Ổn định chỗ ngồi trong không gian yên tĩnh và đặt bộ bài lên tấm khăn phẳng phiu, Nguyễn Thanh Chương (23 tuổi, giáo viên tại một cơ sở dạy kỹ năng sống ở TP.HCM) giải thích cho những đồng nghiệp không am hiểu tarot: “Mọi người lưu ý không hỏi về ‘4D’ - disease (bệnh tật), divorce (ly hôn), disaster (thảm họa) và death (cái chết) nhé”.
Xong xuôi, Chương bắt đầu tiếp nhận vấn đề của đối phương, rồi diễn giải "tín hiệu vũ trụ" thông qua 78 lá bài.
Thỉnh thoảng, Chương tổ chức những buổi xem tarot tại văn phòng vào giờ nghỉ trưa như thế này để chiều lòng đồng nghiệp, bởi mọi người muốn nhận được lời khuyên đối với nhiều vấn đề trong cuộc sống - từ tình cảm cho đến tài chính, công việc.
Tuy nhiên, việc cả nể mà trải bài tarot cho nhiều người cùng lúc đã không ít lần “ngốn sạch” năng lượng làm việc của Chương cũng như nhiều tarot reader "tay trái" khác.
Vừa thấy mặt đã bị “réo” tên
Tiếp xúc tarot từ năm nhất đại học, Chương ấn tượng với hình ảnh bắt mắt liên quan đến tôn giáo, huyền học và chiêm tinh trên từng lá bài. Lịch sử lâu đời đằng sau bộ bài càng thôi thúc Chương tìm hiểu sâu về tarot.
Đến khi đi làm, Chương thỉnh thoảng xem tarot cho đồng nghiệp, phần vì muốn góp chút tài lẻ, phần để xây dựng mối quan hệ bền vững với mọi người thông qua những cuộc trò chuyện sâu sắc.
Tarot đã tồn tại hàng trăm năm và được coi là công cụ khám phá các khía cạnh tinh thần. Ảnh: Sixth Tone. |
Hàng ngày, đồng nghiệp vừa nhìn thấy Chương liền nhờ xem Tarot, nhưng Chương chỉ trải bài ngoài giờ làm việc hoặc lúc tâm trạng ổn định để không ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giải bài.
Mỗi lần xem thường kéo dài 5-10 phút/người. Lần nhiều nhất Chương xem cho 7 người cùng lúc. Sau mỗi lần, đồng nghiệp thường mời Chương uống nước, ăn nhẹ xem như trả công, song cơ thể Chương hao hụt năng lượng đáng kể.
“Khi xem tarot cho nhiều người, tâm trí tôi khá rối rắm và cơ thể gần như kiệt sức vì phải kết nối năng lượng, tìm hiểu cũng như giải đáp các vấn đề khác nhau. Kết thúc phiên trải bài là tôi ‘đuối toàn tập’ và không thể tập trung vào công việc sau giờ nghỉ trưa”, Chương bày tỏ.
Những lúc như vậy, Chương phải hạn chế giao tiếp với người khác, thay vào đó tìm chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi, nghe nhạc và hồi phục năng lượng.
Giờ nghỉ trưa ở các văn phòng đôi khi biến thành phiên trải bài tarot. Ảnh minh họa: Pexels. |
- Linh ơi, có trải bài không?
Đây là câu mà đồng nghiệp vẫn hay hỏi Đình Linh (22 tuổi, designer tại TP.HCM).
Vì thế, 2 lần/tháng tại văn phòng, Linh và mọi người sẽ tụ tập xung quanh 78 lá bài để đón nhận “thông điệp vũ trụ”. Linh chỉ nhận xem tối đa 4 người/lần vì thời gian nghỉ trưa có hạn và muốn giữ sức làm việc buổi chiều.
Đồng nghiệp thường hỏi Linh các vấn đề về tương lai hoặc nhờ phân tích mặt lợi, hại của những lựa chọn, chẳng hạn: “Anh/chị dự định sang năm mua nhà. Em xem thử có ổn không?”.
Mỗi lần xem tarot, Linh cần trung bình nửa ngày, thậm chí qua sáng hôm sau để năng lượng ổn định trở lại.
“Quá trình trải bài có sự kết nối giữa người hỏi và tarot reader. Vì thế, năng lượng tiêu cực của họ sẽ vô tình ảnh hưởng đến tôi. Đó là lý do mà kết thúc phiên trải bài, tôi cố gắng không để tâm trí đọng lại điều gì về câu chuyện của đối phương”, Linh cho biết.
Dù không tụt năng lượng trầm trọng, Linh thấy bản thân buồn ngủ, uể oải hơn nên thường pha trà uống cho tỉnh táo rồi mới tiếp tục công việc.
Trải nghiệm nhớ đời
Khác với Chương và Linh, Tuân (24 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở TP.HCM) quyết định giấu kín khả năng xem tarot để tránh phiền phức ở nơi làm việc.
Điều này bắt nguồn từ trải nghiệm không mong muốn trong quá khứ của Tuân. Khi ấy, Tuân còn là sinh viên và đi làm bán thời gian cho một cửa hàng. Đồng nghiệp tại đây vô tình tiết lộ chuyện Tuân biết xem tarot cho quản lý nên người này đã yêu cầu Tuân mang bài vào kho hàng để trải bài cho họ.
Tarot reader thường nhận xem bài cho lượng khách vừa đủ để tránh hao hụt năng lượng. Ảnh minh họa: Freepik. |
Xem liên tục cho 3 người, sau đó phải khênh hàng nặng đã khiến Tuân kiệt sức.
"Tuổi đời còn trẻ, lại đối diện với sếp nên tôi không dám phản kháng. Tôi trải bài cho hết người này đến người kia, sắp xếp hàng hóa xong là bị ép buộc xem tiếp. Họ cũng nói tôi không có quyền đòi hỏi bởi tiền lương tính theo giờ chính là chi phí xem bài mà tôi nhận được. Khi ấy, tôi ấm ức lắm nhưng không biết xử lý thế nào nên đành cố chịu đựng", Tuân nhớ lại.
Lần đó khiến Tuân ám ảnh đến mức không muốn người khác biết khả năng xem tarot của mình. Tuân cũng ngưng kết nối với bộ bài một thời gian dài để tự chữa lành.
Chí Công (25 tuổi, bác sĩ) cũng không ít lần bị đồng nghiệp nhờ xem tarot vào giờ nghỉ trưa chỉ vỏn vẹn 30 phút đến 1 giờ.
"Ban đầu, tôi xem tarot cho đồng nghiệp vì mục đích giao lưu, lắng nghe tâm sự. Dần dà, việc bị lạm dụng xem tarot vào khoảng thời gian muốn dành riêng cho bản thân khiến tôi không thoải mái. Một, hai người còn đỡ chứ lần nhiều nhất tôi xem cho 5-7 người; mọi người hỏi tới tấp khiến tôi giải bài không kịp thở", Công chia sẻ.
Tarot nếu được sử dụng có chừng mực sẽ là cách thú vị để gắn kết đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Đôi khi, Công tranh thủ giờ nghỉ trưa để xem cho khách đã đặt lịch từ trước bởi tarot vốn là công việc kiếm thêm của Công.
Khi ấy, một số đồng nghiệp đi ngang qua, vô tình trông thấy Công đang trải bài nên xúm vào, xin "ké". Họ có thể hỏi đi hỏi lại một vấn đề hoặc hỏi những câu chung chung, mơ hồ khiến tarot reader như Công khó diễn giải.
Còn nếu không xem ngay mà hẹn lần khác, Công sẽ bị đồng nghiệp "nhắc nhở" mấy ngày sau.
Dù không phủ nhận sức hấp dẫn của tarot đối với mọi người, song từ những tình huống trớ trêu kể trên, Chương, Linh, Tuân và Công đều đồng tình rằng bộ bài nên được sử dụng có chừng mực. Họ cũng mong đồng nghiệp sẽ nhớ đến mình nhiều hơn ở vai trò chuyên môn tại nơi làm việc.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.