“Độc lạ Bình Dương” xuất hiện từ năm 2019, là tên của fanpage chuyên chia sẻ những câu chuyện lạ lùng ở Bình Dương. Phần lớn nội dung đăng tải được cho là “lạ kỳ” hoặc “hiếm thấy”, đánh vào tâm lý tò mò của người xem. Cụm từ dùng để chỉ những sự việc, hiện tượng khôi hài và độc đáo này bắt đầu được nhắc đến nhiều từ tháng 11/2022, tiếp tục duy trì sức hút trong đầu năm nay. Nhiều bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hài hước được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, kèm theo dòng chú thích “Độc lạ Bình Dương”. |
Cụm từ “đúng nhận sai cãi” tràn ngập mạng xã hội từ đầu năm nay, là câu cửa miệng của một cô đồng xem bói bằng cách bổ quả cau. Cô đồng này sau đó bị Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bắt và khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi “phán” về đời tư người xem, cô đồng thường hỏi: “Đúng nhận sai cãi”, ngầm thể hiện mình “tìm ra bói thấy”. Sau khi những clip xem bói trở nên thịnh hành trên mạng xã hội, nhiều nhà sáng tạo nội dung lập tức nhại lại câu nói này, bắt chước hành động bổ cau của cô đồng, tạo ra những tình huống giải trí thú vị. Ảnh: Trương Hương. |
“Gwenchana” là phiên âm của một từ tiếng Hàn Quốc, có nghĩa là “Tôi ổn”, “Tôi không sao” hoặc “Không sao đâu”. Câu nói này rất thông dụng trong giao tiếp ở xứ kim chi. Tháng 9, câu nói bỗng trở thành xu hướng sau khi một chàng trai người Malaysia ghi hình cảnh vừa khóc, vừa nói "gwenchana" trên nền nhạc buồn. Biểu cảm mếu máo hài hước của anh thu hút hơn 70 triệu lượt xem và vô số lượt thích, bình luận trên mạng xã hội. Khi du nhập về Việt Nam, "gwenchana" được người trẻ phiên âm tiếng Việt một cách hài hước thành "quền cha nà", hay "quền cha nà dồ". |
“Flex” là từ lóng tiếng Anh, dùng để chỉ hành động khoe mẽ khiến người khác cảm thấy khó chịu. Từ lóng này bắt đầu được sử dụng rộng rãi kể từ những năm 1990, nói về “sự khoe mẽ vô duyên” trong văn hóa Âu Mỹ. “Flex” trở nên phổ biến hơn nữa vào năm 2014 nhờ ca khúc hiphop No Flex Zone của bộ đôi Rae Sremmurd. Ở Việt Nam, trào lưu flexing bắt đầu khi các rapper sử dụng từ này trong bài hát. Cụ thể, rapper 16 Typh tạo ra hiệu ứng khi đưa từ khoá “flex” vào ca khúc Don’t Waste My Time. |
Đi cùng với sự phổ biến của “flex” là từ tiếng Anh “pressing”. Trong môn bóng đá, thuật ngữ này dùng để chỉ kiểu lối chơi tạo áp lực cao cho đối thủ nhằm giành lại trái bóng trong chân. Để “thoát pressing”, các cầu thủ phải trang bị những kỹ thuật cá nhân tốt. Tương tự trong các cuộc hội thoại, hành vi gây áp lực cho đối phương, đẩy họ vào thế bị động có thể được gọi là một kiểu “pressing”. Ngược lại, một người sẽ “thoát pressing” khi tìm ra cách phản bác. Ảnh: PA. |
“Over hợp” là câu nói nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt của Thái VG khi ngồi trên ghế HLV Rap Việt 2023. Khi muốn mời một thí sinh về đội của mình, anh hào hứng nói: “She over ‘hợp’”. Lối trò chuyện trộn lẫn giữa hai loại ngôn ngữ của nam rapper khiến nhiều khán giả bật cười. Ngay từ màn “chào sân”, Thái VG, rapper tiên phong cho làn sóng rap tại Việt Nam, chia sẻ rằng anh không quá rành tiếng Việt do sinh sống chủ yếu ở Mỹ. Cách chêm tiếng nước ngoài vào cuộc hội thoại tiếng Việt của nam rapper khiến nhiều người trẻ cảm thấy thích thú và nhanh chóng biến thành câu cửa miệng. |
Cụm từ “kiếp nạn thứ 82” xuất hiện trong nhiều bài đăng, clip trên mạng xã hội năm nay. Cách nói này gợi liên tưởng đến 81 kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua trên đường đi thỉnh kinh trong phim Tây Du Ký. Cách nói “kiếp nạn thứ 82” ý chỉ những tình huống khó khăn, oái oăm tiếp tục xảy ra sau khi tưởng đã vượt qua mọi thử thách. Cụm từ này được sử dụng một cách dí dỏm, hài hước, tạo ra những nội dung thú vị trên mạng xã hội. Ảnh: CCTV. |
“Elm” là cách bố mẹ gọi bé Pam. Được xem là “idol giới trẻ”, cô bé hơn 1 tuổi này sở hữu nhiều fanpage Pam Yêu Ơi với số lượng người theo dõi lớn. Pam là con gái của hotgirl Salim Hoàng (Hoàng Kim Ngân) và ông xã Hải Long, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng nhờ biểu cảm đáng yêu, ngộ nghĩnh. Điệu lườm, hành động hôn gió, câu cửa miệng “chu chu” của cô bé khiến nhiều người thích thú. Các hoạt động hàng ngày như đi học, đi tiêm phòng, du lịch của em bé Pam được giới trẻ chăm chú theo dõi, tạo ra lượng tương tác lớn. Ảnh: @pamyeuoi. |
"Delulu" là từ lóng của từ tiếng Anh "delusional", dùng để chỉ sự ảo tưởng, mô tả về suy nghĩ hoặc tưởng tượng phi thực tế của một người. Nhưng khi phổ biến trở lại vào năm nay, thuật ngữ không còn mang nhiều ý nghĩa tiêu cực, mà được lãng mạn hóa, với khẩu hiệu "Delulu is the Solulu" (tạm dịch: "Ảo tưởng chính là cách giải quyết vấn đề"). Nhiều người trẻ cho rằng những suy nghĩ "delulu" có thể khiến họ tạm thời quên đi những áp lực cuộc sống và tiếp tục nỗ lực hướng về tương lai. |
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.