Họ dành tặng bạn bè, gia đình và thậm chí có thể kiếm tiền trang trải học phí từ những tác phẩm của mình. Điều đặc biệt, hầu như các bạn học vẽ chỉ qua mạng.
Bức tranh từ dấu vân tay
Là sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị văn phòng, Châu Minh Tuấn và Võ Thị Bích Thương tình cờ biết đến vẽ tranh khi tham gia môn học Lễ tân ngoại giao thực hành.
Hai bạn kể, cuối năm học vừa qua khi tham gia môn học, giáo viên yêu cầu mỗi nhóm làm một món quà tặng các bạn tình nguyện viên quốc tế đến giao lưu tại trường. Với ý muốn để lại dấu ấn trên món quà, Thương và các bạn quyết định vẽ một bức tranh bằng dấu vân tay. Hình ảnh được chọn là hoa sen.
Thương nói: “Với nhiều người Việt Nam, hoa sen chính là quốc hoa nên chúng tôi muốn gửi đến bạn bè quốc tế hình ảnh này. Cảm giác khi dùng những ngón tay của mình vẽ ra cánh sen thật đặc biệt và thích thú, nên sau đó Thương tiếp tục tìm hiểu, tập tành vẽ thêm”.
Thương lên mạng tìm tòi các kỹ năng vẽ tranh bằng ngón tay, học cách bố cục, cách pha màu... Ý định của Thương là chỉ vẽ tranh một cách tự nhiên, khi nào bản thân có ý tưởng sẽ vẽ.
“Trước nay, Thương không có ý định học hay theo đuổi bộ môn này, nhưng từ khi biết vẽ thật sự có chút đam mê. Em sẽ vẽ mỗi khi rảnh rỗi hoặc có ý tưởng. Cũng không nghĩ là người khác sẽ thuê mình vẽ và vẫn sẽ cố gắng trau dồi thêm” - Thương chia sẻ.
Châu Minh Tuấn tỉ mỉ sửa từng hạt gạo. |
Giống như Thương, Tuấn muốn tự tay mình làm ra những bức tranh đẹp để tặng bạn bè. Dù là con trai nhưng bạn lại chọn thể loại tranh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo là tranh gạo. Tuấn cho biết từ năm lớp 9 đã hay làm những món quà nhỏ trên vỏ cây, tấm ván để tặng bạn bè.
Tuấn cho biết, món quà dịp tặng các bạn sinh viên nước ngoài bằng gạo đúng là một tác phẩm mà bạn tâm đắc. Đó là bức tranh gạo trên đĩa có hình bản đồ và cô gái Việt Nam.
Tuấn giải thích: “Bức tranh bản đồ thể hiện mình rất yêu quý dân tộc Việt Nam và trên đó có thể hiện hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa chứng minh đó là của Việt Nam. Còn hình cô gái Việt, chiếc áo dài và nón lá là những biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Việt Nam”.
Tranh gạo không đòi hỏi nhiều kỹ năng nhưng lại cần sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay. Tuấn cho biết khó nhất chính là phải rang gạo ra màu mình muốn, để làm được phải chỉnh độ lửa rất nhỏ, lựa những hạt gạo thon và chắc. Nhưng theo Tuấn, quan trọng nhất để món quà có ý nghĩa vẫn là tấm lòng.
Kiếm tiền từ đam mê
Đó là hai bạn trẻ Nguyễn Anh Vũ (khoa Luật) và Nguyễn Trương Trúc Chi (khoa Ngoại ngữ).
Vũ cho biết trong một lần lên mạng, tình cờ xem được những video clip vẽ tranh 3D, từ đó đam mê bộ môn này. Vũ mất ba tháng ròng để tra Google, YouTube săn tìm những clip hướng dẫn kỹ năng tiếp cận nghệ thuật vẽ tranh 3D.
“Vũ vẽ sáng tối luôn. Vẽ tranh 3D không những đòi hỏi đẹp mà còn phải thật. Một bức tranh 3D thường mất ít nhất từ 3-5 tiếng, có khi cả ngày vẽ không ra. Những tấm đầu tiên Vũ vẽ nhìn cứ như ảnh thường, nhưng lúc đó máu mê nên không ngại làm đi làm lại. Hoàn thành bức tranh thì cảm giác như thắng chính bản thân mình” - Vũ nói.
Giờ đây, Vũ có bộ sưu tập hơn 50 tác phẩm tranh 3D. Ngoài vẽ tranh 3D trên giấy, Vũ còn vẽ trên tường và tranh cá vàng 3D trong chén.
Thỉnh thoảng Vũ hay quay lại video clip các thao tác vẽ và đăng lên mạng, từ đó mà những bức tranh của bạn được nhiều người biết đến.
Vũ kể: “Một lần tình cờ vẽ gói mì có quay video clip đăng lên mạng xã hội, không ngờ được mọi người chia sẻ rất nhiều và những công ty tìm đến để đặt Vũ vẽ sản phẩm cho họ. Giờ thì có nhiều người đặt hàng hơn, em cũng kiếm được tiền để trang trải thêm học phí”.
Vũ nói thêm: “Tất cả là học trên Google chứ không ai dạy hết, em nghĩ yếu tố giúp mình vẽ được như hôm nay chính là niềm đam mê của bản thân”.
Tương tự, cô sinh viên Nguyễn Trương Trúc Chi khá “đắt show” kể từ khi bắt đầu nghiệp vẽ tranh. Chi kể cách đây bốn tháng bạn mới vẽ bức tranh đầu tiên trên tường. Đó là bức tranh trang trí cửa hàng giúp người anh. Không ngờ từ đó nhiều người đến thuê Chi trang trí cửa hàng.
Hiện tại, Chi là sinh viên chuyên ngành Ngoại ngữ. Không đi theo con đường của cha, nhưng sự ảnh hưởng nghề nghiệp của cha đến năng khiếu của bạn không hề ít. Những bức tranh của Chi vẽ trên tường tại quán cà phê, quán ăn rất sinh động, trẻ trung với hình ảnh thiên nhiên, gian nhà, góc bếp.
“Chi vẽ tranh chủ yếu là sở thích, niềm đam mê. Và Chi cũng hay lên mạng tìm tòi những phong cách vẽ tranh mới để làm cho tác phẩm của mình đặc sắc hơn” - Chi nói.
Định hướng phát triển thành câu lạc bộ năng khiếu
Thầy Nguyễn Đồng Khởi - giám đốc Trung tâm truyền thông và quảng bá cộng đồng (Đại học Trà Vinh) - cho biết, tại trường không có khoa Mỹ thuật, không có điều kiện để các bạn sinh viên trau dồi kỹ năng nhưng bằng sự đam mê mà các bạn tự trang bị cho mình những kỹ năng rất đặc biệt này.
“Những tác phẩm của các bạn sinh viên được rất nhiều người khen ngợi và đặt hàng vẽ. Dự kiến sắp tới trường sẽ tập hợp các bạn thành câu lạc bộ năng khiếu để cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thu hút thêm nhiều bạn” - thầy nói.