Một số nhân viên Lazada nhận được lời mời vào đêm hôm trước, hoặc chỉ cách vài tiếng đồng hồ trước cuộc họp quan trọng - nơi họ nhận được thông báo sa thải. Có những người phải hủy chuyến nghỉ phép để dự buổi họp đột xuất.
Một số người đã khóc. Các nhân viên nói với CNA rằng sự việc này hoàn toàn bất ngờ với họ.
3 nhân viên Lazada đã đồng ý chia sẻ với CNA (với điều kiện giấu tên) về quá trình sa thải của gã khổng lồ thương mại điện tử ở Singapore vào thứ Tư tuần trước.
Họ miêu tả hành động đó là "thiếu công bằng", "không rõ ràng" và "khó hiểu". Quá trình sa thai thiếu minh bạch đã tạo ra làn sóng dư luận với nhiều đồn đoán khác nhau giữa các nhân sự.
Văn phòng Lazada tại Singapore. Ảnh: Straits Times. |
Khó hiểu và thiếu minh bạch
CNA nhận định quá trình sa thải vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự của công ty này đều từ chối trả lời khi được phỏng vấn, họ nói rằng không biết nhiều thông tin.
Cả 3 nhân sự đồng ý trả lời phỏng vấn cùng ước tính đến hiện tại, trong số nhân viên họ từng làm việc và tiếp xúc, có khoảng 100 người đã nhận được thông báo lay-off. Nhân sự trên tất cả bộ phận toàn công ty đều bị ảnh hưởng.
Một số bộ phận đã bị sa thải gần hết, có bộ phận bị cắt giảm từ 20-30 người xuống còn 4-5 người.
Tuy nhiên, thắc mắc về quy mô sa thải lần này vẫn chưa được trả lời. Một nhân viên ước tính công ty này có khoảng 8.000-10.000 nhân sự ở Singapore, bao gồm đội ngũ hậu cần.
Năm 2023, Lazada Singapore đã sa thải một số nhân viên, nhưng nó chỉ ảnh hưởng đến một số người và số ít bộ phận. Lần này, nhân viên từ mọi bộ phận của công ty, ở mọi cấp độ, đều bị ảnh hưởng.
Đợt sa thải của Lazada đột ngột và thiếu minh bạch với các nhân viên. Ảnh: TODAY. |
Đợt sa thải này được 3 nhân viên cho là "khó hiểu" vì họ thấy ngay cả những ngôi sao nổi bật, thậm chí người vừa được thăng chức cũng bị cho thôi việc.
Họ nhận thấy gói trợ cấp thôi việc thấp hơn dự kiến và tệ hơn so với những gì các công ty công nghệ khác như Shopee và Grab đã đưa ra cho nhân viên trong đợt sa thải năm ngoái.
Một người được phỏng vấn cho biết đây là đợt sa thải lớn nhất cô từng trải qua và nó "làm mất tinh thần". Mọi người cho biết không thể tiếp tục làm việc bình thường vì những người họ từng cộng tác đã bị cho nghỉ.
Một vấn đề quan trọng khiến nhân viên bức xúc là thiếu sự liên lạc và minh bạch từ ban quản lý. Những người trả lời phỏng vấn cho rằng quá trình này đáng ra có thể "nhân đạo" hơn.
"Chúng tôi đều có những khoản thế chấp phải trả, và có gia đình cần chăm sóc", một người nói.
Một nhân viên khác cho biết cô nhận được quyết định sa thải trong cuộc họp kéo dài 20 phút. Cô được đưa một gói hỗ trợ thất nghiệp và phải ký vào thỏa thuận. Công ty không đưa ra đề nghị mua lại quyền chọn cổ phiếu hay bất kỳ lời khuyên, hỗ trợ nào khác cho người bị đuổi.
Nhân viên cần sự hỗ trợ
Người phát ngôn của Lazada cho biết vào tối 3/1 rằng công ty đang "thực hiện các điều chỉnh chủ động để chuyển đổi lực lượng lao động của mình, nhằm định vị tốt hơn theo cách làm việc linh hoạt, hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong tương lai".
"Trong vài năm qua, Lazada đã không ngừng phát triển để đảm bảo duy trì mô hình tăng trưởng kinh doanh bền vững", người phát ngôn nói thêm.
Theo đó, sự chuyển đổi này đòi hỏi công ty phải đánh giá lại các yêu cầu về lực lượng lao động và cơ cấu hoạt động để đảm bảo Lazada có vị thế tốt hơn, ổn định hoạt động kinh doanh và nhân sự trong tương lai.
Digital Industry Singapore, một văn phòng chính phủ hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực công nghệ, cho biết họ đang kết nối với Lazada và các cơ quan chính phủ khác để hỗ trợ những nhân viên bị ảnh hưởng có cơ hội việc làm thay thế.
Lazada được thành lập vào năm 2012 bởi Rocket Internet, sau đó được Alibaba mua lại vào năm 2016. Lazada Singapore là trụ sở khu vực các liên doanh thương mại điện tử của Alibaba tại Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Các nhân viên cho biết đã nghe nói về việc sa thải đồng nghiệp ở các quốc gia khác.
Tháng 3/2023, Alibaba công bố tái cơ cấu đáng kể và chia thành 6 nhóm kinh doanh. Lazada hiện thuộc Thương mại kỹ thuật số quốc tế Alibaba cùng với các nền tảng thương mại điện tử khác AliExpress, Trendyol và Daraz.
Ngày 14/12 cùng năm, Tập đoàn Alibaba công bố khoản đầu tư bổ sung 634 triệu USD vào Lazada.
Nhưng công ty này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á từ Shopee và TikTok, vốn đã triển khai hoạt động thương mại điện tử ở một số thị trường. TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance, gần đây đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Indonesia.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.