Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người trẻ TP.HCM nhẹ gánh tiền bạc khi mua xe điện

Sau một thời gian sử dụng xe máy, ôtô điện, các tài xế trẻ tại TP.HCM ghi nhận ưu điểm như tiết kiệm chi phí "nuôi" xe, giúp bảo vệ môi trường, song vẫn lo ngại về hạ tầng trạm sạc.

Xe điện dần trở thành lựa chọn thay thế phương tiện chạy bằng xăng của người trẻ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Đỡ áp lực “nuôi” xe là lợi ích lớn nhất mà Tuấn Anh (31 tuổi, phường An Khánh, TP.HCM) nhận thấy sau hơn một năm lái ôtô điện. Anh hiện sở hữu một chiếc xe hơi điện (mua kèm pin) có giá khoảng 600 triệu đồng.

Ban đầu khi mong muốn sắm ôtô để tránh nắng che mưa mỗi ngày, Tuấn Anh đặc biệt lo lắng về chi phí nhiên liệu, cho rằng khoản tiền đổ vào xăng xe không kém nuôi một đứa trẻ. Anh ước tính chi phí “nuôi” xe xăng rơi vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi sử dụng ôtô điện trong thời gian qua, tài xế này chỉ tốn khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, bao gồm chi phí sạc, gửi xe và bảo hiểm.

“Đỡ một nửa chi phí. Tôi không hối hận vì mua xe điện”, Tuấn Anh khẳng định.

Sau khi lái xe máy, ôtô điện từ 1-3 năm, nhiều người trẻ cho biết đây là phương án tiết kiệm chi phí nhiên liệu, bảo vệ môi trường và phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, các vấn đề về hạ tầng trạm sạc, nỗi lo hết điện hay quá trình sửa chữa lại trở thành nỗi băn khoăn của tài xế xe điện. Phần lớn đều mong đợi vào sự phổ biến của trạm sạc ôtô, xe máy điện trong tương lai.

Hết sợ bỏng bô, mùi xăng

Thiên Kim (34 tuổi, phường Thanh Xuân, TP.HCM) là một trong số đó. Cô sử dụng xe máy điện của một hãng nội địa trong gần 3 năm nay. Là kiến trúc sư kiêm nhà quy hoạch, cô xem xe điện không chỉ là phương tiện thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn là phần tất yếu trong mô hình thành phố bền vững.

Kim bắt đầu sử dụng xe máy điện từ cuối năm 2022. Trước đó, cô dùng xe xăng nhưng thường xuyên gặp bất tiện như phải xếp hàng mua xăng, xe nóng máy, dễ chết máy khi trời mưa lớn và từng bị bỏng bô.

cam xe xang,  oto dien,  xe may dien,  tram sac TPHCM,  xe dien TPHCM anh 1

Thiên Kim cảm thấy thoải mái khi sử dụng xe điện nhờ không còn mùi xăng và không tiếng ồn. Ảnh: NVCC.

Khi cân nhắc đổi xe, chồng cô gợi ý một mẫu xe điện có ưu đãi tốt. Giá ra biển thời điểm đó khoảng 26 triệu đồng (chưa kèm pin), kèm theo 1 năm miễn phí thuê pin.

“Mức giá này rẻ hơn nhiều so với xe xăng cùng phân khúc”, kiến trúc sư nhận xét. Xe còn được tích hợp định vị và theo dõi hành trình, giúp cô an tâm hơn khi sử dụng.

Nhu cầu di chuyển hàng ngày của Kim khá đơn giản, gồm đưa đón con, đến văn phòng, gặp bạn bè, tổng cộng chưa tới 15 km mỗi ngày.

“Không tiếng ồn, không mùi xăng, không khói bụi, không lo bỏng bô, đây là những lý do khiến tôi cảm thấy thoải mái khi đi xe điện”, cô chia sẻ.

Trong gần 3 năm sử dụng, Kim gặp lỗi kỹ thuật 2 lần và đều được đội cứu hộ hỗ trợ trong vòng 1 tiếng. Sau khi hết ưu đãi thuê pin, cô chuyển sang thuê với giá 189.000 đồng/tháng, gần đây mua đứt pin với giá 5,7 triệu đồng. Tổng chi phí cho cả xe, thuê và mua pin sau 3 năm khoảng 35 triệu đồng.

Kiến trúc sư cho rằng việc chuyển đổi sang phương tiện điện là phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong các đồ án quy hoạch mà cô từng tham gia, thành phố tương lai là nơi sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo, từ điện mặt trời, gió đến điện từ nước biển. Phương tiện giao thông cũng đều vận hành bằng điện, với mạng lưới trạm sạc công cộng khép kín.

Tuy ủng hộ việc loại bỏ xe xăng, Kim nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ xe điện, như trạm sạc cách nhau mỗi 1 km hoặc hệ thống đổi pin nhanh chóng. Cô tin rằng công nghệ tương lai sẽ giải quyết được các vấn đề về pin, bao gồm ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ khi sạc.

Hiện Kim còn vận động bố mẹ chuyển sang dùng xe điện. Theo cô, đây là lựa chọn hợp lý về cả chi phí lẫn môi trường.

Muốn quay lại lái xe xăng

Sau 2 năm sử dụng xe máy điện VinFast, Cẩm Toàn (22 tuổi, phường Vườn Lài, TP.HCM) cho biết nếu không có quy định cấm xe xăng trong tương lai, anh sẽ quay lại sử dụng loại xe này. Anh không hối hận với quyết định mua xe điện, nhưng cho rằng xe xăng vẫn phù hợp hơn với nhu cầu cá nhân.

Toàn mua một chiếc xe máy điện với giá 22 triệu đồng vào năm 2023, khi còn là sinh viên. Trước đó, anh đã chạy thử xe của người quen và ấn tượng với động cơ êm ái.

“Mức giá này phù hợp với túi tiền và hoàn cảnh kinh tế lúc đó”, anh nói.

cam xe xang,  oto dien,  xe may dien,  tram sac TPHCM,  xe dien TPHCM anh 2

Cẩm Toàn nhận thấy nhiều bất tiện trong quá trình sử dụng xe máy điện, nhưng không hối hận về lựa chọn này.

Theo Toàn, xe điện có nhiều điểm tiện lợi. Xe nhẹ nên việc dắt, đậu hay di chuyển đều dễ dàng. Mỗi ngày, anh chỉ đi khoảng 20 km, nên 3 ngày mới cần sạc một lần.

Dù sống ở chung cư cũ, không thể sạc xe tại nhà, anh vẫn có thể tận dụng khu sạc điện ngoài trời của công ty.

Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế không hoàn toàn suôn sẻ. Toàn cho biết điểm bất tiện lớn nhất là thiếu trạm sạc công cộng dành riêng cho xe máy điện.

“Hiện nay, trạm sạc xe hơi ngoài trời bắt đầu xuất hiện nhiều. Nhưng với xe máy điện, tôi phải vào trung tâm thương mại hoặc một số khu dân cư để tìm chỗ sạc”, anh chia sẻ. Ngoài ra, việc gửi xe cũng gặp khó khăn khi nhiều bãi giữ xe, đặc biệt ở trường học hoặc chung cư cũ, từ chối nhận xe điện vì lo ngại nguy cơ cháy nổ.

Việc sửa xe điện cũng khá bất tiện. Nếu xe gặp sự cố giữa đường, Toàn không thể sửa ngay như xe xăng mà phải đưa đến trung tâm dịch vụ của hãng. Với những hạn chế này, Toàn cho rằng xe xăng sẽ giải quyết được phần lớn vấn đề, như không cần sạc lâu, dễ sửa chữa, tiện đi xa hơn.

“Một lần sạc mất tới 8 tiếng. Dù pin còn 50%, tôi cũng không dám đi xa vì sợ hết điện giữa đường”, anh chia sẻ.

Trước đề xuất cấm xe xăng trong tương lai, Toàn hy vọng hạ tầng cho xe điện sẽ sớm được cải thiện, đặc biệt là mở rộng hệ thống trạm sạc và bãi giữ xe phù hợp, để người dùng có thể yên tâm chuyển đổi phương tiện.

Đối với tài xế xe hơi điện, Tuấn Anh cũng chỉ ra một số nhược điểm của phương tiện này, chẳng hạn khả năng trượt giá của ôtô điện lớn hơn nhiều so với xe hơi chạy xăng.

Các câu hỏi thường được những người có nhu cầu mua xe điện cũ đặt ra bao gồm “Tuổi thọ pin như thế nào?”, “Ôtô đã thay thế linh kiện chưa?” hay “Phụ tùng thay thế có phải sản phẩm chính hãng hay không?”.

Những vụ cháy nổ do phụ tùng “ngoại lai” không đạt chất lượng gây ra cũng trở thành nỗi lo của các tài xế. Vì thế, việc bán lại xe điện tương đối khó, khiến chủ xe không có cơ hội thay đổi phương tiện đi lại.

“Tính tôi thích đổi mới, sợ rằng sẽ sớm chán chiếc xe này. Lúc đó, bán không được, giữ lại đi cũng chẳng xong, dễ rơi vào tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’”, Tuấn Anh chia sẻ.

Người trẻ TP.HCM tìm chỗ sạc xe điện

Một số người trẻ tại TP.HCM và Hà Nội ít nhiều gặp khó khăn khi chuyển sang dùng xe máy, ôtô điện do thiếu chỗ sạc, chi phí thay pin cao nhưng nhanh chóng thích nghi.

Triệu phú tự thân vỡ mộng nghỉ hưu sớm từ tuổi 32

Rose Han từng nghĩ nghỉ hưu sớm là mục tiêu tối thượng. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng sống tự do, cô bắt đầu thấy nhàm chán, nhận ra đây không phải điều mình mong muốn.

Lối sống 'không ôtô, chê xe máy' của người trẻ TP.HCM

Chán cảnh kẹt xe, chi phí gửi xe đắt đỏ và thời tiết thất thường, nhiều người trẻ ở TP.HCM và Hà Nội chuyển sang đi tàu điện, gọi xe công nghệ để đi làm, đi chơi mỗi ngày.

Người phụ nữ xây dựng đế chế mỹ phẩm từ căn bếp nhỏ

Cuốn Công ty tôi gìn giữ kể lại hành trình khởi nghiệp của Estée Lauder từ những lọ kem dưỡng tự chế trong căn bếp nhỏ, kết hợp kỹ năng bán hàng với niềm tin rằng mọi phụ nữ đều có thể đẹp. Từ đó, bà xây dựng thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu với hơn 25 thương hiệu, có mặt tại 150 quốc gia.

Linh Vũ - Như Phương

Bạn có thể quan tâm