Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiện hàng xóm đòi bồi thường tiền làm răng

Bị cha con hàng xóm đánh gãy hai cái răng, nguyên đơn kiện đòi bồi thường 22 triệu đồng chi phí làm lại răng nhưng tòa chỉ chấp nhận 8 triệu đồng.

Mới đây, TAND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe giữa ông Tuấn với cha con ông Việt.

Chó cắn chết dê, mất tình làng nghĩa xóm

Trong đơn khởi kiện nộp cho tòa trước đó, ông Tuấn trình bày: Ông khai hoang được một thửa đất tại địa phương, làm chuồng dê và chăn nuôi dê tại khu vực này. Ông Việt có rẫy đối diện với đất của ông. Lúc đó hai bên quen thân với nhau, ông có cho ông Việt một phần đất để làm chuồng dê và chăn nuôi dê cạnh chuồng dê nhà ông.

Đêm 12/4/2017, chó nhà ông Tuấn đẻ nhưng ông Việt không nhốt dê lại mà thả rông nên bị chó nhà ông Tuấn cắn chết. Từ đó, gia đình hai bên nảy sinh mâu thuẫn, cãi lộn, thậm chí ẩu đả.

Đến ngày 18/4/2017, ông Việt thuê xe máy cày chở dây đậu phộng về cho dê ăn, đổ trên đất nhà ông Tuấn. Ông Tuấn ra ngăn cản không cho đổ thì bị ông Việt chửi và nhào vô đánh một cái vào mặt làm ông Tuấn choáng váng. Ngay lúc đó, anh Nam (con ông Việt, 17 tuổi) tiếp tục nhào vô đánh một cái vào miệng của ông Tuấn làm ông gãy hai cái răng, ngất xỉu.

Qua kết luận giám định thì tỷ lệ thương tật của ông Tuấn là 6%. Nay do kinh tế gia đình ông khó khăn, chưa có tiền lắp lại răng giả nên ông khởi kiện yêu cầu cha con ông Việt phải bồi thường cho ông chi phí làm răng giả là gần 22 triệu đồng.

Ra tòa, ông Việt thừa nhận ông Tuấn có cho ông một phần đất để ông làm chuồng dê và chăn nuôi dê cạnh chuồng dê. Vào ngày 12/4/2017, khi chó nhà ông Tuấn cắn chết dê nhà ông, ông đã yêu cầu ông Tuấn nhốt chó lại nhưng ông ta không nhốt, dẫn đến việc chó nhà ông Tuấn tiếp tục cắn chết 10 con dê mà không chịu bồi thường.

Về sự cố xảy ra sáu ngày sau đó, ông Việt phân trần là do ông Tuấn đưa tay lên đòi móc mắt ông trước, chửi bới xúc phạm đến danh dự nhân phẩm vợ chồng con cái ông nên ông không kiềm chế được mới nhào tới đánh một cái trúng miệng ông Tuấn. Con ông cũng có quơ một cái nhưng không biết có trúng hay không. Lúc đó, ông thấy ông Tuấn bị chảy máu miệng nhưng không thấy có gãy răng. Từ đó ông Việt không chấp nhận bồi thường theo yêu cầu của ông Tuấn vì cho rằng ông có đánh nhưng ông Tuấn không bị gãy răng.

Tòa chỉ buộc bồi thường 8 triệu đồng

Theo HĐXX, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, ông Việt thừa nhận vào ngày 18/4/2017 có đánh vào mặt ông Tuấn nhưng không biết có làm gãy răng hay không. Riêng con ông Việt thì tại phiên tòa không thừa nhận. Ngoài cha con ông Việt ra thì không có ai khác tham gia vào cuộc xô xát hoặc đánh ông Tuấn.

Căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ, biên bản ghi lời khai của công an địa phương, kết luận giám định pháp y, HĐXX nhận định có đủ cơ sở kết luận vào ngày hôm đó, cha con ông Việt đã trực tiếp tác động vào mặt và miệng ông Tuấn. Hành vi này là trái pháp luật, dẫn đến hậu quả làm cho ông Tuấn bị mất hai cái răng. Do đó yêu cầu bồi thường của ông Tuấn là có cơ sở chấp nhận.

Về khoản tiền chi phí làm lại răng, do ông Tuấn chưa làm nên không có chứng từ, hóa đơn để làm căn cứ cho việc bồi thường mà ông Tuấn tự đưa chi phí là hơn 22 triệu đồng. Để có cơ sở giải quyết chính xác, tòa đã tiến hành xác minh tại BV đa khoa Tuy Phong, theo đó giá thị trường đối với chi phí làm lại răng chỉ là gần 8 triệu đồng.

Vì vậy, HĐXX đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Tuấn, buộc cha con ông Việt phải bồi thường chi phí làm lại răng cho ông Tuấn với số tiền gần 8 triệu đồng.

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

(Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015)

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

http://plo.vn/phap-luat/kien-hang-xom-doi-boi-thuong-tien-lam-rang-779292.html

Theo Minh Khánh/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm