
Tháng 9, thương hiệu bánh ngọt Dunkin (Mỹ) đã tung ra một loạt meme trên Instagram để kỷ niệm “Ngày bánh donut quốc gia.”
“Meme mang lại trải nghiệm quý giá cho người tiêu dùng: một cảm giác được hiểu, nhẹ nhõm và khiến họ bật cười”, Joslin Higgins, giám đốc truyền thông tại Dunkin, cho biết.