Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kính hiển vi điện tử sẽ giúp khôi phục bài thi trắc nghiệm bị tẩy xóa

Theo tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, giám định khoa học kết hợp điều tra có thể tìm ra dấu vết sửa bài thi so với đáp án gốc thí sinh đã chọn, kể cả bằng bút mực hay bút chì.

Khoa học hình sự có thể khôi phục bài thi bị tẩy sửa Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa công nghệ hình sự khẳng định kính hiển vi điện tử có thể tìm ra bản chất chữ viết bằng các loại mực, kể cả các dấu vết đó đã bị tẩy xóa, sửa chữa.

Liên quan sai phạm về điểm thi tại Sơn La sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 26/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Xác minh ban đầu thấy ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La và 4 cán bộ Sở này liên quan đến các sai phạm. Vụ việc có dấu hiệu sửa chữa bài thi gốc của một số thí sinh.

Tiến sĩ - đại tá Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) có những chia sẻ với Zing.vn về vụ việc nghiêm trọng này.

Sua bai thi tot nghiep o Son La anh 1
Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự cho rằng can thiệp, sửa điểm là hình thức gian lận thi cử mới. Ảnh: Đức Phạm.

Khoa học hình sự có thể phát hiện sai phạm

- Theo tiến sĩ, cơ quan giám định có phát hiện được bút tích sửa chữa/tẩy xóa ở các phiếu trả lời trắc nghiệm là do thí sinh làm hay người khác can thiệp?

- Về mặt khoa học hình sự, cơ quan giám định có thể phát hiện các dấu vết tẩy xóa, sửa chữa trên bài thi. Tuy nhiên, việc giám định đó phải sử dụng thiết bị khoa học hiện đại; thậm chí phải áp dụng biện pháp xét nghiệm hóa lý.

Thực tế, công nghệ kính hiển vi điện tử hiện nay hoàn toàn có thể tìm ra bản chất chữ viết bằng các loại mực, kể cả các dấu vết đó đã bị tẩy xóa, sửa chữa.

Quá trình giám định, thiết bị chuyên dụng sẽ tìm ra chi tiết bị chỉnh sửa, tẩy xóa nếu trên bài thi của thí sinh có sự can thiệp của người khác. Trường hợp các dấu vết khác nhau do nhiều người tác động, việc giám định có thể phát hiện ra sự khác nhau giữa vết tẩy xóa, sửa chữa so với đáp án thí sinh đã chọn.

Hiện nay, cơ quan giám định thường sử dụng phương pháp giám định tuổi mực để xác định việc sửa chữa, tẩy xóa trên các tài liệu viết. Về pháp lý, tuổi mực cũng được cơ quan chức năng trong nước công nhận là một chứng cứ khoa học khi điều tra vụ án.

- Cơ quan giám định gặp những khó khăn gì khi xem xét dấu vết nghi tẩy xóa, chỉnh sửa trên bài thi?

- Việc giám định mục đích để xác định các bài thi có bị tẩy xóa, sửa chữa hay không. Còn việc tìm ra người can thiệp bài thi lại là chuyện khác. Khi đó, cần có cơ quan điều tra vào cuộc.

Tùy vào các mẫu tài liệu cần giám định để chọn phương pháp phù hợp. Mẫu viết bằng bút chì dùng biện pháp khác còn mẫu sử dụng bút mực lại phải áp dụng phương pháp khác.

Ví dụ, nếu thí sinh dùng bút chì để chọn đáp án, cơ quan điều tra có thể để thí sinh đó thực hiện lại việc chọn để lấy mẫu mang đi giám định. Mỗi người, mỗi độ tuổi đều có nét chữ riêng biệt. Do đó, tìm ra sự khác nhau là điều không khó.

Sua bai thi tot nghiep o Son La anh 2
Tiến sĩ Hùng khẳng định cơ quan giám định có thể tìm ra dấu vết can thiệp trên bài thi gốc của thí sinh. Ảnh: Đức Phạm.

Có thể khôi phục tài liệu đã bị xóa

- Trong vụ can thiệp lên bài thi gốc ở Sơn La, nếu sử dụng công nghệ thông tin có phát hiện ra dấu vết hay cần thiết phải có sự tham gia về mặt khoa học hình sự của cơ quan giám định?

- Về mặt khoa học, cần thiết phải thực hiện việc giám định để đảm bảo tính khách quan, trung thực.

Trường hợp can thiệp bài thi gốc hoặc xóa tài liệu lưu trong ổ đĩa, nên áp dụng đồng bộ cả công nghệ thông tin và khoa học hình sự để tìm ra sự thật.

Với sự việc xảy ra ở Sơn La, để tìm ra dấu vết can thiệp bài thi gốc, cơ quan giám định trước hết cần chọn ra một số bài thi điển hình. Tiếp đó, cơ quan điều tra xác định loại bút, mực thí sinh đã sử dụng khi làm bài.

Cuối cùng cần tiến hành thực nghiệm để thí sinh làm bài thi, sử dụng làm mẫu để so sánh với các bài thi bị nghi chỉnh sửa, tẩy xóa. Quá trình giám định toàn diện có thể giúp cơ quan điều tra phát hiện sai phạm.

- Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Vậy theo ông, cơ quan chuyên môn có khôi phục được tài liệu đã xóa?

- Về việc này, cơ quan giám định có thể khôi phục được tài liệu đã bị xóa. Nhưng việc khôi phục cần thiết bị hiện đại, chuyên dụng. Thậm chí có thể phải cần đến sự hợp tác với cơ quan giám định nước ngoài.

Mặt khác, cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ người xóa các tài liệu đó bằng cách nào? Họ đã xóa hết hay còn sao lưu bản gốc? Lời khai của người xóa tài liệu có thể giúp cơ quan giám định nhanh chóng khôi phục hơn.

Can thiệp bài thi là hình thức gian lận mới

- Là người có hàng chục năm kinh nghiệm về khoa học hình sự, tiến sĩ từng tham gia giám định tài liệu nào là bài thi viết/ bài thi trắc nghiệm?

- Quá trình công tác về khoa học hình sự, chúng tôi từng tham gia giám định ở một số vụ án liên quan đến việc tẩy xóa, thay đổi tài liệu các kỳ thi.

Có trường hợp, thí sinh được dùng một loại bút có mực khác biệt. Người chấm bài khi thấy bài thi được viết bằng mực đó, sẽ cho điểm khác hơn.

Trong khoa học hình sự, chúng tôi luôn quan niệm mọi sự thay đổi vật chất đều để lại dấu vết.

Bài thi trắc nghiệm thường sử dụng bút chì hoặc bút mực để chọn đáp án. Do đó, nếu bài thi đã bị chỉnh sửa hay tẩy xóa, về mặt logic thì việc làm đó sẽ để lại các dấu vết. Khoa học hình sự kết hợp thiết bị chuyên dụng hiện đại có thể tìm ra được các vi vết đó.

- Ông đánh giá gì về việc chỉnh sửa, tẩy xóa và tác động vào bài thi trắc nghiệm THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại Hà Giang, Sơn La?

- Việc can thiệp bài thi gốc xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại Sơn La có thể được coi là một hình thức gian lận tương đối mới, gây khó khăn trong việc phát hiện tiêu cực.

Để phát hiện các hình thức gian lận tinh vi đó, cần kết hợp hài hòa giữa giám định khoa học hình sự với quá trình điều tra. Bởi nếu không có chứng cứ khoa học, kết luận điều tra sẽ thiếu tính thuyết phục.

Có thể nói hình thức thi trắc nghiệm giúp tiết kiệm nhiều mặt. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý chưa tính toán hết mặt tiêu cực. Thủ đoạn gian lận thông qua việc thi trắc nghiệm vì thế mà xuất hiện. Cơ quan chức năng về giáo dục cần phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện cho những kỳ thi sau.

Trong vụ việc xảy ra tại Sơn La và Hà Giang, để xảy ra những sai phạm về điểm thi chắc chắn có ít nhất từ 2 cá nhân trở lên liên quan và phải có động cơ, mục đích nhất định. Thậm chí, có thể có cả người trung gian.

Ngoài ra, sai phạm về điểm thi cũng khiến quá trình điều tra, giám định để làm rõ tiêu cực tốn nhiều thời gian, công sức.

Theo tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội), việc sửa hoặc tẩy xóa bài thi của thí sinh là trái với quy chế của kỳ thi. Người trực tiếp can thiệp bài thi trắc nghiệm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Người can thiệp phiếu thi đã sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện hành vi sai trái, có dấu hiệu tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Người có hành vi sửa hay tẩy xóa bài thi phải là người có chức vụ, quyền hạn mới tiếp cận được các tài liệu mật đó. Hơn nữa, người đó đã lợi dụng trách nhiệm được giao để thực hiện hành vi sửa điểm, sửa bài thi nhiều khả năng vì động cơ vụ lợi.

Khởi tố vụ án sửa điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La

Sau khi phát hiện sai phạm liên quan đến ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La và 4 người khác, Cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh này đã khởi tố vụ án để điều tra.

Sai phạm ở Sơn La nghiêm trọng hơn Hà Giang vì khó khôi phục điểm gốc

Nhiều chuyên gia nhận định việc khôi phục điểm thi thực chất ở Sơn La rất khó vì đối tượng sửa trực tiếp trên bài thi. Điều đó kéo theo hậu quả khôn lường.

Hoàng Lam thực hiện

Video: Đức Phạm

Bạn có thể quan tâm