
Sau “Tháng 2 tiết kiệm”, trào lưu “Tháng 7 không mua sắm” (No Buy July) tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội tại xứ cờ hoa, khuyến khích người dùng cắt giảm chi tiêu trong thời gian ngắn nhằm tiết kiệm, trả nợ hoặc kiểm soát tài chính, theo New York Times.
Nhiều người Mỹ đang phải đối mặt với tình hình tài chính bất ổn. Hàng triệu người vay vốn sinh viên đang vỡ nợ, trong khi nợ thẻ tín dụng tiếp tục gia tăng. Dù lạm phát đã hạ nhiệt, thuế quan có thể khiến giá cả leo thang trở lại.
“Mọi thứ đều đắt đỏ, ai cũng lo làm sao để tiết kiệm”, Jasmine Renae Ray, một chuyên gia lập kế hoạch tài chính tại thành phố Tulsa (bang Oklahoma, Mỹ) cho biết.
Tác giả Gretchen Rubin, một chuyên gia người Mỹ thường xuyên chia sẻ về thói quen và hạnh phúc, cũng là người đồng dẫn podcast Happier, từng thử sống một tháng không mua sắm. Cô chia sẻ: “Thử thách này khiến việc tiết kiệm trở nên thú vị vì buộc bạn phải nhìn lại thói quen chi tiêu của chính mình”.
Tháng 2 thường được chọn để “thắt lưng buộc bụng” bởi nhiều người phải trả nợ thẻ tín dụng sau kỳ nghỉ lễ hoặc thực hiện mục tiêu tài chính đầu năm. Vậy tại sao tháng 7, vốn gắn liền với những kỳ nghỉ hè, lại trở thành thời điểm phù hợp để thắt chặt chi tiêu?
Theo chuyên gia Annamaria Lusardi từ Đại học Stanford, việc ép bản thân tiết kiệm trong thời gian nghỉ hè có thể khó khăn hơn những tháng khác. Thời tiết tháng 7 khá nóng, khi về Italy nghỉ hè, bà vẫn tự thưởng 2 cây kem mỗi ngày thay vì một. Đây là ví dụ đơn giản cho thấy việc tiết kiệm vào mùa hè không hề dễ dàng.
Ngoài ra, tháng 7 cũng là thời điểm nhiều gia đình bắt đầu mua sắm cho con cái chuẩn bị cho năm học mới, nên khó tránh khỏi chi tiêu.
Một số người cho rằng “Tháng 7 không mua sắm” (No Buy July) là một cái tên khá hay ho. “Tháng 7 được chọn một phần vì tên gọi có vần điệu, dễ nhớ và dễ lan tỏa”, bà Rubin nói.
Dù vậy, các chuyên gia tài chính nhận thấy việc rà soát lại thói quen chi tiêu giữa năm là hợp lý. “Đây là lúc kiểm tra xem những khoản chi tiêu đã bỏ ra có thực sự hữu ích và xứng đáng không”, Gloria Garcia Cisneros, một nhà hoạch định tài chính tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ chia sẻ.
Paula Holloway, blogger thời trang ở bang Indiana (Mỹ), cho biết cô yêu thích các đợt "nhịn chi tiêu" định kỳ lần đầu vào vài năm trước. Theo cô, tháng 7 là thời điểm dễ tiết chế mua sắm hơn, vì thời tiết đẹp khuyến khích ra ngoài thay vì mua sắm online.
“Mùa hè bận rộn khiến chúng ta dễ xao nhãng khỏi việc mua sắm”, cô chia sẻ.
Do đó, “Tháng 7 không mua sắm” không chỉ là trào lưu mạng, mà còn là dịp để nhìn lại thói quen chi tiêu. Giữa áp lực vật giá, tạm dừng mua sắm có thể giúp giữ cân bằng tài chính và khơi gợi những thay đổi tích cực.
3 ác mộng tài chính thường trực của người trẻ
Nhiều người trẻ hiện phải đối mặt với 3 vấn đề tài chính chính: thiếu hụt tiền bạc do chi tiêu vượt kế hoạch trước các cám dỗ mua sắm trực tuyến; lâm vào nợ nần vì sử dụng thẻ tín dụng và các hình thức vay tiêu dùng dễ dãi; và làm việc quần quật nhưng không đạt được mục tiêu tài chính đề ra. Để giải quyết những vấn đề này, cuốn sách Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học của TS Vũ Minh Tú cung cấp các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, giúp người trẻ kiểm soát chi tiêu, tránh nợ nần và đạt được mục tiêu tài chính.